Sáng 02/05, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì tổ chức diễn ra với các phiên hội thảo, tọa đàm về 6 chuyên đề chính gồm: Du lịch, Kinh tế số, CPTPP, Vốn - Tài chính, Nông nghiệp, Khởi nghiệp. Tại đây, các vấn đề kinh tế vĩ mô được mổ xẻ, cùng đối thoại chính sách công - tư cởi mở giữa đại diện Chính phủ và khối tư nhân.
Quang cảnh một phiên hội thảo trong diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên/kinhtedothi.vn
|
Tại hội thảo về nông nghiệp với chủ đề “Tạo lập và phát triển bền vững các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản hội nhập quốc tế”, các đại biểu thảo luận về những giải pháp hình thành và chuẩn hóa các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản.
Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Lộc Trời, trong chuỗi liên kết cần phân rõ vai của các nhà để nâng cao tính liên kết bền vững của các bên. "Trong tam giác đều gồm nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nông - thì 3 chủ thể này ở 3 đỉnh của tam giác, Nhà nước nên ở tâm điểm của tam giác để làm vai trò kiến tạo như Chính phủ đưa ra. Vai trò quản lý ở đây là tạo lập luật chơi, vừa làm vai trò trọng tài và đề ra chế tài cho liên kết này. Nếu chúng ta xác lập được cơ chế này và phân vai rõ ràng các bên, ai làm cũng làm tròn vai của mình sẽ tạo được liên kết bền vững” - ông Thòn nói.
Trong khi đó, hội thảo “Hoàn thiện thể chế và các nền tảng Phát triển kinh tế số tại Việt Nam” thảo luận những vấn đề phát triển nền kinh tế số Việt Nam như thiết lập mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế số; xây dựng và phát triển dữ liệu mở tại Việt Nam; giải pháp, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái số... Ông Bùi Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, cho rằng: “Hoạt động số là tác nhân rất quan trọng. Do vậy, cần phải có cơ chế chính sách ràng buộc, trách nhiệm đầu tư về ngân sách hoặc pháp lý. Kinh tế số kéo theo rất nhiều vấn đề về pháp lý từ giao dịch điện tử, hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử... pháp lý hoá như thế nào và các hình thức thanh toán điện tử giá trị đến đâu phải pháp lý hóa, cần phải làm đồng bộ”.
Những cơ hội, thách thức và giải pháp cho doanh nghiệp Việt tận dụng và bứt phá sẽ được nêu cụ thể tại Phiên chuyên đề riêng dành cho CPTPP. Diễn đàn cũng có riêng phiên thảo luận về Vốn - tài chính, một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp Việt. Phiên thảo luận ghi nhận những hiến kế quan trọng để khơi thông dòng vốn tín dụng trung - dài hạn, cũng như thúc đẩy các thị trường trái phiếu, mô hình quỹ tại Việt Nam.
Sự kiện thu hút hàng ngàn doanh nghiệp tham dự. Ảnh: Khắc Kiên/kinhtedothi.vn
|
Các câu hỏi xoay quanh việc tháo gỡ nút thắt cho những mô hình khởi nghiệp mới được nhiều doanh nghiệp chia sẻ tại phiên thảo luận chủ đề “Các mô hình kinh doanh mới và khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam: Nút thắt và các kiến nghị”. Các đại biểu cho rằng để bắt nhịp với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một trong những cách thức ứng phó của Việt Nam là đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup).
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng: “Những mô hình kinh doanh mới có khả năng tăng trưởng nhanh, tạo ra sức hút cho các nhà đầu tư thì phải là những mô hình tạo ra những sản phẩm mới, dịch vụ mới hoặc là phương thức sản xuất sản phẩm mới hay phương thức cung cấp sản phẩm mới trong chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó bản chất của mô hình kinh doanh mới không dựa trên sức lao động giá rẻ và tài nguyên mà chủ yếu dựa trên khai thác trí tuệ, công nghệ mới”.
Tại phiên thảo luận về Du lịch, các vấn đề nóng của ngành những năm qua, như chính sách thị thực, phát triển hàng không... được các bên thảo luận và tìm ra chiến lược nhằm thu hút khách, nâng hạng xếp hạng du lịch của Việt Nam tới năm 2021.