Vào dịp kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng quần đảo Trường sa, huyện Trường sa, tỉnh Khánh Hòa (29/4/1975-29/4/2024), Đoàn công tác số 3 đã thăm, làm việc, tặng quà, động viên quân và dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN sau chuyến tham gia đoàn công tác, ông Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng đoàn công tác số 3, khẳng định những ấn tượng đẹp đẽ về quân và dân trên quần đảo Trường sa đã thôi thúc mỗi người trên đất liền sống và làm việc ý nghĩa hơn.
Ông Nguyễn Thái Học đọc lời tựa của TBT trong sách tặng cán bộ chiến sỹ đảo Song Tử Tây. Ảnh: Thu Hoa/VOV5 |
Phóng viên: Chuyến thăm và làm việc của đoàn công tác số 3 đã góp phần kết nối Trường sa với đất liền như thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Thái Học: Như các phóng viên đã thấy, đời sống của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo Trường sa rất khó khăn. Nhưng khi được hỏi mong muốn, đề nghị của cán bộ, chiến sỹ, nhân dân trên đảo đối với Đảng và Nhà nước là gì thì tất cả chỉ có một câu trả lời đơn giản, mộc mạc và chân thành là mong muốn có nhiều hơn nữa các chuyến thăm từ đất liền tới Trường sa. Như vậy, điều thiếu thốn của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường sa thân yêu của chúng ta là tình cảm, là hơi ấm từ đất liền ra Trường sa.Và như thế thì chuyến đi này, đoàn công tác số 3 đã mang theo sự quan tâm, sự chia sẻ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với Trường sa. Đồng chí Tổng Bí thư đã có sự quan tâm, thăm hỏi và có lời chúc tốt đẹp nhất đến cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên quần đảo. Đồng chí Tổng Bí thư cũng mong muốn trong hoàn cảnh khó khăn như thế thì cán bộ, nhân dân trên quần đảo Trường sa đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn thử thách và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao cho. Những lời thăm hỏi, động viên này là món quà vô cùng có ý nghĩa về mặt tinh thần mà đồng chí Tổng Bí thư dành cho cán bộ, chiến sỹ và quân dân trên quần đảo. Đoàn công tác số 3 trong quá trình thăm, động viên các cán bộ, chiến sỹ, quân dân trên các đảo, đã trực tiếp mang theo tình cảm này gửi đến cán bộ, chiến sỹ và quân dân trên các đảo. Cán bộ, quân dân trên các đảo cũng thể hiện sự xúc động khi đón nhận sự quan tâm này của đồng chí Tổng Bí thư. Các thành viên trong đoàn công tác rất vui khi mang theo tình cảm của đất liền, của người đứng đầu Đảng ta đến quân và dân Trường sa. Những tình cảm này là nguồn cổ vũ, động viên to lớn để cán bộ, chiến sỹ quân và dân Trường sa của chúng ta vững chắc tay súng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ông Nguyễn Thái Học thăm trẻ em ở các lớp học trên đảo Song Tử Tây. Ảnh Thu Hoa/VOV5 |
Phóng viên: Xin ông cho biết những ấn tượng đẹp đẽ của ông và đoàn công tác về quần đảo Trường sa trong chuyến đi này?
Ông Nguyễn Thái Học: Có thể nói là có nhiều ấn tượng. Nhưng ấn tượng sâu sắc nhất là vào giờ phút chia tay giữa các thành viên trong đoàn công tác với quân, dân trên quần đảo Trường sa. Tôi thấy có một cảm xúc rất dâng trào vào lúc đó. 21 giờ đêm, khi đoàn rời đảo Trường sa, chúng ta nhìn xuống cầu tàu và thấy cán bộ, chiến sỹ, quân dân trên đảo, trong đó có những em bé còn nhỏ, vẫn ra cầu tàu để tiễn đoàn công tác. Tôi nhìn thấy những giọt nước mắt đã rơi trên gương mặt các thành viên trong đoàn công tác. Nhìn xuống cầu tàu cũng thấy hình ảnh hết sức xúc động về quân và dân trên đảo Trường sa. Đây là biểu hiện cụ thể nhất của tình cảm quân dân, giữa đất liền với biển đảo. Và điều này cũng diễn tả cảm xúc sau một thời gian hết sức ngắn ngủi cán bộ, quân dân ở đất liền đã hòa làm một cùng cán bộ và quân dân trên đảo, đã cùng sống những khoảng khắc thời gian rất đẹp cùng nhau. Chính vì đẹp như thế, cảm động như thế nên khi chia tay rất bịn rịn, quyến luyến. Sự bịn rịn, quyến luyến này là cảm xúc đẹp trong lòng mỗi người. Điều này cho thấy rằng, người ở lại vẫn có hình ảnh cán bộ, quân dân trên đất liền vẫn luôn hướng về Trường sa, hướng về biển đảo.Còn người đi về đất liền thì vẫn thấy rằng, ở biển đảo vẫn có những người đang làm việc thầm lặng, hy sinh hằng ngày hằng giờ. Và như thế, chúng ta phải sống xứng đáng hơn, làm việc có ý nghĩa hơn khi chúng ta trở về đất liền.
Ông Nguyễn Thái Học thăm hỏi cán bộ chiến sỹ và nhân dân trên đảo Trường sa. Ảnh: Thu Hoa/VOV5 |
Phóng viên: Những dự định của ông sau chuyến đi này là gì thưa ông?
Ông Nguyễn Thái Học: Rõ ràng là qua việc chúng ta đến với Trường sa, chúng ta thấy được trách nhiệm của mỗi một cán bộ, đảng viên và người dân trên đất liền với cán bộ, chiến sỹ, quân dân trên quần đảo Trường sa. Chúng ta đến đây mới cảm nhận được hết trách nhiệm của mình, trách nhiệm lớn nhất của người đang được sống trong đất liền là hướng về biển đảo quê hương, hướng về từng cán bộ, chiến sỹ, từng người dân đang sống trên đảo. Rõ ràng mỗi một cán bộ, chiến sỹ, mỗi một người dân đang sống và làm việc trên đảo đã hy sinh rất nhiều và đang là cột mốc chủ quyền sống giữa biển đảo, ngày đêm làm nhiệm vụ canh giữ chủ quyền biển đảo của quê hương. Như vậy thì trách nhiệm của những người trên đất liền là phải hướng về biển đảo, có những việc làm thiết thực, ý nghĩa để tiếp thêm động lực, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, quân và dân trên đảo hoàn thành nhiệm vụ của mình. Tôi nghĩ rằng, tham gia chuyến đi này, ai cũng để lại những ấn tượng rất sâu sắc. Từ những suy nghĩ, ấn tượng sâu sắc như thế, thì phải có những hành động cụ thể, thiết thực hơn nữa để hướng về biển đảo của Tổ quốc Việt Nam.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn.