Nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân và kiều bào trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc

Lan Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Trong thời gian tới, không chỉ là Nghệ An mà các địa phương khác cần có sự quan tâm kịp thời để thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác kiều bào.

Công tác tuyên truyền về biển đảo được tỉnh Nghệ An chú trọng từ nhiều năm qua với các hoạt động đa dạng. Đó là tuyên truyền cho nhân dân về tiềm năng, thế mạnh của biển, đảo Việt Nam; tập huấn cho ngư dân kiến thức pháp luật bảo vệ chủ quyền biển đảo; phát động các phong trào vì biển, đảo quê hương; tổ chức các đoàn công tác đi thăm hỏi, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đang công tác, sinh sống tại Trường Sa và nhà giàn DK1... Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Trần Khánh Thục, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Nghệ An, về việc nâng cao ý thức, trách nhiệm, khơi dậy lòng yêu nước của người Việt trong và ngoài nước trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân và kiều bào trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc - ảnh 1Ông Trần Khánh Thục, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Nghệ An, trong chuyến thăm quần đảo Trường Sa năm 2023.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

Phóng viên: Thưa ông, ông vinh dự được tham gia chuyến hải trình Trường Sa và nhà giàn DK1 trong đoàn kiều bào năm nay. Ông chia sẻ những xúc cảm khi cùng kiều bào đặt chân đến quần đảo thiêng liêng này?

Ông Trần Khánh Thục: Được đi thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân của quần đảo Trường Sa thực sự đối với tôi là một niềm vinh dự và tự hào. Ngay từ lúc nhận tin được đi, ngày nào tôi cũng mong muốn sẽ đến ngày được bước chân lên tàu, ra thăm người dân và các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa. Thật sự vinh dự bởi không phải ai cũng có được cơ hội đến với Trường Sa thân yêu.

Nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân và kiều bào trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc - ảnh 2Kiều bào từ 22 quốc gia trên thế giới tham dự chuyến thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 trong tháng 4 năm 2023.

Tôi tham gia hành trình lần này với tư cách là một cán bộ đối ngoại của địa phương, tham gia cùng đoàn Bộ Ngoại giao và đặc biệt là có sự tham dự của hơn 80 đại biểu, kiều bào trên khắp toàn thế giới. Đây là một chương trình, theo tôi, rất có ý nghĩa không chỉ cho cá nhân tôi mà có ý nghĩa cho cả những người chưa có cơ hội được đặt chân đến Trường Sa thân yêu.

Phóng viên: Được nhìn tận mắt những người dân và chiến sĩ đang là chủ quyền sống của đất nước trên Biển Đông, ông nhìn nhận, đánh giá như thế nào về việc tuyên truyền, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc của Đảng, Nhà nước ta nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng đến người dân trong nước và kiều bào?

Ông Trần Khánh Thục: Trường Sa có được ngày hôm nay chính là sự dày công vun đắp của bao lớp cha ông ta đã bảo vệ, gìn giữ để chúng ta có được hòa bình và cuộc sống bình an như hiện nay. Đặc biệt, Trường Sa hôm nay đang có những quân dân chúng ta đang sinh sống và ngày đêm giữ vững tay súng để bảo vệ bình yên cho quần đảo của Tổ quốc.

Tham dự hành trình này, tôi thấy ý nghĩa, thứ nhất là chủ trương của Đảng và Nhà nước ta hiện nay xác định công tác đối ngoại là độc lập và tự chủ. Đặc biệt Đại hội Đảng vừa qua xác định rằng công tác đối ngoại sẽ hướng đến địa phương, hướng đến doanh nghiệp và người dân. Do vậy, vai trò của công tác đối ngoại của địa phương hiện nay được nâng lên một bước.

Điều thứ hai, Đảng và Nhà nước ta thường xuyên quan tâm đến kiều bào và kiều bào là một trong những bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng dân tộc Việt Nam và kiều bào đã có những đóng góp hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kiều bào cũng là một kênh thông tin đối ngoại quan trọng chuyển đến bạn bè thế giới những hình ảnh tốt đẹp về Việt Nam, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước cũng như vấn đề về chủ quyền của hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam ta hiện nay.

Nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân và kiều bào trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc - ảnh 3Ông Trần Khánh Thục chụp ảnh lưu niệm cùng các chiến sĩ trẻ trên đảo Trường Sa.

Nghệ An là một trong những tỉnh có diện tích rộng nhất cả nước. Nghệ An có 82 km đường bờ biển, là một tỉnh có lượng kiều bào sinh sống, học tập ở các nước rất đông. Cả hai yếu tố đó đặt ra cho chúng tôi một trách nhiệm, cần thường xuyên quan tâm thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại đặc biệt trong đó có vai trò tuyên truyền về biển đảo.

Trong những năm vừa qua, Nghệ An tổ chức các cuộc triển lãm như: “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam: Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”, có tác dụng rất tốt, giáo dục cho người dân và thế hệ trẻ nhận thức và hiểu rõ các thông tin chính thống về quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Ngoài ra, qua các triển lãm này, nhiều bạn bè quốc tế quan tâm và chính họ là người cộng hưởng, đưa những tin tức chính thống ấy đến với độc giả trên thế giới.

Tỉnh Nghệ An cũng tập huấn, tuyên truyền đặc biệt cho các ngư dân về khai thác thủy sản và nâng cao kiến thức pháp luật, để thông qua họ góp phần tuyên truyền về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chúng tôi cũng quan tâm đến công tác kiều bào, xem đây là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của tỉnh. Kiều hối gửi về trên địa bàn tỉnh Nghệ An có năm xấp xỉ 500.000.000 USD. Chúng tôi luôn muốn nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của kiều bào, từ đó có những hỗ trợ phù hợp cũng như kêu gọi kiều bào có những hoạt động kinh tế nhằm xây dựng quê hương, đất nước.

Nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân và kiều bào trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc - ảnh 4Các đại biểu tham gia các hoạt động trong khuôn khổ hội nghị "Kết nối kiều bào với địa phương" do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao và Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức.

Phóng viên: Trong công tác phát triển kinh tế đối ngoại, tỉnh Nghệ An chú trọng đến việc quan tâm, hỗ trợ kiều bào và thân nhân kiều bào đầu tư, kết nối, tăng cường tình yêu với quê hương, đất nước ra sao, thưa ông?

Ông Trần Khánh Thục: Hiện nay, trong công tác đối ngoại, tỉnh Nghệ An xác định ba trụ cột chính: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Trong ba trụ cột đó, tập trung vào 3 nhiệm vụ quan trọng. Đó là ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và ngoại giao chính trị an ninh quốc phòng.

Trong ngoại giao kinh tế, tỉnh Nghệ An khá thành công về việc thu hút FDI, các chương trình hỗ trợ chính thức ODA hay các dự án NGO. Chúng tôi tiếp tục thúc đẩy các hoạt động trao đổi thương mại, phát triển du lịch, hợp tác về nông nghiệp đối với các đối tác trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, Nghệ An có khoảng 13 dự án có nguồn gốc do kiều bào đầu tư trên địa bàn.

Chúng tôi cũng phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức nhiều diễn đàn, sự kiện như: gặp gỡ kiều bào nhân dịp Tết Nguyên đán; phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức trại hè cho các thanh niên kiều bào, khai mạc ở Nghệ An; diễn đàn kết nối kiều bào với địa phương... Qua các hoạt động này, chúng tôi thấy rằng các hiệp hội, các hội kiều bào ở các nước hoạt động rất tích cực. Kiều bào có trách nhiệm hướng về quê hương, đất nước bằng việc có nhiều kênh thông tin, kết nối cho địa phương. Tôi cho rằng trong thời gian tới, không chỉ là Nghệ An mà các địa phương khác cần có sự quan tâm kịp thời để thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác kiều bào.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.

Feedback