Trong 45 năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và Australia chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ. Hợp tác trên nhiều lĩnh vực được đẩy mạnh trong đó có giáo dục và đào tạo. Ngày càng có nhiều sinh viên, học sinh Việt Nam lựa chọn Australia để du học.Đặc biệt, những sinh viên thuộc diện học bổng của chính phủ Australia sau khi về nước còn tiếp tục nhận được những hỗ trợ hữu ích từ chính phủ Australia để đóng góp cho sự phát triển đất nước. Phón viên Đài TNVN phỏng vấn Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick về nội dung này.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick |
PV: Xin chào đại sứ Craig Chittick, xin ông cho biết về hợp tác giáo dục, đào tạo giữa Viêt Nam và Australia trong bối cảnh mối quan hệ hai nước đang phát triển rất tốt đẹp.?
Đại sứ Craig Chittick: Năm 2018 là năm kỉ niệm 45 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa Australia và Việt Nam. Ngay từ đầu, trọng tâm của hai quốc gia là hợp tác giáo dục. Từ năm 1974 đã có những sinh viên Việt Nam đầu tiên sang Australia học tập. Từ đó đến nay có hàng nghìn sinh viên Việt Nam được nhận học bổng học tập tại Australia. Uớc tính có khoảng 60.000 người Việt Nam và sau khi học xong đều có đóng góp đáng kể cho sự phát triển của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Do đó, giáo dục sẽ tiếp tục là một trong những lĩnh vực chính trong hợp tác giữa hai nước.
Hiện có khoảng 30.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Australia và còn nhiều hơn số đó đang học tại các trường, cơ sở giáo dục của Australia tại Việt Nam. Đặc biệt, sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên tầm chiến lược, tôi tin rằng sự hợp tác này sẽ ngày càng được mở rộng.
Đại sứ Craig Chittick đón chào trở về từ Australia hơn các cựu du học sinh Việt Nam |
PV: Đại sứ đánh giá như thế nào về năng lực học tập của du học sinh Việt Nam nói chung.?
Đại sứ Craig Chittick: Có thể nói, Học bổng Chính phủ Australia là một chương trình rất cạnh tranh. Những người được nhận học bổng đều là những cá nhân xuất sắc. Họ đã có cơ hội được học tập và trải nghiệm nền giáo dục chuẩn quốc tế tại Australia. Nhiều trường đại học tại Australia cho biết rằng sinh viên Việt Nam thường nằm trong nhóm tốt nhất của trường. Vì thế, các trường đại học này cũng chủ động tiếp cận sinh viên Việt Nam. Một trong những cách tiếp cận là xây dựng các chương trình nghiên cứu cao cấp có liên kết với các trường đại học tại Việt Nam. Một ví dụ điển hình là Đại học Công nghệ Sydney (UTS).
Hiện nay, Đại học Công nghệ Sydney đang có chương trình liên kết đào tạo ngành kỹ sư và công nghệ thông tin ở cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Các chương trình này tạo cơ hội cho các trường đại học của Australia làm việc với các nghiên cứu sinh hàng đầu của Việt Nam. Do đó, không phải chỉ tôi nói là sinh viên Việt Nam rất xuất sắc, mà chính đại diện các trường đại học của Australia cũng khẳng định điều đó bằng việc tiếp tục mời gọi sinh viên Việt Nam.
Australia hàng năm trao học bổng đào tạo 2 năm về nấu ăn cho thí sinh Việt Nam chiến thắng ở cuộc thi Taste of Australia |
PV: Chính phủ Australia có những hỗ trợ và ưu đãi như thế nào để thu hút ngày càng nhiều du học sinh Việt Nam.?
Đại sứ Craig Chittick: Mặc dù một số quốc gia khác đã ngừng cấp học bổng nhưng chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục trao học bổng cho sinh viên Việt Nam. Không chỉ Chính phủ Australia mà rất nhiều trường đại học của Australia cũng đang cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam. Ngoài ra, bản thân Chính phủ Việt Nam cũng đang mở rộng đầu tư cho sinh viên Việt Nam học tập tại Australia.
Ngay cả các bậc phụ huynh cũng chủ động đầu tư cho con em mình du học tại Australia ngày càng nhiều. Giờ đây, sinh viên Việt Nam tìm cơ hội học bổng không chỉ thông qua chương trình Học bổng Chính phủ Australia mà còn tìm đến nhiều nguồn hỗ trợ tài chính khác nữa, đặc biệt còn có rất nhiều sinh viên tự túc du học tại Australia. Tất nhiên, học bổng Chính phủ Australia vẫn có một vai trò quan trọng, nhưng tôi rất vui mừng khi thấy nhiều gia đình Việt Nam đã tin tưởng lựa chọn Australia như một điểm đến học tập chất lượng cao cho con em mình.
PV: Với những sinh viên được học bổng toàn phần, chính phủ Australia có đặt ra những điều kiện cho họ sau khi hoàn thành khóa học không, thưa Đại sứ.?
Đại sứ Craig Chittick: Một yêu cầu của Học bổng Chính phủ Australia là sinh viên cần phải trở về Việt Nam sau khi kết thúc khóa học. Bởi, mục đích trong hợp tác về giáo dục là chúng tôi đầu tư vào sinh viên Việt Nam để giúp họ có thêm kĩ năng chuyên môn, kĩ năng lãnh đạo. Chúng tôi mong muốn họ trở về với hành trang là những kiến thức lĩnh hội được và sử dụng chúng để đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Việt Nam.
Theo quan sát của tôi thì phần lớn các sinh viên Việt Nam khác cũng đều trở về nước sau khi hoàn thành chương trình học. Họ yêu thích cuộc sống ở Australia, nhưng họ vẫn trở về vì gia đình và cộng đồng của mình và có mong muốn góp sức xây dựng đất nước. Điều chúng tôi muốn biết là sau khi trở về họ sẽ làm gì tiếp theo, đóng góp như thế nào cho gia đình, cộng đồng và đất nước. Tôi hi vọng rằng, các bạn ấy hãy giữ kết nối từ Australia, vận dụng kiến thức kỹ năng chuyên môn đã học được để giúp Việt Nam thực hiện khát vọng trở thành quốc gia thịnh vượng, an toàn đồng thời tăng cường kết nối cho tình hữu nghị giữa hai quốc gia.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Ngài Đại sứ đã dành thời gian trả lời PV Đài TNVN.,