Anh Ngô Hải đã định cư tại Ucraina được hơn 30 năm. Vào tháng 3 năm 2022, gia đình anh phải rời quê hương thứ hai để sang CHLB Đức lánh nạn. Ngôn ngữ, văn hóa của nơi ở mới đều khác lạ. Cho đến nay, cuộc sống của gia đình anh dần ổn định và hoà nhập vào môi trường mới. Đây cũng là nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam với anh Ngô Hải.
Anh Ngô Hải, người Việt tại Ucraina |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Phóng viên: Thưa anh, anh có thể kể đôi nét về thời kỳ vừa qua khi anh cùng gia đình từ Ukraine sang nước khác để lánh nạn?
Anh Ngô Hải: Sau khi cuộc xung đột xảy ra ngày 24 tháng 2 năm 2022, gia đình tôi vẫn định cư tại Ucraina đến cuối tháng 3. Trong thời gian từ cuối tháng 2 đến cuối tháng 3, bản thân tôi đã đưa được nhiều gia đình đi ra khỏi biên giới Ucraina, đến Rumani và vùng phía tây, các đường biên giới lân cận khác để đi sang Tây Âu. Khi ngoảnh lại thì chỉ còn một số gia đình, trong đó có gia đình tôi thì tôi suy nghĩ cũng phải rời khỏi đất nước để an toàn cho các cháu. Còn bản thân tôi, tôi không muốn rời khỏi đất nước Ucraina. Bởi nơi đó đã cho tôi cuộc sống, cho tôi những gì tôi cần trong cuộc đời này.
Hiện nay chúng tôi đã định cư tạm thời tại CHLB Đức. Lúc đầu, chúng tôi rất khó khăn bởi vì như tôi sinh sống gần 40 năm ở đất nước Ucraina, đã quen với ngôn ngữ và phong cách sống ở nơi đó. Chúng tôi sang đến CHLB Đức rất bỡ ngỡ từ cách sống đến con người và khó khăn nhất là ngôn ngữ. Các cháu còn bé không biết tiếng. Chúng tôi phải đi liên hệ xin học cho các cháu. Qua một thời gian, chúng tôi mới quen dần với môi trường mới, tương đối hòa nhập. Các cháu đi học và cơ bản theo kịp được với kiến thức ở trường mới. Vợ tôi đã đi theo học lớp tiếng hội nhập. Còn tôi thì khoảng đầu tháng 3 này, tôi cũng đi học lớp hội nhập. Với cuộc sống hiện nay, bản thân tôi cố gắng và cộng với cộng đồng các “chiến sĩ Trường Sa” đã trợ giúp tôi trong cuộc sống hàng ngày những dụng cụ để phục vụ trong cuộc sống tối thiểu, tôi đã có gần như đầy đủ.
Phóng viên: Khi từ Ucraina sang CHLB Đức, gia đình anh đã được sự tương trợ, giúp đỡ của đồng bào mình ở các nước như thế nào?
Anh Ngô Hải: Để kể chuyện thì cảm động, cảm động lắm. Tôi kể lại câu chuyện vào khoảng 11 giờ trưa (giờ Ucraina), tôi từ chỗ làm về, tôi thấy vợ và các cháu đang ăn cơm. Tôi yêu cầu vợ con tôi phải lên đường ra đi. Hành trình từ nhà tôi đến biên giới Ba Lan khoảng 400 km. Tôi tự lái xe và trên dọc đường đi có muôn vàn khó khăn. Đất nước chiến tranh cử đi ra khỏi thành phố nào đó, vào một thành phố hay quận, huyện nào đó đều có lính gác. Vì sự an toàn nên người ta đều kiểm tra rất nghiêm ngặt. Tôi bị ức chế tinh thần hoàn toàn. Thậm chí có lúc tôi đã khóc.
