Hiện nay thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam đang nhiễu loạn với nhiều sản phẩm làm giả xuất xứ Nhật Bản. Với mong muốn đem lại cho người tiêu dùng Việt Nam giá trị thực của sản phẩm, đồng thời thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản, Hiệp hội Xúc tiến Hợp tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJECPA) đã thành công khi hỗ trợ nhà đầu tư Hongo Japan mở chi nhánh tại Việt Nam. Mới đây, Hiệp hội cũng đã phối hợp với Hongo Japan tổ chức chương trình giao lưu doanh nghiệp Việt Nhật với chủ đề: Sức khỏe và Thực phẩm chức năng.
Ông Trần Trung Kiên, Tổng thư ký Hiệp hội xúc tiến hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản cho biết, sự kiện này được kỳ vọng sẽ khởi đầu cho sự phát triển của các đon vị trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, tạo tiền đề cho sự phát triển thịnh vượng của nhóm ngành này trong tương lai.
Ông Trần Trung Kiên, Tổng thư ký Hiệp hội xúc tiến hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản tại studio của VOV |
Những nội dung này sẽ được làm rõ hơn trong cuộc trò chuyện giữa phóng viên Đài TNVN và ông Trần Trung Kiên.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa ông, trên cương vị Tổng thư kí của Hiệp hội Xúc tiến Hợp tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, vấn đề kết nối giao thương, hợp tác kinh doanh giữa hai nước là rất quan trọng. Ông nghĩ như thế nào về vai trò của một kiều bào trong việc kết nối giao thương hai nước?
Ông Trần Trung Kiên: Với vai trò của Hiệp hội, tôi mong muốn là thông qua Hiệp hội để có thể hỗ trợ các chính quyền địa phương Việt Nam cũng như chính quyền Nhật Bản. Ngoài ra cũng là cơ quan của hai nước trong việc kết nối về thương mại, kinh tế và giao lưu về văn hóa, chính trị. Đó là đối với vai trò của Hiệp hội. Còn đối với cá nhân tôi thì với thời gian dài sinh sống và học tập, làm việc tại Nhật Bản, với kiến thức mà tôi đã học được ở Nhật thì tôi cũng rất mong muốn có thể hỗ trợ được nhiều hơn cho việc phát triển mối quan hệ tốt hơn giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản. Qua thời gian sinh sống ở Nhật, tôi thấy được Nhật Bản có nhiều điều rất tốt và nhiều người Việt Nam muốn được tiếp cận. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại thì nhiều người Việt Nam cũng chưa có điều kiện đến Nhật, nên với cái vai trò vừa của Hiệp hội vừa của cá nhân, tôi cũng rất mong sớm đưa được những công nghệ tốt của Nhật, những sản phẩm tốt của Nhật đến với người tiêu dùng Việt Nam, đến với thị trường Việt Nam. Và ngược lại, tôi cũng mong muốn sớm đưa qua Nhật những sản phẩm của Việt Nam để một phần thúc đẩy việc hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập đặc biệt là đối với các bà con làm về trồng trọt, chăn nuôi. Bên cạnh đấy, cũng rất mong muốn đưa được những công nghệ tốt với nhiều ứng dụng vào các lĩnh vực của Việt Nam, đặc biệt là đối với thị trường nông nghiệp.
thành viên Ban chấp hành Hiệp hội xúc tiến hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản tại Lễ công bố quyết định thành lập Hiệp hội |
PV: Hiệp hội xúc tiến Hợp tác kinh tế Việt Nam Nhật Bản mới ra đời cách đây chừng nửa năm, nhưng chắc hẳn là trước đó thì việc kết nối cũng như hợp tác kinh tế cũng đã được triển khai rồi, phải không thưa ông?
Ông Trần Trung Kiên: Vâng! Chúng tôi chính thức thành lập Hiệp hội vào ngày 18/8/2024, tuy nhiên 3 năm trước chúng tôi đã bắt đầu những hoạt động với vai trò là hội đoàn. Tuy nhiên, nhiều anh chị em ở cơ quan ngoại giao có tư vấn là nên có một pháp nhân chính thống để đi làm việc có được sự tín nhiệm hơn. Chính vì vậy, tháng 6/2024, chúng tôi đã quyết định nộp hồ sơ đăng ký pháp nhân tại Nhật và được cấp phép vào 18/8/2024. Sau đó, chúng tôi cũng đã được bộ Ngoại giao chuẩn y cho Hiệp hội chúng tôi trong việc phát triển hỗ trợ xúc tiến hợp tác về giao lưu cả về kinh tế và văn hóa. Tuy nhiên chúng tôi muốn chú trọng vào việc xúc tiến về kinh tế để giúp giao thương hai nước được tốt đẹp hơn.
PV: Ông có thể kể liệt kê một số những chương trình mà Hiệp hội đã làm trong thời gian gần đây?
