Tái tạo phế phụ phẩm trong nông nghiệp: Hiệu quả về kinh tế và môi trường

Minh Long
Chia sẻ
(VOV5) - Trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, mang lại chất lượng và giá trị gia tăng cao cho người sản xuất.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm có khoảng 160 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp, nếu toàn bộ nguồn phụ phẩm này được tái tạo không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn cả về môi trường nông nghiệp. Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam về tiềm năng và những định hướng sử dụng nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp thời gian tới.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Phóng viên: Xin ông cho biết tiềm năng sử dụng phế phụ phẩm trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hiện nay như thế nào?

Ông Trần Thanh Nam: Trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, mang lại chất lượng và giá trị gia tăng cao cho người sản xuất, tuy nhiên, quá trình sản xuất nông nghiệp cũng tạo ra một lượng phế, phụ phẩm lớn, nếu quản lý không chặt chẽ sẽ gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn chất hữu cơ lớn. Theo ước tính mỗi năm có khoảng 160 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp. Trong đó, có khoảng 90 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt; 62 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi; 6 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản. Đây là nguồn nguyên liệu lớn tạo giá trị cho ngành nông nghiệp nếu chúng ta tận dụng tốt phụ phẩm này, đưa nó trở thành nguồn tài nguyên tái tạo.

Tái tạo phế phụ phẩm trong nông nghiệp: Hiệu quả về kinh tế và môi trường  - ảnh 1Ông Trần Thanh Nam, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp 
Phát triển Nông thôn

Phóng viên: Trên thực tế đã có nhiều mô hình sử dụng phụ phẩm nông nghiệp như nguồn tài nguyên tái tạo thực sự, ông đánh giá như thế nào về giá trị thu được từ các mô hình này?

Ông Trần Thanh Nam: Từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản của người nông dân, hợp tác xã và các doanh nghiệp đã có nhiều mô hình áp dụng nguyên lý kinh tế tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, sử dụng phụ phẩm trong nông, lâm, thuỷ sản là nguồn tài nguyên tái tạo. Chẳng hạn, một số hợp tác xã và hộ nông dân đã xử lý rơm rạ tại đồng ruộng bằng chế phẩm sinh học để dùng làm phân bón thay vì mua phân NPK. Nông dân giữ lại rơm rạ không đốt, dùng sản phẩm sinh học xử lý, thậm chí không cần thời gian cách ly mà vẫn ngăn chặn được hiện tượng ngộ độc hữu cơ do rơm rạ gây ra, giảm được lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho cây lúa…Trong lĩnh vực thủy sản, có nhiều công ty chế biến phụ phẩm thành mặt hàng có giá trị cao. Điển hình như Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty cổ phần Việt Nam Food (VNF), Công ty cổ phần Sao Mai… đã đầu tư công nghệ hiện đại chế biến từ phụ phẩm thủy sản thành bột cá - nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi, collagen và gelatin từ da cá tra, snack da cá tra, dầu ăn từ mỡ cá tra, đạm thủy phân từ cá tra… Theo đánh giá, việc chế biến phụ phẩm thủy sản mới đạt gần 300 triệu đô la vào năm 2020. Nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm gần 1 triệu tấn của ngành thủy sản bằng các công nghệ cao thì có thể thu về từ 4 tỷ đô la đến 5 tỷ đô la mỗi năm. Đây là nguồn giá trị rất lớn cần có chính sách thúc đẩy trong thời gian tới.

Bên cạnh giá trị kinh tế, ông đánh giá thế nào về hiệu quả môi trường nếu như nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp được tái sử dụng?

Ông Trần Thanh NamHiện nay nhiều nơi chỉ chú trọng đến tăng năng suất, sản lượng, chưa quan tâm nhiều đến xử lý nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất. Việc lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt và gia tăng chất thải từ chăn nuôi đang đe dọa chất lượng môi trường. Chính vì vậy, việc chúng ta triển khai các giải pháp làm sao tái sử dụng các phế phụ phẩm này trở thành nguồn nguyên liệu tái tạo, đó là việc làm hết sức cần thiết. Nông nghiệp cũng là một trong những tác nhân gây nên biến đổi khí hậu do phát thải khí nhà kính. Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng lượng khí thải từ sản xuất nông nghiệp chiếm khoảng trên 15% tổng lượng phát thải; lượng phát thải dự kiến vào năm 2030 nếu không có biện pháp can thiệp sẽ lên tới khoảng 150 triệu tấn CO2.

Trước những thách thức về ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên từ sản xuất nông nghiệp, tương lai nền nông nghiệp Việt Nam cần dựa vào tri thức và công nghệ để phát triển nông nghiệp tuần hoàn. Việc này đã và đang trở thành xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại toàn cầu; hầu hết các hiệp định này đều quy định về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tuân thủ các tiêu chuẩn phát thải, chất thải, khí thải.

Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26 với mức đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đây sẽ là tiền đề để thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam tăng tốc chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp tuần hoàn, hướng đến nền nông nghiệp tăng trưởng xanh, hệ thống lương thực, thực phẩm an toàn, phát thải thấp.

Phóng viên: Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp gì để tận dụng tốt nguồn nguyên liệu tái tạo này, thưa ông?

Ông Trần Thanh Nam: Trước xu thế phát triển kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ và nhu cầu sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP nông nghiệp hữu cơ. Đến nay, Nghị định này đã mang lại kết quả khá tốt. Năm 2018, khi Nghị định mới ban hành, sản xuất nông nghiệp hữu cơ mới khoảng 70 nghìn ha nhưng đến nay đã có trên 176 nghìn ha. Hàng năm, các doanh nghiệp cũng chế biến và xuất khẩu các sản phẩm hữu cơ đạt giá trị khoảng 300 triệu đô la.

Tuy nhiên, thực tế cũng đặt ra nhiều thách thức với nông nghiệp hữu cơ thời gian tới trong quản lý, thị trường, xúc tiến thương mại…Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức hội nghị và các cuộc hội thảo để làm rõ hơn các khái niệm nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, tăng trưởng xanh… giúp nông dân có thể hiểu và chuyển đổi tư duy trong quá trình thực hiện chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Feedback