Ngày 24/8 này là tròn nửa năm cuộc xung đột Nga - Ucraina bùng phát. 6 tháng qua, chiến sự đã cướp đi mạng sống của hàng nghìn người, gồm cả thường dân và binh sỹ mỗi bên, đồng thời tác động sâu sắc tới cuộc sống của hàng chục triệu người dân các quốc gia khu vực cũng như sự ổn định trên toàn châu Âu và thế giới.
Binh sĩ Nga trên một chiếc xe tăng ở khu vực do phe ly khai kiểm soát tại quận Volnovakha, tỉnh Donetsk, miền Đông Ukraine. Ảnh: Anadolu Agency |
Xung đột Nga - Ucraina bùng phát ngày 24/2 khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ucraina”. 6 tháng qua, chiến sự đã gây ra nhiều thương vong nghiêm trọng cho cả hai phía, tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng tại khu vực miền Đông và miền Nam Ucraina. Đồng thời, tác động sâu sắc tới cục diện địa chính trị toàn cầu, trong đó có những thay đổi to lớn tại châu Âu cũng nhưng trong quan hệ giữa Mỹ, châu Âu với nước Nga.
Những tác động nặng nề
Cho đến thời điểm này, chưa có bất kỳ báo cáo quốc tế độc lập đáng tin cậy nào được công bố về con số thương vong mà Nga và Ucraina phải hứng chịu trong cuộc xung đột sắp bước sang tháng thứ 7. Tuy nhiên, nhiều báo cáo đơn lẻ do hai bên công bố cũng như từ các nguồn tin quốc tế cho thấy, con số thương vong với cả hai bên là rất lớn, lên đến hàng chục nghìn người gồm cả người bị chết và bị thương. Trong đó, số liệu công bố ngày 22/8 của Bộ Quốc phòng Ucraina cho biết, ít nhất 9.000 binh sỹ nước này đã thiệt mạng kể từ đầu xung đột.
Một nhân viên cứu hỏa đang nỗ lực dập tắt đám cháy tại Crimea ngày 16/8. Ảnh: TASS |
Ngoài tổn thất lớn về người, thiệt hại vật chất do chiến sự gay ra với đất nước Ucraina cũng được đánh giá là rất lớn. Nhiều báo cáo cho rằng tổng thiệt hại vật chất do chiến sự gây ra đến thời điểm này đã vượt xa con số hơn 700 tỷ USD mà Chính phủ Ucraina công bố hồi đầu tháng 6 vừa qua. Đó là chưa kể tới hàng triệu người Ucraina phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, trong đó khoảng 10 triệu người chạy sang các nước láng giềng và mới chỉ một phần trong số đó hồi hương.
Với nước Nga, dù con số thiệt hại cụ thể chưa được công bố song nhiều nguồn tin quốc tế khẳng định số thương vong trên chiến trường Ucraina trong 6 tháng qua là rất lớn, lên đến hàng nghìn binh sỹ, gồm cả chết và bị thương. Đồng thời, nền kinh tế Nga chịu tác động nặng nề từ các lệnh trừng phạt do Mỹ và châu Âu áp đặt. Số liệu do Cơ quan Thống kê Nga công bố ngày 12/8 cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã giảm 4% trong quý II/2022 (từ tháng 4 đến tháng 6) so với cùng kỳ năm ngoái. Còn theo dự báo cuối tháng 7 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP của Nga năm 2022 giảm tới 6%.
Không chỉ tác động nghiêm trọng đến người dân và nền kinh tế hai quốc gia trực tiếp tham gia, xung đột Nga - Ucraina còn làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến giá nhiêu liệu và lương thực tăng cao lên mức kỷ lục tại hầu hết các khu vực trên thế giới, làm tăng tỷ lệ lạm phát và kéo giảm tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế. Tác động này đã được nhiều tổ chức và định chế tài chính-kinh tế quốc tế xác nhận trong nhiều báo cáo khác nhau.
Thách thức và triển vọng giải quyết xung đột
Có thể thấy rằng, tác động và ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ucraina là rất lớn với phạm vi ảnh hưởng rộng khắp toàn cầu. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là dù nửa năm đã trôi qua nhưng xung đột đến nay vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sẽ sớm kết thúc.
Sau nhiều vòng thương lượng không mang lại kết quả trong giai đoạn đầu, Nga và Ucraina đã dừng hoàn toàn các cuộc đàm phán từ hồi tháng 4, khiến cho triển vọng đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong ngắn hạn trở nên mờ mịt. Trong một tuyên bố chính thức ngày 12/8 vừa qua, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ucraina Volodymyr Zelensky khẳng định rằng nước này không có lý do nào để tổ chức các cuộc đàm phán với Nga trong bối cảnh hiện nay. Quan chức này cho rằng, bắt đầu đối thoại trong hoàn cảnh hiện nay sẽ chỉ "chính thức hóa" thất bại của Ukraine và châu Âu, cũng như "các giá trị của châu Âu".
Về phần mình, trong tuyên bố với Financial Times hôm 22/8, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Gennady Gatilov cũng cho rằng “đang không có bất kỳ giải pháp ngoại giao nào để chấm dứt cuộc chiến ở Ucraina”. Đại sứ Gennady Gatilov nhận định “sẽ không có cuộc trao đổi trực tiếp nào giữa Tổng thống Nga Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ucraina Volodymyr Zelensky trong tương lai gần”, điều này cho thấy khả năng xung đột còn kéo dài.
Tổng thống Ucraina Volodymyr Zelensky khẳng định rằng: bắt đầu đối thoại trong hoàn cảnh hiện nay sẽ chỉ "chính thức hóa" thất bại của Ucraina và châu Âu, cũng như "các giá trị của châu Âu".
Trước thực tế đáng lo ngại này, Liên hợp quốc và một số quốc gia đã tích cực thúc đẩy các giải pháp khơi thông bế tắc, nối lại tiếp xúc ngoại giao Nga - Ucraina cũng như giữa các bên liên quan. Trong đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres hồi tuần trước đã tiến hành chuyến công du đặc biệt tới Ucraina và Thổ Nhỳ Kỳ, quốc gia vẫn đang tích cực thực hiện vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và Ucraina.
Về phần mình, trong chuyến thăm Ucraina và hội đàm với Tổng thống Volodymyr Zelensky ở Lviv tuần trước, Tổng thống Thổ Nhỳ Kỳ Tayyip Erdogan tin rằng cuộc xung đột sẽ sớm kết thúc trên bàn đàm phán. Theo nhà lãnh đạo Thổ Nhỳ Kỳ, cả hai bên đều mong muốn sớm kết thúc chiến sự và đây chính là nền tảng quan trọng nhất để các bên tiếp tục thúc đẩy hòa đàm.