COHOST: Kết nối trải nghiệm du lịch 5 sao qua mô hình homestay

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) - Sau gần 4 năm hoạt động, những giải pháp công nghệ của Cohost được ứng dụng để quản lý hàng nghìn căn hộ trên toàn cầu.

Cohost là một start-up công nghệ thành lập năm 2016 bởi đội ngũ các chuyên gia người Việt tại các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Airbnb với mục tiêu cung cấp các giải pháp công nghệ vào vận hành quản lý, dịch vụ về du lịch, đồng thời xây dựng một cộng đồng những người làm nghề Cohost (đồng chủ nhà) tham gia vào thị trường kinh doanh dịch vụ lưu trú, hiện khá mới mẻ ở Việt Nam.

Sau gần 4 năm hoạt động, những giải pháp công nghệ của Cohost được ứng dụng để quản lý hàng nghìn căn hộ trên toàn cầu. Để hiểu thêm về mô hình kinh doanh lưu trú theo xu hướng kinh tế chia sẻ này,  PV Đài TNVN trò chuyện với Thạc sĩ  Phạm Kim Cương - Giám đốc điều hành (CEO) của Cohost, người có nhiều năm làm việc tại tập đoàn về dịch vụ lưu trú Airbnb của Mỹ.

COHOST:  Kết nối trải nghiệm du lịch 5 sao qua mô hình homestay - ảnh 1Phạm Kim Cương (Kim C Phạm)- CEO của start up công nghệ Cohost. - Ảnh nvcc

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây: 

PV:  Anh có thể cho biết về loại hình lưu trú trải nghiệm mà mọi người hay gọi là du lịch homestay đang phát triển như thế nào ở trên thế giới và Việt Nam?

Kim C Phạm: Mô hình kinh tế chia sẻ trong ngành du lịch là một loại hình mới hiện nay. Tuy rằng dịch vụ khách sạn có từ rất lâu đời rồi nhưng hình thức du lịch lưu trú (homestay) mới phát triển mạnh từ 10 năm trở lại đây, đầu tiên tại Mỹ, sau đó lan rộng đến hơn 190 quốc gia trong đó có Việt Nam.

Năm 2016, tôi có cơ hội và quyết định đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam sau nhiều năm làm việc tại Airbnb, Google…Đó là những công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ. Trở về, tôi muốn góp phần xây dựng một nền tảng số cho ngành du lịch tiềm năng của Việt Nam. 

Những năm gần đây xuất hiện trào lưu du lịch trải nghiệm thực tế, nhiều hơn là nghỉ dưỡng đơn thuần. Họ thích được giao tiếp với cuộc sống bản địa: tự đi chợ, thích chế biến món ăn hoặc trải nghiệm tại các làng nghề và thường là những trải nghiệm đó rất tuyệt vời. Cùng đến một nơi, nhưng mỗi chuyến đi đều khác nhau, không ai giống với ai cả.

Nhờ vào công nghệ, mô hình kinh tế chia sẻ kiểu homestay này chính là việc cho phép kết nối những người có nhu cầu du lịch với người có căn nhà để trống, để tạo ra những trải nghiệm du lịch đáng nhớ.

COHOST:  Kết nối trải nghiệm du lịch 5 sao qua mô hình homestay - ảnh 2 Team Cohost hiện có hơn 30 thành viên là các kỹ sư về công nghệ tài năng và tâm huyết. Sau hơn 3 năm phát triển tại Việt Nam, Cohost.vn  chính thức đưa sản phẩm ra thị trường vào ngày 22/5. Ảnh nhân vật cung cấp

Ngoài ra, du lịch homestay còn cho phép rất nhiều người tham gia vào thị trường du lịch. Họ không cần phải có số tiền khổng lồ để đầu tư vào các resort sang trọng mà chỉ cần một căn nhà nhỏ, một căn hộ chung cư  để trống biến chúng thành phòng khách sạn tiện nghi 5 sao.

Bạn biết đấy, du lịch ở Việt Nam nổi tiếng là rẻ nhưng nếu bạn tham gia vào mô hình homestay thì chi phí còn rẻ hơn nữa trong khi vẫn tạo được cho mình những trải nghiệm 5 sao theo cách riêng. Tôi thấy, hiện nay ở Việt Nam có 3 thành phố là Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh triển khai khá tốt mô hình lưu trú này. Năm 2018, Hà Nội, Đà Nẵng là 2 thành phố lọt vào top 10 của Airbnb.

PV: Được biết, Cohost club hoạt động được gần 4 năm rồi. Vậy, những giải pháp công nghệ nào của Cohost đang được ứng dụng tốt ở Việt Nam?

Kim C Phạm: Khoảng thời gian hoạt động trong lĩnh vực kinh tế chia sẻ ở nước ngoài, tôi và các cộng sự - những người có kinh nghiệm làm ở các công ty công nghệ và du lịch ở nước ngoài đã tìm cách đưa mô hình đó về Việt Nam.

Chúng tôi nhận thấy rằng điều còn thiếu ở Việt Nam chính là khoảng trống giữa một người có nhà và một “trải nghiệm 5 sao”. Khoảng trống ấy chính là nằm ở dịch vụ và cách thức vận hành. Dịch vụ liên quan đến vấn đề về con người trong khi cách thức vận hành liên quan đến quy trình và máy móc. Là công ty về công nghệ, Cohost club rất mạnh về vận hành công nghệ vào quản lý. Về yếu tố con người, chúng tôi giúp đào tạo, nâng cao kỹ năng dịch vụ cho những người làm homestay, qua đó đưa ra một giải pháp thương mại Cohost Việt Nam, để kết nối những người có nhà trống nhưng không có kinh nghiệm, thời gian... làm dịch vụ du lịch.

