Thông tin về ảnh hưởng của cơn bão Yagi cùng một số nội dung về đời sống, xã hội của Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) - Các thính giả quan tâm tới Kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Đài TNVN, thông tin về khắc phục hậu quả bão Yagi.

Tuần qua, gửi thư về chương trình, thính giả chia sẻ những tổn thất về người và tài sản của các  tỉnh miền bắc của Việt Nam do ảnh hưởng của cơn bão Yagi. Thính giả cũng mong muốn được thông tin về một số lĩnh vực đời sống, xã hội của Việt Nam. 

Nghe âm thanh tại đây:
 

Chào quý vị, chào các bạn,

Trong tuần, thính giả ở khắp nơi gửi thư tới các chương trình, chia sẻ với nhân dân Việt Nam tại các vùng đang chịu thiệt hại do bão Yagi gây ra.

Thính giả Jose Saquimux, ở Guatemala viết:“Tôi xin bày tỏ tình đoàn kết của tôi với nhân dân Việt Nam. Tôi xin chia buồn với các nạn nhân. Mong đất nước các bạn phục hồi nhanh chóng và hoàn toàn”. Thính giả Juan Diez, thính giả thân thiết của VOV ở Santander, Tây Ban Nha chia sẻ: “Thiệt hại của cơn bão ở Việt Nam thực sự là một thảm kịch. Tôi muốn gửi quyên góp trực tiếp cho VOV”.

Thính giả Sun Phol, Sok Heng, từ Campuchia, chia sẻ với người dân Việt Nam trước những thiệt hại về người và tài sản mà cơn bão Yagi gây ra. Thính giả Vicentiu Gheorghe gửi thư từ Rumani cảm phục những nỗ lực ứng cứu khẩn cấp của các tình nguyện viên và tất cả những người đang tham gia cứu trợ. Các thính giả từ Pháp cũng mong muốn nhân dân Việt Nam sẽ cùng nhau vượt qua khó khăn này.

Trên sóng phát thanh và trên trang web của Đài tiếng nói Việt Nam, Ban Đối ngoại  đều tiếp tục tập trung phản ánh các hoạt động cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai. Các phóng viên cơ quan thường trú, các cộng tác viên hằng ngày cập nhật tình hình về việc  ủng hộ của cộng đồng người Việt tại các nước.

Cộng đồng người Việt ở nước ngoài không chỉ quyên góp, mà còn trực tiếp về Việt Nam trao hàng hóa, tiền mặt ủng hộ cho bà con. Các biên tập viên hằng ngày kết nối với các thính giả kiều bào để tiếp nhận thông tin về hoạt động quyên góp.

Cùng với chủ đề bão lụt, các thính giả vẫn tiếp tục gửi lời chúc nhân Kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Đài TNVN.

Thính giả Sou Sambath, từ Campuchia, gửi lời chúc mừng 79 năm thành lập Đài TNVN: “Xin chúc VOV ngày càng phát triển và không ngừng kết nối Việt Nam với bạn bè quốc tế”. Thính giả Armando Francisco Higuera del Reyo, ở Mexico, chia sẻ: “Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 1945, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và Ban Đối ngoại( VOV5) đã trở thành một phương tiện truyền thông đặc biệt với thế giới. Sự phát triển của VOV và VOV5 thật đáng ngưỡng mộ”.  

Một số thính giả từ Câu lạc bộ bạn nghe đài của Ấn Độ gửi báo cáo bắt được sóng của Đài TNVN. Các thính giả bày tỏ sự thú vị về các chương trình luôn đổi mới nội dung và hình thức. Các thông tin cập nhật liên tục và được truyền tải ở nhiều góc độ khác nhau với sự tương tác với công chúng. Nhiều chuyên mục của Ban Đối ngoại nói chung và chương trình việt kiều nói riêng cũng được thính giả quan tâm như kinh tế, đời sống xã hội, sức khỏe, người Việt muôn phương, tạp chí văn nghệ, giai điệu quê hương…Thính giả cũng đăng bình luận về các bài viết mong muốn được kết nối với các doanh nghiệp  làng  nghề, các hội đoàn người Việt tại Hàn Quốc, hỏi về việc hỗ trợ cho các cô dâu Việt ở Đài Loan (Trung Quốc).

