Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trên quê hương đất Tổ

Ánh Huyền - Hoàng Hướng
Chia sẻ
(VOV5) - Tỉnh Phú Thọ đã và đang nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa này một cách hiệu quả bằng các chương trình hành động cụ thể.

Tỉnh Phú Thọ tự hào là đất phát tích, mảnh đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam, còn lưu giữ rất nhiều di sản văn hóa, đặc biệt là các di sản văn hóa gắn với thời đại Hùng Vương. 

Phú Thọ là địa phương duy nhất trong cả nước có 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và “Hát Xoan”. Giỗ Tổ Hùng Vương-Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương-Lễ hội đền Hùng cùng với hát Xoan đã trở thành nơi hội tụ, điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Những năm qua, Phú Thọ có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp tích cực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống bền vững.

Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trên quê hương đất Tổ - ảnh 1Đường vào Khu di tích được mở rộng để đón người dân về dự lễ hội 

Đối với các di sản văn hóa vật thể, tỉnh tích cực thực hiện xã hội hóa trong hoạt động bảo vệ di sản văn hóa. Hàng trăm di tích lịch sử- văn hóa được đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi với số vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, ngân sách của tỉnh, nguồn vốn xã hội hóa. Đối với di sản văn hóa phi vật thể, nhiều hoạt động văn hóa truyền thống được khôi phục. Nhiều lễ hội truyền thống đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh độc đáo. Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa TT Du lịch tỉnh Phú Thọ, cho biết nhiều lễ hội được tổ chức hàng năm như lễ hội Đền Hùng, lễ hội đền Mẫu Âu Cơ…, quy tụ những sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc, tiêu biểu: "Thành phố Việt Trì năm nay có thêm các hoạt động, dựng mô hình từ những truyền thuyết gắn với thời đại Hùng Vương, những câu chuyện như Mai An Tiêm, Vua Hùng dạy dân cấy lúa, các câu truyện truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh…, kết hợp với diễn xướng dân gian của các phường, xã trên địa bàn thành phố. Tất cả những hoạt động này tạo nên một không gian văn hóa, lễ hội dân gian đường phố đậm chất văn hóa thời đại Hùng Vương, phục vụ đồng bào và du khách cả nước".

Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trên quê hương đất Tổ - ảnh 2 Lối lên Đền luôn sạch sẽ, thoáng mát

 Đối với hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ở Phú Thọ được UNESCO vinh danh, đã được tỉnh Phú Thọ nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị hiệu quả bằng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể. Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ khẳng định: "Việc ghi danh của UNESCO đối với di sản văn hóa phi vật thể đã tạo ra động lực to lớn thúc đẩy cộng đồng bảo vệ giữ gìn và phát huy tốt hơn các giá trị của di sản. Đối với di sản hát xoan, chúng tôi đang nỗ lực cùng cộng đồng tại các làng xoan gốc đưa di sản sống lại một cách bền vững, chủ động tạo điều kiện khuyến khích để các nghệ nhân hát xoan thực hiện việc trao truyền, đào tạo thế hệ nghệ nhân trẻ".

Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trên quê hương đất Tổ - ảnh 3 Hát Xoan được đặc biệt quan tâm gìn giữ và truyền dạy cho thế hệ trẻ

Bên cạnh công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản hát Xoan, thực hành và truyền dạy hát Xoan, tỉnh Phú Thọ còn chú trọng đưa di sản hát Xoan vào trường học, nghiên cứu triển khai xuất bản sách, đĩa phục vụ hát Xoan và mở lớp truyền dạy cho giáo viên. Cùng với đó là chú trọng bảo tồn, phục hồi không gian văn hóa hát Xoan, sưu tầm, phục chế, bổ sung tài liệu, hiện vật về hát Xoan.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có tổng cộng 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thờ Hùng Vương, 30 di tích liên quan đến hát Xoan, 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trên quê hương đất Tổ đang được đẩy mạnh, nhằm gìn giữ những giá trị văn hóa bền vững của dân tộc Việt Nam.

Ảnh: Mỹ Trà

Feedback