Ngân nga hai tiếng Trường Sa

Lan Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Bằng tình yêu với biển đảo, kể từ năm 2012 đến năm 2022, bà con kiều bào từ nhiều nước trên thế giới tích cực ủng hộ nguồn lực vật chất và tinh thần cho Trường Sa.

Từ ngày 18/4 - 23/4/2023, đoàn đại biểu kiều bào thuộc đoàn công tác số 4 năm 2023 ra thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 theo chương trình do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức. Chương trình đã đáp ứng được nguyện vọng của bà con kiều bào được tới thăm vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngân nga hai tiếng Trường Sa - ảnh 1Đoàn kiều bào tham gia hải trình Trường Sa và nhà giàn DK1 năm 2023.

 

Nghe âm thanh phóng sự tại đây:

Đây là lần thứ 10 đoàn kiều bào ra thăm động viên cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Đây là hoạt động thường niên để người Việt ở nước ngoài hiểu rõ hơn về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta và thực tiễn công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Phó trưởng đoàn công tác số 4, năm 2023, cho biết: “Đã có hơn 530 lượt kiều bào về thăm và động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Sau hai năm bị gián đoạn do đại dịch Covid-19, từ năm 2022, chương trình ý nghĩa này được khởi động lại nhằm đáp ứng tình cảm, nguyện vọng của bà con kiều bào hướng về biển đảo Tổ quốc”.

Đến các đảo như Sinh Tồn Đông, Len Đao, Đá Tây B, rồi được tham dự lễ chào cờ và duyệt đội ngũ nghiêm trang tại đảo Trường Sa, lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới giữa nền trời xanh yêu thương, chị Nguyễn Thị Diệu Linh, Chủ tịch Liên hiệp Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại châu Âu, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, tâm sự, năm nay, chị may mắn được đặt chân đến Trường Sa, chị xúc động vô cùng khi đứng trước cột mốc chủ quyền của Tổ quốc trên Biển Đông: “Rất nhiều năm nay tôi mơ ước là mình có thể có một cơ hội để ra Trường Sa để được nhìn thấy quân và dân chúng ta đang ngày đêm gìn giữ một phần lãnh thổ của Việt Nam. Bây giờ tôi cảm thấy vô cùng xúc động khi mà cuối cùng mình đã có cơ hội tận mắt tận mục sở thị, chứng kiến quân và dân chúng ta đang ngày đêm canh giữ một vùng biên giới của Tổ quốc như thế nào”.

Trong hải trình Trường Sa và nhà giàn DK1, các thành viên trong đoàn được nghe về tình hình công tác, đời sống sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ trên các đảo đến thăm; thăm hỏi, động viên và tặng quà quân dân trên đảo; dâng hương tại đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, tại nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn cũng tham gia cuộc thi tìm hiểu về tình hình biển, đảo Việt Nam. Đây là dịp để bà con kiều bào học hỏi, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo và công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Xúc động nhất có lẽ là lễ tưởng niệm 64 cán bộ chiến sĩ anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo được tổ chức tại vùng biển khu vực đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao trong ráng chiều đỏ ối. Vòng hoa, lễ vật, những bông cúc vàng rực và cánh hạc giấy dập dềnh trên biển, hướng về nơi các anh đã hy sinh. Những đôi mắt đỏ hoe nhòa lệ, những tiếng nấc rung rung, nghẹn ngào. Hãy yên nghỉ nhé các anh, những anh hùng ở tuổi đôi mươi mang trái tim dũng cảm. Tổ quốc luôn ghi ơn các anh. Chị Lê Nguyễn Minh Phương, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc, bùi ngùi xúc động: “Chúng tôi rất xúc động được tham dự vào lễ tưởng niệm các anh chiến sĩ đã hy sinh trong sự kiện Gạc Ma. Khi được nghe chia sẻ về sự kiện Gạc Ma tại chính vùng biển Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao và sau đó là phần thả hoa và thả những cánh hạc giấy. Những cánh hạc này các kiều bào và các thành viên đoàn cùng nhau tập trung gấp trong thời gian rảnh. Sau chuyến đi này, chắc chắn tất cả các kiều bào sẽ có thêm nhiều hoạt động hướng về quê hương, đặc biệt là chia sẽ nhiều hơn về những kỷ niệm, những trải nghiệm, cảm xúc và sự xúc động mà chỉ có ai một lần đặt chân lên những hòn đảo ở quần đảo Trường Sa mới có thể cảm nhận được”.

