Ngày 28/6, ngày khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), The Japan Times, tờ báo tiếng Anh lớn nhất Nhật Bản đăng bài viết với tiêu đề “Môi trường đầu tư và triển vọng kinh tế Việt Nam” của Giáo sư Ryo Ikebe, trường Đại học Senshu, Nhật Bản. Bài viết đánh giá cao môi trường và tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi nhanh chóng và đối mặt với một loạt các thách thức lớn chưa từng có, từ căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu Mỹ - Trung Quốc, tình trạng trì trệ của thương mại, gánh nặng nợ khổng lồ, đến biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực của công nghệ và các điểm nóng xung đột khắp toàn cầu.
Sản xuất linh kiện điện tử. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN) |
Nền kinh tế Việt Nam được khẳng định là nền kinh tế mở, khi Việt Nam tham gia hầu hết những hiệp định thương mại tự do đa phương trong khu vực và thế giới. Chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ tháng 1/2007, Việt Nam hiện nay đã ký kết, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA)…
Bài viết cũng nêu rõ chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam so với khu vực được đánh giá thuộc nhóm dẫn đầu. Thuế thu nhập doanh nghiệp đang ở mức 20% - gần như thấp nhất tại Đông Nam Á, cùng nhiều ưu đãi đầu tư theo từng lĩnh vực, vùng, miền. Ngoài thế mạnh về nguồn lao động, thị trường, độ mở của nền kinh tế, cùng hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư, kinh doanh, Việt Nam còn là quốc gia được đánh giá có chính trị ổn định, chỉ số an ninh con người đang ngày càng được cải thiện. Những thuận lợi trên, đi kèm với đường lối đối ngoại cởi mở đã giúp vị thế của Việt Nam ngày càng tăng.
Việt Nam đang thể hiện là một quốc gia lý tưởng thu hút các nguồn lực đầu tư, kinh doanh từ nước ngoài, đồng thời cũng là quốc gia trách nhiệm, có ảnh hưởng và tham gia ngày càng sâu vào đời sống kinh tế, chính trị thế giới.