Bánh răng bừa- món quà dân dã của làng quê bắc bộ

Chia sẻ
(VOV5) Nhắc đến làng Phụng Công, Văn Giang, Hưng Yên, nhiều người biết đó là làng nổi tiếng trồng cây cảnh. Nhưng còn có một sản phẩm nữa cũng nổi tiếng không kém, đã tồn tại hàng trăm năm qua, đó là món bánh tẻ mà người dân ở đây quen gọi là với cái tên khá lạ- bánh răng bừa, bởi chiếc bánh mang hình thù như chiếc răng bừa.

(VOV5) Nhắc đến làng Phụng Công, Văn Giang, Hưng Yên, nhiều người biết đó là làng nổi tiếng trồng cây cảnh. Nhưng còn có một sản phẩm nữa cũng nổi tiếng không kém, đã tồn tại hàng trăm năm qua, đó là món bánh tẻ mà người dân ở đây quen gọi là với cái tên khá lạ- bánh răng bừa, bởi chiếc bánh mang hình thù như chiếc răng bừa.

 Bánh răng bừa-  món quà dân dã của làng quê bắc bộ - ảnh 1

 Ảnh: Internet

 

 

 

 

Nằm cách thủ đô Hà Nội 12 km về phía Đông Nam, trước đây, vào mùa lễ hội, giỗ, Tết hay đám cưới hỏi, cả làng Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên lại âm vang tiếng chày giã bột, một kỹ thuật làm bánh răng bừa hoàn toàn thủ công đã tồn tại ở nơi đây từ khi nào, những người có thâm niên lâu năm trong làng cũng không nhớ rõ. Và tới ngày hôm nay, tiếng lành đồn xa, sản phẩm bánh răng bừa Phụng Công được người tiêu dùng biết đến không chỉ trong dịp lễ tết như một thứ sản vật biểu trưng, vừa ngon miệng vừa đẹp mắt. Anh Phạm Đình Quý, một người con của làng Phụng Công chia sẻ: “Ở Hưng Yên, bánh này có đặc thù riêng của nó. Đó chính là gạo của Hưng Yên, nhân, cách pha chế bột, thậm chí cả cách luộc, cách hướng dẫn khách ăn. Ăn bánh của Hưng Yên bao giờ cũng có cảm giác giòn, dẻo, dai, rất là khác”.

Gạo làm bánh ở Phụng Công là gạo tám xoan, hay tám lim, được ngâm trong nước từ 3-4 tiếng, vo sạch, sau đó đem xay nhuyễn thành bột. Bột xay rồi được đem quấy đều trên bếp than hồng đến độ chừng bảy phần chín thì bắc ra, tiếp tục quấy đều tay cho nhuyễn dẻo, người trong nghề gọi là giáo bột, rồi tãi ra mâm cho bột nguội hẳn mới tiến hành gói.     

Nhân bánh gồm thịt mông sấn thái nhỏ hạt lựu, hành củ, nước mắm, cà cuống, mì chính, trộn lẫn cho vào chảo đảo đều, chín tới bắc ra, mộc nhĩ, hạt tiêu, dọc hành thái nhỏ đổ vào trộn lẫn. Trong từng công đoạn làm bánh, người Phụng Công khá cầu kỳ và tỉ mỉ. Lá để gói bánh là lá dong được trồng ở vùng đất phù sa ven sông Hồng, mềm dai và có mầu xanh khác hẳn với lá dong có một mầu xanh mướt. 

 Bánh răng bừa-  món quà dân dã của làng quê bắc bộ - ảnh 2

 Ảnh: Internet

 

 

 

 

Bánh tẻ thường nhỏ nhắn nên chỉ cần loại lá dong vừa độ, không to quá, không nhỏ quá, rửa sạch rồi hong nắng cho ráo nước, cũng là để cho tàu lá mềm mại, khi gói không bị rách mà lại chặt tay bánh. Bánh gói xong cho vào luộc, điều cần lưu ý ở đây là, luộc bánh tẻ phải chờ nước sôi thì mới cho bánh vào luộc. Có lẽ đây cũng là một trong những cách thức chủ yếu để làm cho chiếc bánh thơm ngon, vừa ráo tay khi chín tới, lại vừa róc bánh khi ăn. Bánh gói xong phải có được hình dáng giống cái răng bừa, ở giữa phình ra, hai đầu thu nhỏ lại. Để biết chính xác có đúng là sản phẩm bánh răng bừa của người Phụng Công hay không, anh Quý cho biết kinh nghiệm thử độ dai và độ dẻo của chiếc bánh răng bừa quê anh: “Bánh khác sau khi để nguội bóc ra là bánh đã bị bở. Còn bánh này có thể uốn cong hai đầu của bánh cũng được. Bánh không bị đứt, không bị vỡ. Đấy là cách để người ăn thử bánh xem có ngon hay không”.

Anh Quý kể, ở làng Phụng Công giờ chỉ còn khoảng chục nhà làm loại bánh này. Sản phẩm “bánh răng bừa Thắng Hường” của gia đình anh  từ lâu đã là một địa chỉ quen thuộc của khách hàng gần xa. Năm 2005, "Bánh răng bừa Thắng - Hường" đã vinh dự nhận huy chương vàng và danh hiệu đầu bếp tài ba tại hội chợ mùa xuân và liên hoan văn hoá ẩm thực làng quê năm 2005 được tổ chức tại Hà Nội. Đây là phần thưởng xứng đáng cho sự cố gắng miệt mài của những người thợ tài hoa. Anh Phạm Đình Quý tâm sự, đã từ lâu anh ấp ủ ước mơ thành lập một công ty chuyên phân phối bánh của quê hương cho các tỉnh, thành trong cả nước để thương hiệu bánh Răng bừa sẽ được truyền tụng và giữ mãi hương vị đặc sắc của làng quê. Và cơ hội đó cũng đến. “Khi công tác tại công ty văn hoá doanh nhân, trong một buổi lễ ra mắt có rất nhiều trung tâm các tỉnh về dự, và trong những buổi tiệc đứng, đã chọn bánh này. Tôi thấy  bất ngờ vì không một bữa tiệc nào còn bánh, thậm chí thiếu. Tôi nghĩ tại sao lại không cho đấy là một món ăn đặc sắc. Tôi nghĩ cái chính là làm thế nào để chất lượng bánh đến được người ăn tại nhà họ như họ tự làm.  Tôi đã quyết định thành lập công ty và phân phối tại HN”, anh Quý cho biết thêm.

Công ty TNHH Phú Quý do anh Phạm Đình Quý làm giám đốc đã ra đời từ đầu năm 2006. Ngay tháng đầu tiên đi vào hoạt động, công ty đã bán được 3 vạn chiếc. Từ khâu cung ứng bánh đến khi cung cấp tới tận nhà cho khách hàng, tất cả đều theo quy trình. Tín hiệu đáng mừng là khách hàng thưởng thức đều khen ngon và rẻ. Bởi chỉ với giá 1.000đ, với số lượng từ 30 chiếc trở lên, nhân viên sẽ mang bánh tới tận nhà cho thực khách trong điều kiện bánh nóng hôi hổi. Chị Đỗ Thị Hường, nhân viên của công ty cho biết: “Em có thể bán hàng hoặc đưa hàng đến tận nơi cho khách. Em thấy bánh này rất ngon và hợp khẩu vị nhiều người. Chất lượng bánh tương ứng bánh tẻ nhưng mùi vị thơm ngon hơn.  Bán được khá nhiều. Bọn em liên tục mang lên”.

Sau khi bánh chín, dỡ ra, bày lên đĩa, chỉ nhìn thôi cũng đủ ứa nước miếng và háo hức đợi chờ thưởng thức hương vị mộc mạc của làng quê VN. Nếu ai đã một lần được nếm thử, hẳn rằng sẽ nhớ mãi vị thơm ngon, bùi béo của món quà dân dã mà giàu lòng thơm thảo của người Phụng Công muốn dành cho thực khách./.

                                                                                                                  Ngọc Linh