Chuyến hải trình đi thăm và động viên cán bộ chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 do Bộ Tư lệnh Hải quân phối hợp với Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao năm 2023 để lại nhiều ấn tượng trong doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển và Đầu tư Đại Sơn, kiều bào Canada. Theo ông, đây là chuyến đi để kiều bào cảm nhận được sự hy sinh của các chiến sĩ hải quân và các lực lượng khác của quân đội nhân dân Việt Nam nơi đầu sóng. Từ đó, bà con kiều bào cần chuyển tải lòng yêu nước thành hành động thực tế, đó là đóng góp xây dựng biển đảo quê hương ngày một vững mạnh hơn. Sau đây, doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc trả lời phỏng vấn về những nội dung này.
Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc, kiều bào Canada. |
Phóng viên: Thưa ông, ông có thể chia sẻ cảm xúc về hành trình ra thăm, động viên quân dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 năm nay?
Ông Nguyễn Hoài Bắc: Theo tôi nghĩ tất cả bà con kiều bào, trong đó có tôi, sau một hải trình 6 ngày 5 đêm xuất phát từ cảng quốc tế Cam Ranh đi tới Trường Sa, cảm nhận được rất nhiều điều thú vị trong chuyến đi này. Bởi vì, khi chưa đến Trường Sa, bà con kiều bào chưa hiểu về Trường Sa, chưa biết được thực tế của các cán bộ, chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam bảo vệ nơi tuyến đầu của Tổ quốc ở ngoài Biển Đông. Nhưng lần này bà con đã nhìn thấy và các thành viên trong đoàn đã nhìn thấy đó là sự hy sinh vô bờ bến của các chiến sĩ hải quân cũng như các lực lượng của quân đội nhân dân Việt Nam, của bà con sống trên đảo.
Ông Nguyễn Hoài Bắc trao quà trong chuyến thăm quân dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Ảnh: Nguyễn Hồng |
Với sự đồng lòng, góp sức của gần 100 triệu người dân trong nước cũng như bà con kiều bào ở 123 quốc gia và vùng lãnh thổ, chúng ta cảm nhận được rằng chủ quyền, quyền chủ quyền của đất nước Việt Nam vẫn được giữ vững. Mặc dù đâu đó vẫn còn những quan điểm, ý kiến trái chiều nhưng họ chưa mục sở thị cho nên vẫn còn có những hiểu lầm về chính quyền của Nhà nước Việt Nam. Nhưng thực tế, chúng ta luôn luôn giữ vững hải đảo. Còn một số những hiện tượng đã xảy ra những năm trước đó là hoàn cảnh của lịch sử. Cho nên chúng tôi hoàn toàn cảm nhận được đất nước Việt Nam luôn luôn muốn làm những việc tốt nhất để bảo vệ từng mét đất biên cương cũng như từng hải lý của biển đảo Việt Nam.
Ảnh: Hồng Lê |
Phóng viên: Trong chuyến đi này, Chuẩn đô đốc Phạm Văn Hùng, Phó tham mưu trưởng Hải quân nhân dân Việt Nam chia sẻ về thực trạng cũng như giải pháp bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới. Ông đánh giá như thế nào về sự kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Việt Nam?
Ông Nguyễn Hoài Bắc: Chúng ta nhìn nhận rằng Biển Đông là vùng biển rất chiến lược cho logistics của cả thế giới. Vấn đề giao thông vận tải, chuyên chở hàng hóa quyết định cho sự phát triển kinh tế. Nói như vậy để hiểu tại sao những vấn đề tranh chấp ở Biển Đông luôn xảy ra trong thời gian vừa qua. Chúng ta thấy Chuẩn đô đốc hải quân Phạm Văn Hùng và trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cùng nhiều người nói về vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, từ trong đất liền ra tới những hòn đảo trên quần đảo Trường Sa mà chúng ta đang nắm chủ quyền.
Ngoài sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam, 100 triệu người dân Việt Nam cùng với 5,3 triệu bà con Việt kiều cùng chung tay, góp sức. Mỗi người đóng góp một chút. Bằng trái tim không đủ mà phải bằng vật chất. Dĩ nhiên ai cũng yêu nước. Yêu nước chỉ bằng lời nói không đáp ứng được vấn đề cần thiết của thế giới đang biến động. Mà yêu nước phải bằng hành động.
