Thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Bangladesh lên tầm cao mới

Lan Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Quan hệ thương mại hai chiều hai nước Việt Nam - Bangladesh trong những năm gần đây tương đối phát triển.

Sau 44 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Bangladesh không ngừng phát triển. Hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước phát triển nhanh chóng với kim ngạch thương mại song phương năm 2016 đạt 608 triệu USD.

Ông Trần Văn Khoa, Đại sứ Việt Nam tại Bangladesh trả lời phỏng vấn phóng viên VOV5 về việc thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Bangladesh.

Thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Bangladesh lên tầm cao mới - ảnh 1

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

Phóng viên: Thưa đại sứ, trung tuần tháng 7 vừa qua, bà Shirin Shamin Chaudhury, Chủ tịch Quốc hội Bangladesh, có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Ông cho biết chuyến thăm này đã mở ra những cơ hội như thế nào cho sự phát triển của quan hệ hai nước?
Đại sứ Trần Văn Khoa: Chuyến thăm của bà chủ tịch Quốc hội Bangladesh đến Việt Nam là chuyến thăm rất thành công. Đây là chuyến thăm lần đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Bangladesh đến Việt Nam. Khi tới Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Bangladesh được phía Việt Nam đón tiếp rất trọng thị. Các vị lãnh đạo của Việt Nam có các buổi hội kiến với Chủ tịch Quốc hội  Bangladesh. Đặc biệt nhất là kết quả hội đàm giữa hai bên. Hai bên đã đi đến thống nhất là sẽ tìm ra cơ chế chung, phối hợp một cách cụ thể để quan hệ hai nước được nâng lên một tầm cao mới. Trong thời gian sắp tới, hai bên sẽ dự thảo những thỏa thuận, bản ghi nhớ để thống nhất những nội dung cũng như các hình thức hợp tác một cách hiệu quả trong tương lai.
Phóng viên: Ông cho biết những bước phát triển trong mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước Việt Nam – Bangladesh cho đến thời điểm hiện nay?
Đại sứ Trần Văn Khoa: Quan hệ thương mại hai chiều hai nước trong những năm gần đây tương đối phát triển. Cụ thể năm 2015, 2016, thương mại hai chiều hai nước đạt trên 600 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất siêu sang Bangladesh khoảng 90%, còn Bangladesh thì xuất sang Việt Nam khoảng 10%. Cán cân thương mại nghiêng về phía Việt Nam. Sắp tới hai bên sẽ cố gắng để cán cân thương mại hai chiều tương đối cân bằng. Hai bên cũng sẽ cố gắng trong thời gian sắp tới sẽ nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 1 tỷ USD như lãnh đạo hai nước đã thống nhất vào năm 2015. Khi đó, Tổng thống Bangladesh sang thăm Việt Nam, hai bên đã ra tuyên bố chung nâng kim ngạch hai chiều lên 1 tỷ USD. Tuy nhiên, thương mại hai chiều cho đến nay chưa xứng với tiềm năng của mối quan hệ truyền thống, hữu nghị giữa hai nước. Hai bên có rất nhiều tiềm năng và điểm tương đồng. Điểm tương đồng ở đây thể hiện trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và trong quá trình phát triển kinh tế xã hội hiện nay. Số liệu của Bộ Công thương cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, thương mại hai chiều của hai nước đạt đến trên 400 triệu đô la Mỹ, tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Hai bên cũng sẽ tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, các cấp và tăng cường các đoàn doanh nghiệp hai nước để thúc đẩy mối quan hệ truyền thống giữa hai nước.
Phóng viên: Thưa ông, nhiều mặt hàng của Việt Nam như gạo, nông sản, thực phẩm, hàng điện tử đã trở nên phổ biến với người dân Bangladesh. Ông cho biết về hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc xúc tiến đầu tư tại đất nước ở khu vực Nam Á này?
Đại sứ Trần Văn Khoa: Trong số các doanh nghiệp của Việt Nam đang hoạt động kinh doanh tại Bangladesh, công ty FPT là một doanh nghiệp hoạt động khá hiệu quả. Doanh nghiệp FPT sang Bangladesh làm ăn được 3, 4 năm nay, đã thắng 3 gói thầu đạt trị giá tổng các gói thầu là khoảng 50 triệu USD. Công ty FPT chủ yếu giúp Bangladesh thiết lập phần mềm về thuế thu nhập VAT. Bangladesh đánh giá cao trình độ công nghệ thông tin của Việt Nam và coi đó là hình mẫu để phát triển. 
Ngoài ra, liên quan đến vấn đề lương thực, trong năm 2017, Bangladesh chịu ảnh hưởng của bão lụt nên quốc gia này bị mất mùa. Chính phủ Bangladesh duy trì an ninh lương thực ở mức độ an toàn bằng việc tăng cường nhập khẩu gạo của một số nước trong đó có Việt Nam. Tháng 5 năm 2017, Bộ trưởng Bộ lương thực của Bangladesh sang thăm và ký gia hạn bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Bangladesh trong đó phía Bangladesh sẽ nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 5 năm từ 2017 -2022, mỗi năm Bangladesh sẽ nhập khẩu 1 triệu tấn gạo để bù đắp lại kho dự trữ lương thực của Bangladesh. Sau khi gia hạn bản ghi nhớ, một đoàn doanh nghiệp của Việt Nam cũng sang thăm Bangladesh ký hợp đồng xuất khẩu 250.000 tấn gạo. Theo tôi được biết, hai chuyến hàng xuất khẩu gạo của Việt Nam đã cập cảng Bangladesh. Để thúc đẩy việc xuất khẩu gạo, Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh đã gặp gỡ một số cơ quan liên quan như Bộ hàng hải, cảng Chittagong nơi các tàu hàng của Việt Nam cập cảng để trao đổi, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc bốc dỡ hàng nhanh, tạo hiệu quả kinh tế. Trong những năm tới, tôi hi vọng hoạt động xuất nhập khẩu gạo giữa hai bên sẽ tiếp tục được tăng cường.
Phóng viên:  Xin trân trọng cảm ơn đại sứ.

Feedback