Chống ô nhiễm rác thải nhựa: Nếu bạn không tái sử dụng, hãy ngừng sử dụng

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) - Rác thải nhựa cùng với các chất gây ô nhiễm khác đang tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người.

Nylon và nhựa trở thành một trong những vật liệu được dùng phổ biến hiện nay nhờ tính hữu dụng cũng như giá thành sản xuất thấp. Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa cùng với các chất gây ô nhiễm khác đang tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người.Vì một cuộc sống thân thiện với thiên nhiên, đến lúc chúng ta cần hạn chế đồ nhựa và nilon. Đó là thông điệp mà ngày môi trường thế giới năm nay kêu gọi hành động để chống lại thách thức lớn về môi trường này.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

Tại những khu chợ truyền thống, cửa hàng hay ở các siêu thị,hàng ngày đều dễ bắt gặp hình ảnh người mua hàng lỉnh kỉnh trên tay hay tua rua treo trên xe các loại túi nilon đựng đủ loại hàng hóa. Từ thực phẩm tươi sống như gà thịt, cá, rau đến các loại đồ ăn chín …tất thảy đều được đựng trong những chiếc túi nilon nhiều màu hay các chai, cốc, hộp nhựa mỏng.

Chống ô nhiễm rác thải nhựa: Nếu bạn không tái sử dụng, hãy ngừng sử dụng - ảnh 1Tất thảy đều đựng trong túi nylon. Ảnh minh họa
Chống ô nhiễm rác thải nhựa: Nếu bạn không tái sử dụng, hãy ngừng sử dụng - ảnh 2Kể cả thức ăn, đồ uống chín 

Với chị Linh Hạnh, giáo viên ở một huyện ngoại thành Hà Nội thì có lẽ lâu lắm rồi không còn thấy những dáng vẻ thong dong của các bà, các cô đi chợ cắp cái rổ, quẩy đôi thúng hay buộc sau xe đạp chiếc làn như ngày xưa:

“Ngày xưa, đi chợ mua cái gì, các bà nội trợ thường để vào rổ, thúng hay làn. Mua ít bún, cái bánh có thể dùng lá sen, lá chuối để gói hay cân thịt xâu lạt. Rồi mua cháo phở mang cặp lồng để đựng. Giờ đây, trên đường đi làm về, mọi người tranh thủ tạt qua chợ mua đồ ăn, thức uống và rất tiện lợi cả người mua và bán đều dùng túi nilon, bịch lớn bịch bé. Sau mỗi lần dùng rồi vứt đi.Ở làng tôi, rác thải tích tụ chất đống và mỗi lần người ta đốt rác, mùi nhựa nilon bốc lên khét lẹt không thể chịu nổi.”

Chống ô nhiễm rác thải nhựa: Nếu bạn không tái sử dụng, hãy ngừng sử dụng - ảnh 3Một nơi tập kết rác thải nhựa, nylon 

Chính vì sự tiện dụng trong thói quen tiêu dùng mà rác thải nhựa đang là nỗi lo và thách thức lớn đối với môi trường sống. Kinh tế càng phát triển càng làm bùng nổ nhu cầu về hàng tiêu dùng trong khi công nghệ xử lý rác thải chưa theo kịp. Chị Ngụy Thị Khanh, giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh Green ID cho biết, chúng ta đang quá phụ thuộc vào vật liệu nhựa ví sự tiện lợi của nó:

“Đây là một vấn nạn và là một thách thức lớn cho môi trường nói chung. Ô nhiễm rác thải nhựa ảnh hưởng nghiêm trọngvới nguồn đất, nguồn nước và đối với hệ thủy sinh.Trong khi đó,môi trường chúng ta sống đang báo động vượt qua ngưỡng chịu tải hay khả năng tự cân bằng. Do đó,cần phải có những hành động khẩn cấp, phải giảm dùng đồ nhựa, nilon”

Theo báo cáo Liên hợp quốc, mỗi phút con người mua 1 triệu chai nhựa. Gần một phần ba túi nilon sử dụng không được thu gom và xử lý do đó làm ô nhiễm nghiêm trọng môi trường tự nhiên. Chất thải nhựa đổ ra đại dương có thể bao quanh bốn vòng trái đất mỗi năm và nó có thể tồn tại 1000 năm trước khi bị tiêu hủy. Các chuyên gia cảnh báo, đã đến lúc con người phải ngưng ngay việc ném vào môi trường mỗi ngày hàng tấn rác thải nhựa.

Chống ô nhiễm rác thải nhựa: Nếu bạn không tái sử dụng, hãy ngừng sử dụng - ảnh 4Ô nhiễm rác thải nhựa ở đại dương- Ảnh moitruong.net 

Giải quyết rốt ráo vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa là việc làm không đơn giản, tuy nhiên theo những người như chị Khanh và chị Hạnh cũng có cách giúp người dân dần từ bỏ thói quen gây hại cho môi trường này: “Cần phải thay đổi từ nhân thức. Có nhiều cách chẳng hạn như tôi khi đi chợ mang theo một chiếc túi vải hay túi giấy dùng được nhiều lần. Các bà bán hàng thường có thói quen bọc 3, 4 lượt túi cho chắc nên mình yêu cầu họ chỉ cho một chiếc túi khi cần thiết thôi. Nói chung hạn chế dùng túi nylon càng nhiều càng tốt”.

“Theo tôi, nên đánh vào kinh tế của người tiêu dùng trong việc sử dụng đồ nhựa, túi nylon. Chẳng hạn, khi mua mớ rau 2000 đồng nếu dùng túi thì 3000 đồng. Như thế bà con sẽ tự ý thức lần sau sử dụng lại chiếc túi, chiếc hộp tránh dùng một lần rồi vứt đi.” Chị Hạnh nói.

Luôn tiên phong giúp Việt Nam trong bảo vệ môi trường sống, ứng phó với biến đổi khí hậu, Tòa nhà chung Liên hợp quốc ở Hà Nội có những sáng kiến, hành vi xanh khuyến khích mọi người tham gia.

“Chúng tôi có những cuốn cẩm nang xanh, chẳng hạn trong canteen của Liên hợp quốc nếu bạn muốn mua café mà mang cốc không của mình tức là không dùng đến cốc dùng một lần hoặc cốc nhựa xuống mua café thì bản thân cốc nước đó được bán rẻ hơn. Hoặc ở quầy lễ tân có một hộp ghi thu nhận các loại pin đã sử dụng để đem đi tiêu hủy. Tất cả những hành vi đó tuy đơn giản nhưng đảm bảo sự thân thiện với môi trường được bền vững." Anh Trịnh Anh Tuấn, chủ tịch Công đoàn cho biết,

Chống ô nhiễm rác thải nhựa: Nếu bạn không tái sử dụng, hãy ngừng sử dụng - ảnh 5Hãy nói không với túi nylon-Ảnh minh họa 

Trong nỗ lực thay đổi nhận thức của mọi người và hưởng ứng ngày Môi trường thế giới năm nay, nhiều sứ quán ở Hà Nội như Mỹ, Pháp, Canada, Australia phát động chiến dịch môi trường nhằm nâng cao ý thức cộng đồng, kêu gọi thay đổi thói quen sử dựng đồ nhựa.

Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrik nhấn mạnh, trọng tâm chiến dịch năm nay là chấm dứt rác thải nhựa, đẩy lùi ô nhiễm môi trường biển: “Tôi muốn nhắc một điều rằng, ô nhiễm môi trường biển đang là mối đe dọa nhiều quốc gia, đăc biệt đối với những nước có ngành thủy hải sản phát triển như Việt Nam. Tôi hi vọng cuộc vận động này sẽ góp phần thay đổi dần thói quen dùng đồ nhựa và túi nilon. Chúng tôi luôn muốn cùng với các bạn Việt Nam hành động vì lợi ích chung,vì một thế giới an toàn hơn.”

“Chống lại ô nhiễm chất thải nhựa – Nếu bạn không tái sử dụng thì hãy từ chối sử dụng” chính là thông điệp của Ngày môi trường thế giới 5/6 năm nay. Đây là cơ hội để mỗi chúng ta bằng nhiều cách cùng chống lại ô nhiễm rác thải trên toàn thế giới. Cả tôi-bạn và tất cả mọi người hãy đừng đợi đến ngày 5/6 mới hành động.

Feedback