Mảnh đất võ Tây Sơn, với gió biển và những con người hào hiệp, cũng là nơi có nhiều món ăn đặc biệt như bún chả cá, bánh hỏi thịt heo, nem chua và nhất là bánh xèo với cái tên rất ngộ nghĩnh: Bánh xèo tôm nhảy.
Nghe âm thanh tại đây:
Nhiều lần về Bình Định công tác, nhưng lại rất ít khi tôi có dịp thưởng thức bánh xèo. Cũng bởi món bánh này, nhiều năm nay, ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hoặc một số vùng miền khác đã có. Tuy vậy, bánh xèo Bình Định khác hẳn. Tôi còn nhớ mãi hương vị của món bánh xèo mà bác tôi ở phường Đập Đá, thị xã An Nhơn đổ khi tôi mới khoảng 10 tuổi. Và chuyến công tác mới đây, tôi quyết định ghé quán Gia Vĩ 2, quán bánh xèo đầu tiên ở thành phố Quy Nhơn mà nhiều người ca ngợi.
Ông Tạ Văn Minh, chủ quán bánh xèo |
Chủ quán là ông Tạ Văn Minh người gốc Tuy Phước, quê hương của món bánh xèo Bình Định. Nhiều năm trước, ông Minh quyết định mang món ăn này tới Quy Nhơn lập nghiệp. Chỉ một thời gian ngắn sau khi mở quán, bánh xèo của ông Minh đã được người dân và du khách ở nhiều vùng miền biết đến. Có lẽ, điều hấp dẫn họ đầu tiên là ở cái tên “ Bánh xèo tôm nhảy”. Hỏi ông vì sao có tên như vậy, ông Minh thú vị chia sẻ: khá nhiều thực khách tới ăn cũng hỏi câu này và ông trả lời họ như thế này: “Tôm nhảy là tôm tươi 4h, 5 h sáng họ mang tôm sống đến mình làm. Bỏ đầu đuôi. Nhiều người khách ăn hỏi tôm nhảy là sao mình giải thích tôm nhảy là tôm tươi”.
Đĩa bánh xèo được bưng ra, thơm phức, vàng uôm, mùi thơm của gạo với những con tôm đỏ hồng, dùng kéo cắt từng miếng nghe giòn tanh tách. Lại một điểm khác biệt nữa so với bánh xèo ở các nơi khác, đó là bí quyết pha bột. Ông Minh không ngần ngại chia sẻ: “Đúng ra giòn là nhờ bột bắp. Nhiều khách phân vân sợ bỏ hóa chất bột giòn, nhưng tôi nói yên tâm. Để bột như vậy là gạo phải ngâm bao nhiêu tiếng rồi xay, quan trọng là pha chế, bao nhiêu bột gạo ở siêu thị, bao nhiêu gạo của mình, bao nhiêu bột bắp. Bấy giờ mới giòn”.
Món bánh xèo muốn ngon và ăn không ngán phải do nước chấm ngon. Quán cũng phải phục vụ từng nhu cầu của thực khách thích ăn bánh xèo loại gì. Ông Minh cho biết:“Cái này theo yêu cầu của khách. Nhiều khách thích ăn giòn nhiều người thích ăn vừa. Khách vào mình hỏi luôn thích giòn hay vừa. Nước chấm chỉ có gia đình nấu. Pha bột gia đình pha. Nước mắm bao nhiêu lít nước mắm, bao nhiêu nước, đường đun bao nhiêu lâu rồi mới pha chế, hành ớt, chanh”.
Đứng nhìn các nhân viên thoăn thoắt vừa đổ dầu, đổ bột và cho thịt bò để làm bánh xèo bò, khuôn khác thì làm bánh xèo tôm, cho dầu, tôm rồi đổ bột, chờ hơi chín cho hành vào, chút giá đến khi giòn thì bắc xuống, rồi khuôn thì đổ bánh xèo trứng… mới thấy để có được một món ăn ngon phải qua khá nhiều công đoạn. Tranh thủ hỏi chuyện chị Nguyễn Thị Thu Hiền, nhân viên chạy bàn quê ở Ninh Thuận, tôi được biết, Hiền vào làm thêm để đi học nhưng một điều nữa là cũng rất thích món ăn này. Bánh xèo mỗi nơi một khác và khẩu vị của khách cũng khác nhau, nhưng với chị Hiền, có lý do để khách đến quán đông:“Ninh Thuận bánh xèo ăn với mắm đậu, ở đây mắm chấm, bánh xèo ở đây giòn hơn, rau tôm ăn có cảm giác khó so sánh nhưng lâu ngán hơn.Khách Hà Nội quay lại vài lần nhưng khẩu vị của người Bắc ăn mặn hơn nên phải ăn thêm mắm nguyên chất. Nhìn chung, khách thấy bánh xèo ngon”.
Khó có thể tả được vì sao khách thích thú với món ăn này, nhưng chỉ thưởng thức một miếng bánh giòn rụm, với nước chấm chua chua cay cay, những con tôm ngọt lịm cùng với chút rau xà lách, quế, rau dăm, cải, dưa chuột….mới thấy được người làm đã đổ biết bao nhiêu tâm huyết và tinh thần vào món bánh. Ông Minh cho biết, ngày thường có vài trăm khách, tập trung vào buổi chiều tối Ngày nghỉ, ngày lễ, quán cũng nhận được nhiều đơn đặt hàng.
Hiện tại, tại thành phố Quy Nhơn, gia đình ông có 2 quán bánh xèo và quán nào cũng rất đông khách. Tiếng lành đồn xa. Ngay từ khi mới mở quán, cho dù quán ông Minh bán bánh xèo có giá cao hơn những nơi khác nhưng thực khách vẫn tìm đến. Quả đúng như tên gọi bánh xèo tôm nhảy, mỗi chiếc bánh được làm ra mang đậm hương vị của vùng biển, để thực khách thưởng thức một lần rồi sẽ nhớ mãi.