Việt ngữ Cây Tre - giữ hồn Việt trên đất Nhật

Bảo Trang
Chia sẻ
(VOV5) - Chúng tôi tạo ra một môi trường cho các gia đình Việt Nam giao lưu, không chỉ về ngôn ngữ mà còn về văn hóa, về kinh nghiệm sống của người Việt Nam khi sống ở nước ngoài.

Ngày 18/8 tới đây, tại Trung tâm Văn hóa Thành phố Higashi Osaka sẽ diễn ra lễ khai giảng lớp tiếng Việt năm học 2024 – 2025. Lớp học này là một chương trình của trưởng Việt ngữ Cây tre -  một dự án giáo dục do Hội phụ nữ Việt Nam vùng Kansai phối hợp với Hiệp hội xúc tiến hợp tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản thành lập, và đặc biệt là các học sinh đến học mà không phải trả bất cứ chi phí nào. Đó là tâm huyết của tập thể các cán bộ, giáo viên, tình nguyện viên có trình độ kinh nghiệm và giàu lòng yêu trẻ.

Việt ngữ Cây Tre - giữ hồn Việt trên đất Nhật - ảnh 1Chị Lê Thương, Hiệu trưởng trường Việt ngữ Cây tre

Là khách mời của chương trình hôm nay, chị Lê Thương – hiệu trưởng trường Việt ngữ Cây tre chia sẻ những khó khăn cũng như tâm huyết của những người hoạt động cộng đồng, với mong muốn tạo ra một môi trường học tập sinh động và hiệu quả, giúp người học tiếp cận và hiểu sâu về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam.

Nghe nội dung phỏng vấn tại đây:

 

PV: Thưa chị, trước tiên chị có thể cho biết đôi nét về Trường Việt ngữ Cây tre, với những khóa học hoàn toàn miễn phí, dành cho thế hệ thứ 2 thứ 3 tại Nhật và bạn bè quốc tế yêu Việt Nam tại Nhật Bản?

Chị Lê Thương: Trường Việt Ngữ Cây Tre là một dự án Giáo dục mà chúng tôi ấp ủ từ rất lâu. Ngoài việc đào tạo tiếng Việt thì chúng tôi còn tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa hướng về cội nguồn, khơi gợi tình yêu quê hương đất nước thông qua hình ảnh ngôi trường làng có cây tre - một hình ảnh rất quen thuộc của mỗi làng quê Việt Nam. Cá nhân tôi xuất thân từ nông thôn nên tôi rất mong muốn thông qua hình ảnh cây tre để giáo dục lòng yêu nước, ý thức cội nguồn. Chúng tôi tạo ra một môi trường cho các gia đình Việt Nam giao lưu, không chỉ về ngôn ngữ mà còn về văn hóa, về kinh nghiệm sống của người Việt Nam khi sống ở nước ngoài.

Việt ngữ Cây Tre - giữ hồn Việt trên đất Nhật - ảnh 2Cô trò của trường Việt ngữ Cây tre trong buổi lễ phát động ngày tôn vinh tiếng Việt tại Kansai, Nhật Bản.

Có một điều đặc biệt là chúng tôi không thu phí, mà chúng tôi mong muốn mỗi cá nhân, mỗi phụ huynh sẽ là một viên gạch xây nên một môi trường mang tên Việt Nam tại xứ sở mặt trời mọc. Hiện nay, số lượng người Việt Nam tại Nhật Bản tăng lên hơn 500.000 người. Thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra tại Nhật Bản ngày càng đông. Ở Nhật Bản, chúng tôi đều phải đi làm, tức là cuộc sống cứ cuốn theo hàng ngày nên việc gìn giữ ngôn ngữ mẹ đẻ rất khó khăn. Chúng tôi đã có hơn 10 năm gây dựng lớp tiếng Việt, và thấy được sự cấp thiết phải có một môi trường giáo dục chuyên nghiệp hơn. Vì vậy, chúng tôi gây dựng lên trường Việt ngữ Cây tre. Mục đích ban đầu, chúng tôi sẽ tạo ra những lớp học online và lớp học trực tiếp ở cả khu phố có người Việt Nam sinh sống nhiều nhất. Chúng tôi lựa chọn địa điểm đầu tiên trong dự án này là ở trung tâm văn hóa thành phố Higashi-osaka, Osaka, Nhật Bản.

Việt ngữ Cây Tre - giữ hồn Việt trên đất Nhật - ảnh 3Tại lễ phát động ngày tôn vinh tiếng Việt ở Nhật Bản

PV: Mở lớp học miễn phí như vậy, có nghĩa là mọi chi phí sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những người tổ chức. Chắc hẳn sẽ không ít khó khăn phải không chị?

Chị Lê Thương: Mở lớp học miễn phí thế này, có rất nhiều khoản chi phí chúng tôi phải chi. Hiện các cô giáo vẫn đang phải tự túc kinh phí đó. Tuy nhiên cũng là một điều rất may mắn bởi chúng tôi không đơn độc. Chúng tôi có sự hỗ trợ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ cho chúng tôi những tủ sách tiếng Việt cũng như giáo trình để cùng đồng hành với dự án này. Bên cạnh đó, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka luôn luôn động viên và hỗ trợ chúng tôi về mọi mặt. Bên cạnh đó, chúng tôi kết nối được với những doanh nghiệp Việt Nam ở Nhật Bản để chúng tôi có kinh phí và thêm động lực xây dựng nên một ngôi trường Việt ngữ.

Việt ngữ Cây Tre - giữ hồn Việt trên đất Nhật - ảnh 4Những em nhỏ gốc Việt say sưa học tiếng mẹ đẻ
Việt ngữ Cây Tre - giữ hồn Việt trên đất Nhật - ảnh 5Giờ học vui

Chương trình Việt ngữ có một điều đặc biệt là ngoài việc nhận được sự hỗ trợ về kinh phí, thì chúng tôi còn có sự hỗ trợ về chuyên môn của một số các trường Đại học, ví dụ như tại Osaka, chúng tôi có sự hỗ trợ của một giáo sư tiếng Việt ở trường Đại học Osaka hỗ trợ, cố vấn chúng tôi trong công tác giảng dạy. Bên cạnh đó, ở Việt Nam thì chúng tôi có sự hỗ trợ của hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, có sự hỗ trợ của Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Lân Trung trong công tác chuyên môn và giảng dạy. Điều này giúp chúng tôi vơi bớt những khó khăn bước đầu.

PV: Được biết bản thân chị đang đảm nhiệm rất nhiều vai trò chủ chốt trong nhiều hội đoàn của cộng đồng người Việt Nam vùng Kansai nói riêng, tại Nhật Bản nói chung. Chị có khi nào thấy mệt mỏi vì gánh vác nhiều công việc của cộng đồng như vậy?

Thực sự thì chúng tôi đã và sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình gây dựng và phát triển. Tôi là một trong những người sáng lập ra ngôi trường, tôi hiểu rõ hơn ai hết những khó khăn đó. Thế nhưng tình yêu quê hương, tình yêu với ngôn ngữ mẹ đẻ chính là động lực giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn để phát triển trường Việt ngữ. Công tác chuyên môn của tôi là một chuyên viên tâm lý, bên cạnh đó tôi cũng là Chủ tịch Hội người Việt Nam vùng Kansai, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, và cũng là một trong những người sáng lập Hội phụ nữ Việt Nam Vùng Kansai. Từng đó vai trò đã khiến cho tôi rất bận rộn. Và gần đây tôi lại nhận thêm một nhiệm vụ mới, đó là Hiệu trưởng trường Việt ngữ Cây tre tại Osaka. Quỹ thời gian của tôi cũng rất hạn hẹp, tuy nhiên tôi cũng cố gắng điều tiết hết sức để có thể làm tròn vai ở mỗi nhiệm vụ được giao.

Việt ngữ Cây Tre - giữ hồn Việt trên đất Nhật - ảnh 6Giữ tiếng Việt ở nước ngoài là điều không đơn giản

Khi tham gia những hoạt động này, bên cạnh những niềm vui thì tôi cũng có rất nhiều những áp lực. Có những người rất đồng cảm với cái sự hi sinh, cố gắng của mình, nhưng cũng không tránh khỏi có những người không hiểu những việc mà mình đang làm, họ có những lời ác ý khiến cho chúng tôi thấy áp lực và mệt mỏi. Thế nhưng, trong quá trình đồng hành cùng những hoạt động chung của cộng đồng, điều mà tôi nhận lại được chính là tình cảm và nụ cười của mỗi gia đình khi thấy con mình có thể nói được tiếng Việt, có thể giao tiếp được tiếng Việt Đối với cả bố mẹ đối với cả người thân gia đình. Đó là niềm hạnh phúc của những người làm công tác cộng đồng như tôi.

PV: Vâng xin cảm ơn chị. Và xin chúc cho Trường Việt ngữ Cây tre sẽ tiếp tục phát triển, nhận được nhiều tình cảm cũng như chung tay của cộng đồng.

Feedback

TRA MY
tuyệt vời quá, cảm ơn chị