Trong địa phận Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng đã được Unesco công nhận, tuyến du lịch các huyện phía Đông tỉnh Cao Bằng, gồm huyện Trùng Khánh, huyện Quảng Uyên, mang tên là Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên. Trong chuyên mục Khám phá Việt Nam tuần này, mời quý vị và các bạn khám phá điểm du lịch trải nghiệm cộng đồng tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, nằm trong tuyến du lịch này.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Công viên địa chất Non nước Cao Bằng. - Ảnh: vnexpress.net |
Trên tuyến đường duy nhất từ thị trấn huyện Trùng Khánh vào khu du lịch thác Bản Giốc, tại bản Kéo Nà, xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng, Việt Nam, du khách sẽ gặp một địa điểm có phong cảnh thuyền nhiên vô cùng hữu tình. Đó là ngôi nhà sàn cổ năm ngay dưới bãi đất rộng mênh mông phía trước là dòng sơn Quây Sơn xanh ngắt, điểm vào đó là những chiếc thuyền Kayzak mầu sắc sặc sỡ, tô vẽ một bức họa đồng quê mời gọi du khách.
Tại đây cuộc sống của người dân vẫn diễn ra như thường nhật. Du khách đến đây được tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống cũng như sinh hoạt người dân nơi đây để cảm nhận sự bình yên chốn thôn quê. Bươc lên 9 bậc cầu thang của căn nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày, khung cảnh của chốn thần tiên hiện ra trước mắt, với mầu xanh cây cối, sông nước, cảnh vật hữu tình khiến con người quên đi những mệt mỏi của cuộc sống.
Du khách tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán của người dân địa phương qua các vận dụng trưng bày trong nhà. Chủ nhà homestay Quây Sơn là anh Hoàng Văn Chủng, người đi đầu trong phong trào phát triển du lịch cộng đồng tại bản Kéo Nà, trực tiếp giới thiệu đến du khách những nông cụ, sản phẩm thủ công truyền thống, trang phục truyền thống của người dân nơi đây. "Homestay Quây Sơn cũng mới thôi nhưng chúng tôi cũng đón tiếp các đoàn khách nước ngoài và cả khách trong nước đến. Họ đều có những đánh giá về phong cảnh đặc biệt là mô hình nhà sàn vẫn còn phù hợp với phong tục tập quán của người dân bản địa quê tôi. Và họ đều thích thú khi đến trải nghiệm tại đây".
Anh Hoàng Văn Chủng cho biết homestay Quây Sơn mới được đưa vào khai thác 2 năm nay song lượng khác đến trải nghiệm và tham quan khá đông. Thường xuyên có các đoàn khách đặt chỗ từ trước nhiều ngày, nhất là những dịp lễ tết.
Du khách được phục vụ ăn uống, đốt lửa trại và các dịch vụ khác như đi xe đạp, chèo thuyền kayzak, đạp xe thưởng ngoạn phong cảnh bản làng, trải nghiệm trồng rau, làm vườn và hái rau chế biến trong mỗi bữa ăn của mình. Đặc biệt, dịch vụ chèo thuyền kayzak được du khách đón nhận và sử dụng rất nhiều: "Ngoài dịch vụ homestay, chúng tôi còn có các dịch vụ đi kèm như chèo thuyền Kayzak, dịch vụ trải nghiệm byking, dẫn khách du lịch đi leo núi, đi thăm các làng nghề, bản làng… Qua đó để du khách hiểu sâu về phong tục tập quán của đồng bào dân tộc phía Đông Bắc tỉnh Cao Bằng".
Lần đầu tiên đến với tỉnh Cao Bằng, được trải nghiệm cuộc sống cùng với bà con nới đây, chị Lưu Thị Nga, du khách đến từ Hà Nội vô cùng hài lòng. Chị Nga chia sẻ: "Mình cảm thấy rất tuyệt vời. Lần đầu tiên tôi được chèo thuyền kayzak. Có thể lần đầu tiên ở Cao Bằng có dịch vụ này nhưng khi được chèo và du lịch trên dòng sông thì thực sự cảm giác của tôi rất tuyệt vời".
Du khách đến huyện Trùng Khánh còn có thể khám phá hồ Bản Viết, Khu bảo tồn vượn Cao Vít, thác Thoong Cót, thác Thoong Tắc, đặc biệt là quần thể danh thắng thác Bản Giốc - động Ngườm Ngao, Chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc. Những địa điểm tham quan ở phía Đông tỉnh Cao Bằng vẫn giữ được nhiều nét văn hóa mang đặc trưng của đồng bào Tày, Nùng, như kiến trúc nhà sàn truyền thống, ẩm thực miền sơn cước, vốn văn hóa dân gian… Trong thời gian tới, huyện Trùng Khánh tiếp tục xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư tạo sự đa dạng cho các sản phẩm du lịch.
Ông Đàm Văn Vũ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, cho biết: "Trong những năm gần đâu chúng tôi cũng tập trung xây dựng và triển khai để án phát triển huyện Trùng Khánh. Bước đầu tập trung vào phát triển mở rộng các hoạt động du lịch cộng đồng. Hiện nay chúng tôi tập trung tất cả các nguồn lực để đào tạo cho bà con về những vấn đề liên quan về phát triển du lịch như nấu ăn, nghiệp vụ du lịch và dịch vụ du lịch cộng đồng tại địa phương".
Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, huyện Trùng Khánh có cơ hội lớn về phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch mạo hiểm… Đây sẽ là địa chỉ ngày càng hấp dẫn du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu phong tục tập quán, đời sống của người dân địa phương.