Tết cổ truyền ở mỗi địa phương, mỗi dân tộc đều có sự độc đáo, riêng có. Tết với người dân tộc Tày ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh cũng có những phong tục, tập quán rất riêng, Vào ngày 25 đến 28 tháng chạp, các gia đình thường gói bánh chưng nhưng ngoài bánh chưng dài bình thường, người Tày còn gói thêm “bánh chưng bố”, “bánh chưng mẹ”.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Người Tày gói nhiều bánh chưng để dùng suốt trong dịp Tết. Họ quan niệm khi nào hết bánh chưng thì mới hết Tết. Ngoài gói bánh chưng dài, một số dòng họ người Tày còn gói thêm “bánh chưng bố” (bánh tròn như quả bóng) và “bánh chưng mẹ” (bánh dài). Tùy theo từng dòng họ mà có cách gói khác nhau. Công việc chuẩn bị và gói bánh đều do các mẹ, các chị đảm đương.
“Bánh chưng bố” và “bánh chưng mẹ” thường có kích cỡ lớn hơn những chiếc bánh chưng dài bình thường (nếu như gói bánh chưng thường khoảng 3 bát gạo thì khi gói “bánh chưng bố”, “bánh chưng mẹ”, số lượng gạo sẽ gấp đôi). Ngoài ra, một số người quan niệm mỗi 1 bát gạo tượng chưng cho 1 tháng, do đó khi gói “bánh chưng bố”, “bánh chưng mẹ”, họ sẽ cho 12 bát gạo. Việc gói “bánh chưng bố”, “bánh chưng mẹ” đòi hỏi kĩ thuật cao và khéo léo hơn. Việc này thường do những người có kinh nghiệm gói bánh lâu năm thực hiện.
Gia đình cùng quây quần gói bánh chưng đón Tết. Ảnh: Hoàng Cường |
Ông Lương Thiêm Phú, thôn Chang Nà, thị trấn Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, cho biết chiếc "bánh chưng bố" có nhân là 1 con cá suối, còn nhân của "bánh chưng mẹ" là 1 quả trứng gà:
"Chỉ bánh chưng bố, bánh chưng mẹ mới có những loại nhân đặc biệt như vậy, còn những cái khác thì gói bình thường. Đến Tết, các nhà gói 2 cái bánh đặc biệt này. Cá để làm nhân bánh phải là loại cá suối có vẩy màu trắng."
Bà Lý Thị Hoa, khu Bình Công 2, thị trấn Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, cho biết người Tày quan niệm, cá là biểu tượng cho nguồn nước và sự no đủ, thịnh vượng. Còn trứng gà tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở. Gói “bánh chưng bố”, “bánh chưng mẹ” để dâng cúng tổ tiên cũng là một cách thể hiện lòng thành kính của con cháu và cầu mong cho mùa màng bội thu: "Bánh bố, bánh mẹ ở đây cũng tùy dòng họ mới gói, chứ không phải nhà nào cũng gói. Người Tày quan niệm, cá tượng trưng cho sự mạnh mẽ bơi ở sông lớn nên làm nhân cho bánh chưng bố. Khi mở bánh ăn thì cũng phải xem ngày, mời anh em họ hàng cùng bà con lối xóm đến cùng ăn. Người Tày ở Bình Liêu vẫn duy trì được bánh chưng nhân cá trong ngày Tết từ bao đời nay."
Cận cảnh một cặp “bánh chưng bố”, “bánh chưng mẹ”. Ảnh: baoquanginh.vn |
Bánh chưng gói xong, chiều 30 Tết sẽ được dâng lên bàn thờ tổ tiên cúng. Sau Tết, "bánh chưng bố", "bánh chưng mẹ" được hạ xuống, mọi người quây quần cùng thưởng thức. Nếu có khách đến, chủ nhà sẽ mời khách cùng ăn, người nào ngẫu nhiên được ăn bánh của 3 nhà thì coi như cả năm đó gặp nhiều may mắn.
Ông Tô Đình Hiệu, Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Bình Liêu, cho biết: "Ngày xưa, bánh chỉ lấy cá làm nhân, bây giờ thì thường cho thêm miếng thịt lợn và lá “kim poong” (lá kim lông) để nhân bánh có màu đỏ trông bắt mắt. Bánh chưng bố, bánh chưng mẹ được bày trên bàn thờ tổ tiên đến sau ngày rằm tháng Giêng mới đem luộc lại rồi mời anh em, hàng xóm đến cùng nhau ăn để lấy may mắn cả năm."
Huyện Bình Liêu có 96% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, dân tộc Tày là đông nhất, chiếm gần 55% dân số của huyện.
Văn hoá truyền thống của người Tày có nhiều nét đặc sắc, trong đó có những phong tục độc đáo dịp Tết Nguyên đán. Trải qua quá trình lịch sử, người Tày nói chung và người Tày ở Bình Liêu nói riêng vẫn giữ gìn được bản sắc, nét văn hóa độc đáo này. Bên cạnh các phong tục như dựng cây nêu, dán giấy đỏ lên bàn thờ, cửa chính, cửa bếp và chuồng trại, vật dụng, cây cối, nghi lễ lấy nước… thì việc dâng cúng tổ tiên bằng những chiếc “bánh chưng bố”, “bánh chưng mẹ” là nét văn hóa độc đáo riêng có của đồng bào dân tộc nơi đây.
Ngày nay, dù cuộc sống có nhiều thay đổi, đồ ăn thức uống và các loại bánh trái cũng phong phú hơn nhưng người Tày ở Bình Liêu, Quảng Ninh vẫn gói "bánh chưng bố", "bánh chưng mẹ" trong những ngày Tết. Giữ gìn những nghi thức, phong tục đẹp của dân tộc không chỉ tỏ lòng biết ơn của con cháu đối với các bậc tiền nhân mà còn là niềm tự hào về vốn văn hóa giàu bản sắc của người Tày ở Bình Liêu.