Vùng Ruhr, CHLB Đức là vùng đô thị lớn thứ ba châu Âu và là nơi tập trung số lượng lớn người Việt Nam sinh sống. Tại đây có một một trung tâm tiếng Việt thiện nguyện được tổ chức vào mỗi chiều chủ nhật hàng tuần với đối tượng là con em kiều bào sống quanh khu vực này. Trung tâm tiếng Việt này đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ gìn tiếng quê hương đối với thế hệ thứ hai, thứ ba đang sinh sống tại Đức.
Tuy sống khá xa vùng Rua, nhưng chị Ngô Hoàng Thiên Nga, cũng là một giảng viên khoa phương Đông học của trường Đại học Sóc-bon, vẫn không quản ngại khó khăn, thường đều đặn tham gia giảng dạy tại trung tâm tiếng Việt này. Phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam có bài phỏng vấn chị Phương Nga về tình hình dạy và học tiếng Việt tại đây.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Chị Ngô Hoàng Thiên Nga (áo vàng, thứ tư từ trái sang) trong lễ bế mạc khoá dạy tiếng Việt |
PV: Chào chị Thiên Nga, xin chị giới thiệu một chút về những lớp tiếng Việt thiện nguyện cùng Rurh hiện chị đang tham gia giảng dạy?
Cô giáo Ngô Hoàng Thiên Nga: Lớp tiếng Việt thiện nguyện do chị Võ Cẩm Thuý sáng lập, một người Việt sống rất lâu năm ở Đức và rất tâm huyết với việc giảng dạy và giữ gìn tiếng Việt cho trẻ em người Việt sống tại nước ngoài. Mình rất may mắn vì được tham gia với chị Thuý dù thời gian không nhiều, cố gắng một tháng đến lớp một lần vì mình phải đi tàu đến đó. Chị Thuý có tổ chức được hai lớp, một lớp là dành cho các em nhỏ mới học từ đầu, cũng có thể là mới biết một chút chữ cái thôi. Còn lớp thứ hai dành cho các em lớm hơn. Ngoài tiếng Việt còn dạy cả về văn hoá, rồi giới thiệu nhiều hơn về Việt Nam.
Ngoài lớp đó ra, chị Thuý còn tổ chức một số lớp cho người Việt ở nước ngoài như Yoga hay nhảy để giúp kết nối và giao lưu người Việt với nhau. Hai lớp có khoảng 30 bạn, số lượng không cố định, thời lượng một buổi là 2 tiếng có nghỉ giải lao khoảng 15 phút. Giáo trình lúc đầu mình dùng giáo trình 1,2,3, còn hiện tại bây giờ giáo trình linh động, do giáo viên và chị Thuý bàn bạc với nhau. Đối tượng học là con em kiều bào khoảng từ 7 đến15 tuổi, cá biệt có 21 tuổi.
PV: Xin chị có thể chia sẻ những khó khăn trong việc giảng dạy tiếng Việt tại lớp thiện nguyện này?
Về các hoạt động thì khá nhiều, ví dụ chúng mình tổ chức tết Nguyên đán, Trung thu, có lúc tổ chức 1/6, thỉnh thoảng còn tổ chức dã ngoại, đi chơi nho nhỏ. Về giáo trình hơi nhiều khó khăn. Bản thân trình độ không đồng đều, có những bạn nói tốt, có những bạn nghe nói tốt, có những bạn trình độ gần như bằng không. Chính vì vậy rất khó trong việc lựa chọn giáo trình.
Thực tế chị Thuý đang là người đứng đầu hội người Việt ở đây chính vì vậy chị cũng đã nỗ lực rất nhiều, hiện nay chị đang thực hiện một phương pháp mới là tự soạn giáo trình, bài giảng cho từng buổi học. Đó cũng là một cách hay nhưng như thế mất rất nhiều thời gian và hiệu quả chưa kiểm nghiệm được. Hy vọng trong thời gian tới sẽ dần có nhiều thời gian để điều chỉnh hơn.
PV: Vậy theo chị nhìn chung đối với con em kiều bào tại Đức, đâu là cách tốt nhất để các em có thể tiếp thu được tiếng Việt tốt nhất?
Cô giáo Ngô Hoàng Thiên Nga: Thực tế ra các bạn học sinh phần lớn sẽ cảm thấy không thích học tiếng Việt. Bởi vì các bạn đó sinh ra và lớn lên ở Đức, đi học với các bạn trong trường của Đức nên thời lượng các bạn sử dụng tiếng Đức sẽ khoảng 6-8 tiếng/ngày. Nếu bạn nào may mắn, về nhà bố mẹ ý thức được việc giữ gìn tiếng Việt và sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, các bạn sẽ có 3 tiếng để nói tiếng Việt ở nhà.
Còn bạn nào bố mẹ không coi trọng việc đó thì gần như các bạn không sử dụng tiếng Việt. Cái khó khăn lớn nhất chính là ý thức của phụ huynh học sinh với việc gìn giữ và dạy con em mình học tiếng Việt. Bởi khi đến bất cứ một lớp tiếng Việt nào, thời lượng đều chỉ có hạn. Quan trọng nhất khi ở nhà, bố mẹ để ý việc nói chuyện với con bằng tiếng Việt. Người ta vẫn nói giáo dục gia đình là quan trọng nhất. Theo mình đó là khó khăn nhất.
PV: Là một người làm việc trong ngành ngôn ngữ, chị có lời khuyên gì dành cho các bậc phụ huynh để giúp con cái duy trì tiếng Việt tốt hơn?
Mình suy ra từ hai con nhà mình. Hai bé nhà mình một bé sinh ra ở Việt Nam, một bé sinh ra ở Đức. Bé sinh ra ở Đức khi nói tiếng Việt ngọng nhưng hai vợ chồng mình luôn thống nhất rằng ngôn ngữ ở nhà phải là tiếng Việt. Khi hai bạn nói tiếng Đức với nhau thì luôn nhắc các con phải nói tiếng Việt. Về Việt Nam các con mình không gặp trở ngại tiếng Việt.
Qua đây mình cũng mong muốn các phụ huynh Việt Nam khi sinh sống ở nước ngoài đừng bao giờ lơ là, bỏ qua việc sử dụng tiếng Việt. Bởi theo quan điểm của những người làm ngôn ngữ, đặc biệt là những chuyên gia, nếu con cái vững về ngôn ngữ bố mẹ giỏi nhất, thì việc học ngôn ngữ thứ hai, thứ ba sẽ vô cùng dễ dàng. Mình suy ra từ con gái mình, bây giờ cháu đã học ngôn ngữ thứ 4 rồi và được đánh giá là khá tốt.
PV: Vâng, xin chân thành cảm ơn chị!