Phóng viên: Trong hải trình này, điều ấn tượng nhất đối với ông là gì và trong các hoạt động của đoàn, ông nhận thấy sự gắn kết đại đoàn kết dân tộc đã được thể hiện như thế nào?
Ông Nguyễn Hoài Bắc: Trong chuyến hành trình này có rất nhiều ấn tượng và ấn tượng lớn nhất tùy theo cảm nghĩ của mỗi con người.
Với riêng cá nhân tôi, ấn tượng đầu tiên là được đến nơi đảo xa của Tổ quốc, đã được đến Trường Sa, gặp người dân trên đảo.
Đoàn công tác số 4 năm 2023 tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: Vũ Đình Thắng. |
Trên hành trình, tôi còn có một ấn tượng là khi tàu tới khu vực đảo Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin. Tàu dừng lại và làm lễ tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh năm 1988. Tôi thấy tất cả những người trên tàu đều thành kính. Trong đoàn có các tăng sư và những người có đạo hay không có đạo đều chắp tay nguyện cầu cho linh hồn của các anh hùng liệt sĩ trong trận chiến Gạc Ma đã hy sinh cùng với những ngư dân đã tử vong vì tai nạn trên biển. Một lễ tưởng niệm mặc dù không đầy đủ như trong đất liền nhưng cũng đầy đủ những thứ cần thiết theo truyền thống cổ truyền của dân tộc. Khi làm lễ xong, tôi cảm động hơn nữa là tàu 571 hú lên tiếng còi tàu như cầu mong siêu độ cho các anh hùng liệt sỹ và người dân đã chết trên biển. Tiếp nối ngoài xa, có một tàu đỗ cạnh cũng kéo lên những hồi còi đồng cảm với nhau, để cùng chia sẻ. Đó là những kỷ niệm.
Đất nước Việt Nam có nhiều những truyền thống mà các nước khác không thể có được. Khi lên tới Trường Sa, sau khi thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn tăng lữ cùng với lãnh đạo đoàn và bà con kiều bào vào trong chùa làm lễ cầu siêu, siêu độ cho tất cả những người đã ngã xuống để bảo vệ quần đảo Trường Sa và những người đã chết trên biển cả. Điều đó chứng tỏ rằng đất nước chúng ta luôn luôn mở rộng tôn giáo. Đất nước chúng ta không cấm đoán tôn giáo. Chỉ cần tôn giáo đó phát huy truyền thống tốt đạo đẹp đời thì tất cả đều là tốt. Đó là những điều tôi cảm thấy ấn tượng.
Phóng viên: Trên hải trình này, chúng ta được tham gia rất nhiều buổi văn nghệ, gặp gỡ giao lưu trò chuyện, ông có cảm xúc như thế nào và ông thấy sự gắn kết hải trình này đã tạo nên một sợi chỉ đỏ xuyên suốt để gắn kết mọi người ra sao?
Ông Nguyễn Hoài Bắc: Tôi là doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam. Thời gian của tôi hạn hẹp. Chuyến hải trình lần này chỉ có 7 ngày nên tôi có thể tham gia. 7 ngày đó lênh đênh trên biển, không liên lạc được với đất liền và không làm được những việc mình cần phải làm. Nhưng 7 ngày đó, lúc trên tàu và khi trên đảo, đoàn kiều bào cũng như tất cả những thành viên trong đoàn có nhiều cảm xúc khác nhau. Chúng ta tổ chức các buổi văn nghệ để tôn vinh những người anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống và để ghi nhận công ơn của những người đang sống, chiến đấu phục vụ tại nơi đây. Chúng ta đang chạm tới nhau, chạm bằng trái tim, đó là sợi chỉ xuyên suốt giữa con người và con người. Có một điều quan trọng mà bất cứ một quốc gia nào muốn tồn tại đều cần đến. Đó là văn hóa còn, dân tộc còn. Và nơi nào, con người Việt Nam vẫn còn nói tiếng Việt Nam vẫn còn sử dụng chữ viết Việt Nam là đất nước Việt Nam đang có mặt tại nơi đó.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông.