Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát xoan mãi trường tồn trong lòng dân tộc Việt

Hân My
Chia sẻ
(VOV5) - Các ngành chức năng cũng quan tâm các giải pháp và chính sách nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị của các di sản 

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát xoan, một hình thức nghệ thuật có từ thời vua Hùng của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là những di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Cùng với việc tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm và nhất là triển khai dự án Ngày quốc tổ Việt Nam toàn cầu lần đầu tiên vào năm nay, các ngành chức năng cũng quan tâm các giải pháp và chính sách nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị của các di sản trong lòng dân tộc Việt. Đây là nội dung cuộc phỏng vấn giữa phóng viên đài TNVN với ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

Phóng viên (PV): Thưa ông,  tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.  Với giá trị như vậy, Bộ văn hóa và thể thao du lịch mà cụ thể là  Cục di sản văn hóa đã có chương trình hành động gì để bảo tồn và phát huy di sản này? 

Ông Nông Quốc Thành: Đối với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, trong công ước 2003 cũng như trong các quy định của Nhà nước ta về luật Di sản văn hóa, Bộ văn hóa thể thao và du lịch phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ triển khai kế hoạch hành động quốc gia, kế hoạch này được cam kết với UNESCO trong hồ sơ đề cử. Cụ thể liên tục kiểm kê và cập nhật kết quả kiểm kê tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; Quy hoạch và bảo tồn phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng đến năm 2025. Bảo tàng Hùng Vương trưng bày thường xuyên chuyên đề và xây dựng ngân hàng dữ liệu về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, phục dựng lại các nghi thức liên quan tín ngưỡng; hỗ trợ cộng đồng và cá nhân nắm giữ di sản để thực hành, truyền dạy di sản, tham gia nghiên cứu cũng như sưu tầm truyền thuyết, nghi lễ, diễn xướng; Giáo dục cho học sinh các trường học về di sản; quảng bá di sản trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về ý nghĩa và giá trị di sản,ý thức bảo vệ, phát huy di sản. Các di tích liên quan tới tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, nhất là trong khu di tích đền Hùng đã được tu bổ, tôn tạo theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt và hiện nay đang triển khai các hạng mục, cơ bản đã hoàn thành phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc.

PV: Hiện nay, Lễ giỗ tổ Hùng Vương cũng được tổ chức ở khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài. Cả nước cũng có hàng ngàn di tích thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật thời vua Hùng. Vậy ông có thể cho biết, kế hoạch của Cục di sản văn hóa cùng các địa phương quản lý các giá trị di tích vừa nêu?

Ông Nông Quốc Thành: Cục di sản văn hóa đã tham mưu với lãnh đạo bộ xếp hạng và tu bổ tôn tạo và phát huy giá trị nhiều di tích liên quan tới Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và nhân vật liên quan tới thời đại Hùng Vương của tỉnh Phú Thọ và các địa phương khác có tín ngưỡng và các nhân vật này. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 552 phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng của tỉnh Phú Thọ đến năm 2025; phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án hoàn thiện, tu bổ, tôn tạo hạ tầng cảnh quan của Trung tâm lễ hội của Khu di tích lịch sử  Đền Hùng. Theo đó, trong thời gian tới, sẽ đầu tư, cải tạo bảo tàng Hùng Vương, đồng thời xây dựng tôn tạo cảnh quan đồi Công Quán thành khu cảnh quan sinh thái, rồi hệ thống hạ tầng kỹ thuật cùng với kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án theo đúng quy định của pháp luật về Luật Di sản văn hóa.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát xoan mãi trường tồn trong lòng dân tộc Việt - ảnh 1 Ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục di sản văn hóa

Bộ văn hóa thể thao và du lịch phối hợp với tỉnh Phú Thọ và các địa phương có liên quan sẽ làm một số công việc chính như: tiếp tục kiểm kê việc thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại các điểm di tích trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và tại các địa phương có thực hành tín ngưỡng trên địa bàn cả nước; có biện pháp tu bổ di tích xuống cấp; định hướng nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản; nâng cao năng lực quản lý di sản cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở, lựa chọn những người thực hành di sản đáp ứng được tiêu chí của nghệ nhân. Đối với tầng lớp nhân dân tham gia lễ hội cũng cần tuyên truyền để mọi người hiểu đến với đất Tổ linh thiêng cũng cần phải có những ứng xử văn minh lịch sử khi tham gia lễ hội.

PV: Năm nay, tại nhiều nước, kiều bào lần đầu tiên tham gia  Tổ chức ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu với nhiều hoạt động như giao lưu, văn nghệ, tọa đàm tại các nước. Ví dụ như tại Cộng hòa Sec, rồi LB Nga,  Hungary Ông đánh giá về ý nghĩa của các hoạt động này như thế nào?

Ông Nông Quốc Thành: Tôi cho rằng, đây là những hoạt động mang ý nghĩa rất thiết thực, việt kiều đang sống ở nước ngoài sẽ luôn luôn có tâm thức hướng về cội nguồn, hướng về Tổ quốc. Hoạt động này được coi là chất xúc tác để tạo ra sự liên kết cộng đồng giữa người việt ở nước ngoài và trong nước thành một cộng đồng vững mạnh, góp phần xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay. Nếu như được tổ chức định kỳ liên tục như vậy, tôi nghĩ rằng, thế hệ  trẻ sẽ biết được Việt Nam ta có một vị tổ chung là vua Hùng.  Sự tham gia của các bộ, ban ngành trong nước  hỗ trợ cho hoạt động của kiều bào tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

 PV: Gắn với Giỗ tổ Hùng Vương, hát xoan cũng là một hình thức nghệ thuật có từ thời vua Hùng và đã được phát triển mấy ngàn năm. Vậy với di sản này, các cơ quan chức năng có trách nhiệm bảo tồn và phát triển như thế nào trong cộng đồng và thế hệ trẻ 

Ông Nông Quốc Thành: Chúng ta đã triển khai các cơ chế, chính sách phù hợp, các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản như đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích, không gian diễn xướng hát xoan, duy trì phát triển các biện pháp kết hợp với truyền dạy hát xoan, truyền dạy hát xoan trong các trường phổ thông của tỉnh Phú Thọ. Tạo điều kiện để các nghệ nhân câu lạc bộ hát xoan có không gian, cơ hội trình diễn thực hành và trao truyền di sản này. Tích cực hỗ trợ cộng đồng, cá nhân, nắm giữ di sản thực hành, truyền dạy di sản, tham gia nghiên cứu, sưu tầm các truyền thuyết, nghi lễ liên quan đến di sản thông qua các đề tài khoa học. Việc này động viên tinh thần, hỗ trợ điều kiện vật chất, kinh phí để các phường xoan duy trì sinh hoạt thường xuyên và truyền dạy cho thế hệ trẻ. Trong các đợt xét nghệ nhân, nhiều nghệ nhân đã được  Chủ tịch nước tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Đến năm 2018, tiếp tục đề cử nghệ nhân ưu tú thành nghệ nhân nhân dân. Hiện nay, tu bổ một số công trình gắn với hát xoan.  Các nghệ nhân tổ chức truyền dạy ở các khu vực công cộng, trung tâm các nhà văn hóa.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Feedback