Ông Trần Trung Kiên: Vào đầu tháng 7 năm nay chúng tôi đã kết nối các đoàn doanh nghiệp và các Nghị sĩ của Nhật Bản về thăm và làm việc tại tỉnh Nam Định và tỉnh Bắc Ninh. Ngược lại, tại Nhật Bản, giữa tháng 9 chúng tôi kết hợp với Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka đi làm việc với tỉnh Wakayama thuộc vùng Kansai, và tỉnh Tokushima, Nhật Bản. Giữa hai tỉnh cũng rất mong muốn chúng tôi cùng hỗ trợ cho tỉnh về việc xúc tiến đưa nhiều người Việt Nam đến với tỉnh hơn, đồng thời rất mong muốn thông qua Hiệp hội thúc đẩy kết nối chuyến bay trực tiếp giữa tỉnh Wakayama với Việt Nam và tỉnh Tokushima cũng muốn có chuyển bay trực tiếp từ tỉnh về địa phương Việt Nam.
PV: Với tư cách là một người của Hiệp hội, chắc hẳn ông cũng đã có thời gian tìm hiểu và nắm rõ được những vấn đề đang tồn tại, thuận lợi cũng như hạn chế trong việc phát triển hợp tác kinh tế giữa hai nước?
Ông Trần Trung Kiên: Tôi thấy hiện tại các sản phẩm Việt Nam vẫn chưa đạt được tiêu chuẩn để vào được thị trường Nhật Bản. Tôi mong muốn phía Nhật Bản có những điều kiện cởi mở dễ hơn đối với sản phẩm Việt Nam qua thị trường Nhật, và ngược lại thì phía nhà sản xuất, các nhà cung cấp của Việt Nam cũng cần chú trọng hơn khâu quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm và nghiên cứu thị trường kỹ hơn để có thể thâm nhập vào thị trường Nhật Bản.
PV: Về cá nhân mình, ông thấy khi mình bỏ công sức vào những công tác của Hiệp hội như thế thì mình nhận lại được gì?
Ông Trần Trung Kiên: Từ trước tới giờ khi làm công tác xúc tiến hợp tác. tôi cũng chưa nghĩ là khi xúc tiến thành công thì tôi sẽ nhận được lợi gì, mà tôi chỉ nghĩ là làm sao để kết nối được cho giao thương hai nước, sẽ giúp ích được cho sự phát triển của hai bên, và đặc biệt là cho Việt Nam. Đấy là tâm huyết của tôi. Tôi cũng xin chia sẻ một câu chuyện cá nhân, đó là khi còn là sinh viên ở Nhật Bản, tôi thường xuyên nhận đi phiên dịch cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn qua Nhật tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư. Khi ấy họ có trả lương nhưng tôi chỉ nhận với mức lương tối thiểu để bù cho chi phí đi lại mà thôi. Bởi tôi cũng rất mong muốn làm sao để đưa các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được nhiều về khoa học kỹ thuật của Nhật hơn, và ngược lại cũng tìm được những đối tác Nhật tốt để có thể đưa sản phẩm Việt Nam đến với Nhật Bản. Tới khi đã tốt nghiệp và đi làm, tôi cũng có kết nối cho nhiều đơn vị của Nhật có công nghệ tiên tiến, ví dụ như hồi tháng 1 năm nay, tôi cũng có kết nối cho một doanh nghiệp của Nhật hoạt động trong lĩnh vực vật lý trị liệu, thải độc về thị trường Việt Nam, cụ thể là một trung tâm ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện tại họ đang ứng dụng rất tốt, hàng ngày đều có nhiều người bệnh đến sử dụng dịch vụ miễn phí để nâng cao sức khỏe. Tôi thấy rất vui khi làm được điều đó. Thông qua những việc như vậy, tôi cũng có nhiều cơ hội để đi về Việt Nam nhiều hơn. Thêm nữa, tôi thấy hạnh phúc khi nhiều người khác sử dụng những công nghệ đó và khỏe mạnh hơn.
Ông Trần Trung Kiên trong sự kiện giao lưu doanh nghiệp Việt Nhật |
PV: Về những kế hoạch của mình trong tương lai gần, cả về hoạt động của Hiệp hội cũng như những kế hoạch cá nhân thì ông có thể chia sẻ điều gì với tư cách là một người kết nối?
Ông Trần Trung Kiên: Với vai trò Hiệp hội, chúng tôi rất mong ngày càng tổ chức nhiều sự kiện kết nối hơn giữa hai nước và đặc biệt là các địa phương Việt Nam với địa phương Nhật Bản, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Còn với cá nhân tôi, hiện tại tôi đang làm việc tại Công ty sản xuất về thực phẩm chức năng. Những sản phẩm của công ty chúng tôi đã được người tiêu dùng Nhật Bản đón nhận rất tốt, nên tôi rất mong muốn sớm đưa được những sản phẩm chất lượng của công ty chúng tôi đến tay người tiêu dùng Việt Nam. Chưa nói được thời điểm nào tôi sẽ làm được điều đó, nhưng tôi luôn dành hết công sức và tâm huyết để sớm hoàn thành các thủ tục giấy tờ pháp lý để sớm đưa về Việt Nam, để cho người Việt Nam chúng ta có thể là sử dụng các sản phẩm tốt mà có giá thành phù hợp.
PV: Vâng xin cảm ơn ông!