Khi sang đến Lvov, những người Việt tại đây và một số nhân viên đại sứ quán (lúc đó, đại sứ quán Việt Nam tại Ucraina chuyển về tạm thời ở đây) và trực tiếp là đại sứ Nguyễn Hồng Thạch đã mời gia đình chúng tôi đến ăn cơm và sáng hôm sau, chính đại sứ Nguyễn Hồng Thạch và một số nhân viên đại sứ quán ra bến ô tô tiễn chúng tôi và dặn dò: có bất cứ điều gì khó khăn, sứ quán sẽ trợ giúp bảo hộ công dân. Tôi rất cảm ơn.
Khi sang đến biên giới Ba Lan, qua chuyến đi Trường Sa, nhờ sự kết nối lan tỏa, tôi có liên lạc với chị Hồng Vinh, Trưởng Ban liên lạc người Việt châu Âu "Vì biển đảo Việt Nam”. Chị Vinh động viên và đã đưa đến nhà một người quen và gia đình tôi lưu trú ở đó. Trong thời gian vài ngày lưu trú, các “chiến sĩ Trường Sa” nói riêng và anh chị em người Việt trong cộng đồng quyên góp, ủng hộ cho tôi một phong bì và nói rằng: “Đây là vé máy bay để gia đình anh xuất cảnh, bay từ Ba Lan sang Đức”. Sang Hamburg, Đức, anh Nguyễn Văn Tính, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đón gia đình tôi từ sân bay về nhà hàng của gia đình anh. Ăn uống xong, anh chở gia đình tôi đến trại tị nạn theo đúng thủ tục tị nạn chiến tranh. Hiện nay tôi đang ở thành phố đó đến nay.
Phóng viên: Chính bản thân gia đình anh cũng là một trong những nơi hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình người Việt ở Ucraina di chuyển sang các nước khác. Anh có thể kể chi tiết hơn vào thời điểm đó?
Anh Ngô Hải: Lúc đầu, có một số gia đình nhà người quen từ Kiep đến nhà tôi ở. Họ ở đó một vài ngày nhưng sau đó thấy tình hình càng ngày càng căng thẳng thì mọi người chủ động rời đi. Có một số gia đình tự đi. Còn một số gia đình thì tôi đưa họ ra gần biên giới rồi họ tự đi tiếp. Sau đó, cứ người nọ truyền người kia đến nhà tôi ở một vài hôm rồi họ lại đi. Nhiều người, tôi không biết nhưng lúc đó, tôi cũng không nghĩ đến việc họ là ai nữa mà chỉ nghĩ rằng đó là đồng bào mình đến và đi an toàn trong chiến tranh là tôi thấy vui.
Chính tôi đã vỗ vai động viên những người “khóc dở mếu dở” bởi khi đó tinh thần của họ hết sức hoảng loạn. Nhưng khi tôi tiễn họ đi rồi, đến lượt tôi, tôi ngoảnh lại, tôi thấy hoảng loạn hơn. Bởi chính tôi sau đó lại là số phận giống như họ phải ra đi. Và những người khác lại đón tiếp tôi như tôi đón tiếp những người tôi đã từng đón và tiễn.
Phóng viên: Bản thân anh có điều gì muốn gửi gắm, đề đạt với Nhà nước, Chính phủ hoặc nước sở tại?
Anh Ngô Hải: Đối với Chính phủ các nước Liên minh châu Âu, họ có chính sách riêng. Nói đến những người tị nạn từ Ucraina sang, họ đối xử rất tốt và nhân văn. Với riêng tôi, tôi không có vướng mắc gì về cả bên Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Đức hoặc Liên minh châu Âu. Nhưng tôi có đề nghị các cơ quan Trung ương của Việt Nam, đề nghị các quận, huyện, thậm chí là các xã cố gắng giúp những gia đình từ Ucraina về, làm cách nào đó cho các cháu được đi học. Bây giờ đất nước Ucraina đang chiến tranh, khi về các nơi cư trú tại Việt Nam mà lại nói cần giấy chứng nhận của Đại sứ quán Việt Nam tại Ucraina thì tôi nghĩ rằng điều đó gây khó khăn cho việc nhập học của các cháu. Do đó, chúng tôi đề nghị được hỗ trợ, từ cấp địa phương đến trung ương ở Việt Nam trợ giúp chúng tôi về mặt giấy tờ khi chúng tôi có mặt tại Việt Nam.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn anh.