Cần có thêm giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Chính phủ phải có thêm những chính sách kích cung, đồng thời với kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp đủ sức giành chỗ tại thị trường trong nước, từ đó vươn ra nước ngoài.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng nay (23/5), các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023 và những tháng đầu năm 2024.

Cần có thêm giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh - ảnh 1Quang cảnh kỳ họp - Ảnh: qdnd.vn

Đánh giá cao nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng đầu năm đạt cao nhất trong 4 năm trở lại đây, các đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị cần có những giải pháp căn cơ để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Cho rằng Chính phủ cần có chính sách đột phá hơn để các doanh nghiệp phát triển, ông Nguyễn Như So, đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Ninh, đề nghị: "Cần tập trung khai thác triệt để tiềm năng của chính sách tài khóa, giúp cho doanh nghiệp tiếp cận một cách nhanh chóng, kịp thời và có sức lan tỏa. Các chính sách về thuế, tiêu dùng nên được chú trọng nhằm kích cầu tiêu dùng, cần đánh giá lại hiệu quả tác động chính sách thuế VAT 2% thời gian qua và mạnh dạn mở rộng tỷ lệ 4-5%".

Nhấn mạnh đến giải pháp xây dựng kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, ông Nguyễn Hải Dũng, đại biểu quốc hội tỉnh Nam Định, cho rằng: "Nhà nước phải hỗ trợ để cho các doanh nghiệp ra đời, ví dụ như hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo mà chúng ta đang làm, phải làm tích cực hơn. Nhà nước phải giữ vai trò quyết định, khích lệ tư nhân thành lập doanh nghiệp và xây dựng cộng đồng doanh nghiệp chặt chẽ và có sự chia sẻ. Rõ ràng, nếu hệ thống doanh nghiệp của chúng ta hoạt động theo cơ chế kinh tế tuần hoàn, đầu ra của doanh nghiệp này là đâu vào của doanh nghiệp kia, có như vậy, chúng ta vừa tiết kiệm vừa thành công trong xây dựng cộng đồng doanh nghiệp to lớn hơn".

Đề cập giải pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản, nhiều đại biểu cho rằng hiện nay, Chính phủ đã có Tờ trình 247 đề nghị sửa đổi thời điểm có hiệu lực của 3 luật: Luật Đất đai ( sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở. Tuy nhiên, cần tập trung nguồn lực để làm sao cho 3 luật  khởi động đồng thời để phát huy hiệu quả tổng thể cao nhất.

Ngoài ra, Chính phủ phải có thêm những chính sách kích cung, đồng thời với kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp đủ sức giành chỗ tại thị trường trong nước, từ đó vươn ra nước ngoài để tham gia chuỗi ngành. Đặc biệt, cần nuôi dưỡng doanh nghiệp nội địa. Phải có các doanh nghiệp "sếu đầu đàn Việt" thì mới lôi kéo được các "đại bàng" đến Việt Nam.

Feedback