Để tất cả mọi người dân đều có Tết ấm no

Kim Thanh
Chia sẻ
(VOV5) -  Các doanh nghiệp mong muốn để cho sau Tết, tất cả lao động quay trở lại làm việc cho doanh nghiệp để đảm bảo cho sản xuất bình thường.

Thời điểm Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang đến gần. Nhiều người lao động, hộ nghèo, gia đình chính sách lo lắng về một cái Tết không đủ đầy, do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vậy, Tết năm nay, Nhà nước sẽ dành nguồn lực như thế nào để chăm lo Tết cho người nghèo, để người dân nào cũng có Tết và “không ai bị bỏ lại phía sau”? Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời phỏng vấn VOV.

 Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây: 

Để tất cả mọi người dân đều có Tết ấm no - ảnh 1Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi và trao quà Tết cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng tiêu biểu. Ảnh báo DantocvaPhattrien

PV: Thưa ông, ở thời điểm này, nhiều người lao động đang rất lo lắng là làm thế nào để có một cái Tết đủ ấm trong bối cảnh đầy khó khăn của dịch bệnh. Ở góc độ của mình - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có sự quan tâm, chỉ đạo cũng như có kế hoạch ra sao để có thể đảm bảo mang một cái Tết ấm đến mọi người, mọi nhà, ""không để ai bị bỏ lại phía sau"?

Ông Lê Văn Thanh: Năm 2021, doanh nghiệp và người dân đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid -19. Nhiều doanh nghiệp bị lỗ hoặc là có lãi không đáng kể. Cho nên để đảm bảo trả lương cho người dân, người lao động thì cũng gặp khó khăn. Tuy vậy, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vẫn đề nghị các doanh nghiệp cố gắng hết sức mình để đảm bảo, trước tiên là trả đủ lương cho người lao động, cố gắng để có tiền thưởng Tết cho người lao động về với gia đình có cái Tết ấm cúng hơn. Bên cạnh đó, Bộ Lao động Thương binh Xã hội cùng với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp để vận động Quỹ vì người nghèo cùng với các nguồn xã hội hóa khác nhau, đã lên chương trình để thăm Tết đối với những người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội để làm sao mọi người dân đều có quà, dù không đầy đủ hết, nhưng mà cố gắng tối đa. Ngoài ra, Bộ cũng đã yêu cầu các địa phương quan tâm chăm lo cho tất cả người dân trên địa bàn của mình đều có Tết, không ai bị bỏ lại phía sau và vận động từ nhiều nguồn khác nhau. Đặc biệt quan tâm nhất đến đối với người nghèo và đối tượng nghèo, bảo trợ xã hội, những đối tượng này là đối tượng yếu thế nhất để họ có Tết và giúp mọi người đều cảm thấy đầm ấm, vui vẻ.

PV: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vậy theo đánh giá của ông năm nay mức thưởng Tết có bị biến động không, thưa ông?

Ông Lê Văn Thanh: Năm nay thì thưởng Tết của chúng ta thì cũng khó khăn. Chúng tôi đang tập hợp từ các địa phương báo cáo lên chưa đầy đủ, nhưng mà nói chung là cũng ngang bằng như năm trước hoặc một số doanh nghiệp là thấp hơn năm trước. Bởi thực ra, qua 2 năm bị ảnh hưởng dịch Covid thì các nguồn dự phòng, nguồn tích lũy của doanh nghiệp cũng hết sức khó khăn. Vì vậy, chúng tôi cũng động viên doanh nghiệp chăm lo, còn con số cụ thể chúng ta chưa tính được, nhưng cơ bản cũng ngang bằng với năm 2020.

PV: Ông có nghĩ rằng, việc thực hiện tốt những chính sách an sinh xã hội và đặc biệt là thưởng Tết cũng là cách để doanh nghiệp giữ chân người lao động?

Ông Lê Văn Thanh: hiện nay, việc người lao động quay trở lại doanh nghiệp là mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp. Hơn nữa, khi người lao động đã làm ở doanh nghiệp thì cũng nên ở lại doanh nghiệp thì lại để làm sao đảm bảo nguồn cung ứng lao động.

Muốn làm được điều này thì nhiều doanh nghiệp phải có những biện pháp, những chính sách hết sức linh hoạt đối với người lao động để làm sao giữ chân người lao động. Có nơi thì trả thêm lương thưởng là những chính sách an sinh như hỗ trợ tiền vé xe, vé tàu, quà Tết rất linh hoạt để giữ chân người lao động.

Với khả năng và cách làm của mỗi doanh nghiệp thì về cơ bản, các doanh nghiệp mong muốn để cho sau Tết, tất cả lao động quay trở lại làm việc cho doanh nghiệp để đảm bảo cho sản xuất bình thường, để giúp cho các doanh nghiệp phát triển, góp phần phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng

Feedback