Với những bạn trẻ có đam mê trong lĩnh vực dịch vụ nhưng không có vốn đầu tư, chúng tôi giúp kết nối và cung cấp cho họ những công cụ làm sao để cả hai bên đều cùng tham gia vào nền kinh tế chia sẻ. Kết quả là giá du lịch giảm xuống và mọi người có nhiều sự lựa chọn và tạo được nhiều trải nghiệm du lịch thú vị hơn.

COHOST:  Kết nối trải nghiệm du lịch 5 sao qua mô hình homestay - ảnh 3Cohost Club là một nền tảng số để kết nối các cá nhân và doanh nghiệp trong nên kinh tế chia sẻ. - Ảnh Cohost.

Bên cạnh việc chia sẻ mô hình kinh doanh Cohost (đồng chủ nhà), chúng tôi còn cung cấp cho thị trường những giải pháp công nghệ tiên tiến phục vụ cho việc quản lý du lịch, quản lý khách sạn, homestay. Khi chúng ta có một lượng khách du lịch rất lớn thì cần phải có công nghệ để lưu giữ thông tin, dữ liệu, qua đó để biết được chính xác khách hàng họ cần hay muốn gì. Khi đã số hóa được tất cả thông tin khách hàng, những thông tin trải nghiệm thì chúng ta ẽ nhân rộng được ra được hàng trăm homestay.

PV: Thời gian qua, du lịch toàn cầu trong đó có Việt Nam gặp khủng hoảng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Cohost có giải pháp công nghệ mới để giúp các đơn vị kinh doanh lưu trú ở Việt Nam khôi phục và cơ cấu lại hoạt động kinh doanh?

Kim C Phạm: Đại dịch Covid-19 là một việc xảy đến rất không may, ảnh hưởng tiêu cực đến không chỉ đối với các hoạt động của ngành du lịch Việt Nam. Trong bối cảnh này, rất nhiều người đã nghĩ ra những giải pháp ứng phó trong đó có chúng tôi.

Mới đây, Cohost đưa ra giải pháp cho các đơn vị kinh doanh homestay. Cách làm trước đây, những người đầu tư homestay đi thuê lại từ các chủ nhà và lấy tiền lãi từ kinh doanh trả tiền thuê nhà. Nhưng khi đại dịch kéo dài, nguồn thu nhập bị biến mất trong khi khoản thuê vẫn phải trả hàng tháng khiến nhiều người gặp khủng hoảng tài chính.

Giải pháp của chúng tôi đưa ra một kiểu hợp đồng làm việc với chủ nhà theo hình thức chia sẻ kinh doanh, chia sẻ lợi nhuận theo tỷ lệ 80-20. Và, trong trường hợp không có khách thì hai bên cùng nhau chia sẻ rủi ro. Ngoài ra, trong đợt này, chúng tôi đẩy mạnh đào tạo, hợp tác với các trường đại học có khoa, du lịch để dạy những kỹ năng về nghề Cohost đến những sinh viên chuyên ngành. Cách thức chúng tôi truyền đạt kinh nghiệm cũng như tạo sự tương tác với các bạn đều qua hình thức trực tuyến.

COHOST:  Kết nối trải nghiệm du lịch 5 sao qua mô hình homestay - ảnh 4Văn phòng làm việc tại Hà Nội của các kĩ sư từ nước ngoài (Google, Airbnb) và trong nước (ĐH Bách Khoa, FPT...) 

PV: Nhiều năm làm việc cho ở tập đoàn về dịch vụ lưu trú nổi tiếng Airbnb ( Mỹ), Theo anh, ngành dịch vụ lưu trú nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung cần thay đổi gì để có thể bứt phá, đưa thương hiệu Việt ra khắp toàn cầu?

Kim C Phạm: Có thể thấy, đại dịch Covid 19 được xem là thử thách với không chỉ ngành du lịch Việt Nam. Nó lọc bớt những cơ sở, đơn vị kinh doanh ngắn hạn, không chuyên nghiệp, kiểu chộp giật. Theo tôi, để phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam, chúng ta cần đầu tư nhiều hơn vào các mô hình kinh doanh bền vững, mang lại nhiều giá trị trải nghiệm du lịch cho mọi người. Sau đại dịch Covid 19, một điều thú vị tôi nhận thấy là có rất nhiều người muốn đến Việt Nam, mơ ước sống ở Việt Nam. Bởi, chúng ta làm rất tốt công tác phòng chống dịch bệnh, tạo được điểm đến an toàn, thân thiện cho du khách..

Tôi tin rằng, du lịch Việt Nam còn phát triển hơn nữa bởi theo tổ chức Du lịch thế giới, Việt Nam nằm trong Top 3 điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất toàn cầu và hàng năm lượng khách du lịch ghi nhận tăng 29%. Theo Airbnb, hiện nay có đến 50.000 cơ sở, căn hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú trên khắp cả nước. Việc vận hành công nghệ vào quản lý không chỉ giúp chủ nhà tiết kiệm thời gian mà còn giúp nâng tầm dịch vụ du lịch Việt trong mắt du khách quốc tế. 

PV: Xin trân trọng cảm ơn và chúc Anh luôn thành công.

Feedback