Ngân nga hai tiếng Trường Sa - ảnh 2Các đại biểu vào thăm đảo Sinh Tồn Đông. Ảnh: Vũ Đình Thắng.

Khi được hỏi về tình cảm dành cho các cán bộ, chiến sĩ trên con tàu Trường Sa 571 hay trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, các kiều bào hay nói đến hai từ “khâm phục” và “biết ơn”. Với bà Lê Thị Thắm, kiều bào CHLB Đức, cứ sau giờ ăn trưa và ăn tối, bà và một số kiều bào khác lại ra phía đuôi tàu rửa bát phụ giúp tổ “anh nuôi”. Bà Thắm nói: Các chiến sĩ trẻ như con của bà vậy. Liên tục làm việc trong điều kiện nóng bức để có cơm ngon, canh ngọt phục vụ đoàn, khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi, thương các chiến sĩ lắm. Vất vả là vậy mà lúc nào cũng tươi cười gọi “U ơi”, sao mà tình cảm và xúc động đến thế.

Chính trong những chuyến đi như thế này đã giúp những người Việt từng ở bên kia chiến tuyến, từng bất đồng quan điểm như: David Nguyễn còn gọi là Đức “đầu bạc” hay Nguyễn Ngọc Lập, cựu thiếu úy thủy quân lục chiến của quân đội Việt Nam Cộng hòa… đã hiểu ra sự thật về công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Ngân nga hai tiếng Trường Sa - ảnh 3Kiều bào chụp ảnh kỷ niệm trên chuyến tàu đại đoàn kết.

Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc, người Việt tại Canada, tâm sự, chuyến ra thăm Trường Sa vô cùng ý nghĩa và gây ấn tượng sâu sắc đối với ông: “Trong chuyến đi này, chúng tôi cảm nhận được một cuộc sống tất cả các bà con chiến sĩ trên đảo. Chúng tôi cảm nhận được những khó khăn mà tất cả mọi người trên tuyến đầu của Tổ quốc phải chịu đựng. Tôi chỉ hy vọng và mong muốn rằng đất nước chúng ta có 5,3 triệu bà con kiều bào sinh sống ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chúng ta cần hiểu về đất nước Việt Nam một cách thực sự nhất. Và chúng ta có cách nhìn nhận để tạo điều kiện tốt nhất cho những bà con chưa hiểu đúng về sự thật. Họ sẽ hiểu đúng về sự thật để cùng chung tay với gần 100 triệu bà con trong nước cùng Đảng, Nhà nước Việt Nam tạo những điều kiện tốt nhất cho các chiến sĩ và bà con sống trên đảo xa”.

Ngân nga hai tiếng Trường Sa - ảnh 4Đại diện kiều bào các nước ủng hộ chương trình "Xanh hóa Trường Sa" cho Bộ tư lệnh Hải quân. Ảnh: Nguyễn Hồng.

Bằng tình yêu với biển đảo, kể từ năm 2012 đến năm 2022, bà con kiều bào từ nhiều nước trên thế giới tích cực ủng hộ nguồn lực vật chất và tinh thần cho Trường Sa. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã quyên góp ủng hộ đóng một số xuồng chủ quyền, xây dựng một số công trình trên đảo, mua quà tặng hiện vật và nhu yếu phẩm gửi tặng các điểm đảo, nhà giàn DK1, tổng số tiền ủng hộ lên tới khoảng 26,8 tỉ đồng. Tính riêng tháng 4 năm nay, trên con tàu đại đoàn kết này, tổng số tiền ủng hộ chương trình “Xanh hóa Trường Sa” và quà tặng dành cho quân, dân trên các điểm đảo và Nhà giàn DK1 của bà con kiều bào đạt giá trị gần 1,7 tỷ đồng.

Trong buổi chia tay tại cầu cảng đảo Trường Sa, bà con kiều bào đồng thanh hô “Tổ quốc vì Trường Sa”, các chiến sĩ trên đảo đáp lại “Trường Sa vì Tổ quốc”. Tàu cất lên hồi còi chào đảo thao thiết, bịn rịn và luyến lưu, những bàn tay vẫy mãi đến khi đảo xa dần, nhiều giọt nước mắt đã rơi vì thương nhớ, cảm phục và xúc động. Trường Sa ơi, dù có cách trở đến hàng ngàn, vạn dặm, Trường Sa không xa đâu mà vẫn nằm gọn trong trái tim của những kiều bào yêu biển đảo.

Feedback