Quý thính giả thân mến, phần trả lời yêu cầu của thính giả, chương trình nêu câu hỏi của  thính giả Ratan Kumar Paul, ở Ấn Độ, mong muốn tìm hiểu về các bức tượng lớn nhất Việt Nam.

Nằm trên đỉnh núi Cấm, tượng Phật Di Lặc tại An Giang được xem là công trình tượng Phật ấn tượng bậc nhất tại miền Tây  Nam Bộ của Việt Nam. Tọa lạc ở độ cao khoảng 710 m so với mặt nước biển, tượng Phật Di Lặc có chiều cao là hơn 33 m, diện tích bệ tượng 27x27 m. Đại tượng Phật Di Lặc trên núi Bà Đen, Tây Ninh cao 36 m, chiều rộng lớn nhất là 45 m, diện tích bề mặt tượng lên tới  4.600 m2 và nặng hơn 5 ngàn tấn. Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát tại chùa Linh Ứng, Đà Nẵng không chỉ thu hút du khách bởi quy mô đồ sộ và vẻ đẹp tâm linh mà còn bởi khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ xung quanh. Tượng Phật Thích Ca tại Chùa Khánh Hội, tỉnh Bình Dương là tượng phật nằm dài nhất Việt Nam (dài 52 m), biểu tượng của sự thanh thản và giải thoát. Tại chùa Bái Đính, Ninh Bình, tượng Phật Thích Ca bằng đồng dát vàng với quy mô ấn tượng cao 10 m, nặng 100 tấn. Tượng Phật A Di Đà tại Chùa Phật Tích, Bắc Ninh, ngồi uy nghi trên đài sen, trong tư thế thiền định, tỏa sáng giữa không gian thanh bình.

Thính giả người Nhật Bản Suzuki Tadashi gửi thư bày tỏ mong muốn được tìm hiểu về các làng nghề truyền thống đặc trưng của Việt Nam

Làng nghề truyền thống của Việt Nam có rất nhiều ở các tỉnh thành trong cả nước. Có thể kể tới một số làng nghề nổi tiếng như làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc ở Hà Nội; Làng sơn  mài Cát Đằng, ở Nam Định; Làng thêu Văn Lâm, ở Hưng Yên; Làng tranh Đông Hồ, ở Bắc Ninh; Làng đá mỹ nghệ Non Nước, ở Đà Nẵng; Làng cao Cau Nhân ở Hải phòng.

Trong chương trình hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu về làng nghề lụa Vạn Phúc, Hà Nội.  Làng lụa Vạn Phúc là 1 trong những làng nghề dệt lụa nổi tiếng bậc nhất Việt Nam. Đây là làng nghề dệt lụa truyền thống đã được công nhận là kỷ lục “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất vẫn còn duy trì hoạt động đến ngày nay” do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã trao tặng. Hơn nữa, làng lụa Hà Đông cũng là 1 điểm đến hấp dẫn cả du khách trong và ngoài nước.

Hiện nay, lụa Vạn Phúc có gần 800 hộ gia đình làm nghề dệt lụa, chiếm gần 60% trên tổng số hộ sinh sống tại nơi đây. Mỗi năm, làng tơ lụa Vạn Phúc Hà Đông đã sản xuất khoảng 2,5 đến 3 triệu mét vuông vải, tương đương với 63% doanh thu của toàn bộ làng nghề. Ngày nay, sản phẩm làng lụa Vạn Phúc đã biến tấu trở nên vô cùng đa dạng với nhiều mẫu mã, chủng loại khác nhau: mây bay, long phượng, đũi hoa, vân thọ đỉnh, tứ quế... Hình dạng hoa văn trên lụa đã được thể hiện dưới đôi tay điêu luyện và óc nhìn tinh tế, sáng tạo của người nghệ nhân lụa Vạn Phúc. Nhờ thế, những sản phẩm lụa mới phong phú, độc đáo và tính thẩm mỹ cao đến như vậy. Với những đặc tính nổi bật, thế nên, lụa Vạn Phúc  luôn được chọn làm quà tặng cho người thân và bạn bè khi du khách về đây.

Feedback