Tuần qua, trong thư gửi về chương trình, thính giả khắp nơi chúc mừng Quốc khánh Việt Nam 2/9, ngày thành lập Đài TNVN 7/9; thông tin về nhạc cụ dân tộc Việt Nam.
Nghe âm thanh tại đây:
Chào quý vị, chào các bạn,
Tuần qua, các chương trình của Ban Đối ngoại nhận được nhiều thư chúc mừng nhân dịp Quốc khánh 2/9 và 79 năm ngày thành lập Đài TNVN. Tình hình bão lụt cũng là nội dung thịnh giả quan tâm.
Thính giả Sou Sambath, Sun Phol, từ Campuchia, chúc mừng Quốc khánh Việt Nam. Các thính giả viết:“Xin chúc đất nước Việt Nam ngày càng phát triển, nhân dân Việt Nam luôn luôn ấm no, hạnh phúc. Chúc cho quan hệ Campuchia – Việt Nam vượt qua mọi thử thách, vững bước tiến về tương lai. Hoặc“Qua trang tin tức của VOV5, tôi được biết thêm về những thành tựu mà đất nước và nhân dân Việt Nam giành được trong chặng đường 79 năm qua. Hay“Tôi ấn tượng với hình ảnh đông đảo người dân tập trung ở Quảng trường Ba Đình để dự lễ thượng cờ sáng ngày 02/09. Người Việt ở khắp nơi trên thế giới cũng tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm ngày Quốc khánh, hướng về quê hương, đất nước”.
Thính giả người Pháp, Maguy Roy, viết:“Chúng tôi chúc đất nước các bạn luôn duy trì được sự dũng cảm, bền bỉ và quyết tâm vươn lên, đồng thời kết hợp hài hòa giữa tiến bộ, dân chủ và độc lập trong bối cảnh thế giới nhiều biến động hiện nay”. Thính giả Evgeny Kornykhin, ở Nga, gửi thư với nội dung:“Chúc mừng Quốc Khánh Việt Nam. Tôi đã nghe phóng sự về giáo sư nông nghiệp và các bản hùng ca về chiến thắng vẻ vang của nhân dân Việt Nam”.
Trong thư gửi, thính giả Đinh Lộ, Trương Hàn Văn, từ Trung Quốc viết có đoạn:“Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một đất nước hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, thịnh vượng và nước mạnh". Nhắc đến Đài TNVN, Đinh Lộ cho biết:“Trong 79 năm qua, các chương trình phát thanh đối ngoại của Đài TNVN đã được không ngừng phát triển để phù hợp hơn với sở thích của khán giả đại chúng". Các thính giả từ Peru, Tây Ban Nha, Mexico cũng gửi thư chúc mừng Quốc khánh và ngày thành lập Đài TNVN và các chương trình tiếng của Ban Đối ngoại. Một thính giả viết “Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng của độc lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh đại diện cho nhân loại”. Từ Venezuela, thính giả Luis Matute chia sẻ:"Thay mặt các học viên tốt nghiệp khóa tiếng Việt đầu tiên tại Cộng hòa Bolivar Venezuela,chúng tôi xin gửi lời chúc mừng đến các chàng trai, cô gái, và toàn thể nhân dân Việt Nam".
Trên trang web, cùng với các thông tin và hình ảnh về Ngày Quốc khánh của người Việt ở các nước, là những hình ảnh về cộng đồng người Việt dõi theo tình hình trong nước sau khi bão Yagi (bão số 3) đổ bộ vào Việt Nam. Thông tin về sự ảnh hưởng của bão, tình hình lũ lụt khắc phục hậu quả cũng được cập nhật liên tục.
Nhiều thính giả hỏi, Việt Nam thường bắn pháo hóa vào những dịp đặc biệt nào? Ngày 2/9 năm nay, Việt Nam có bắn pháo hoa trên cả nước không?
Việt Nam thường bắn pháo hoa vào những dịp đặc biệt, những ngày lễ lớn, kỷ niệm của dân tộc. Đó là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 và mùng 1/5, Ngày Quốc khánh 2/9, Giải phóng Thủ đô 10/10, Chào năm mới, Tết Nguyên Đán…Năm nay, những thành phố của Việt Nam chính thức thông báo tổ chức bắn pháo hoa dịp Quốc khánh là thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận. Ở cấp huyện, thị xã, nhiều nơi cũng tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp nhân dịp Quốc khánh vừa qua.
Quý thính giả thân mến, từ Nagano, Nhật Bản, thính giả Hideyuki Kobayashi muốn được nghe giới thiệu về nhạc cụ dân tộc của Việt Nam.
Nền âm nhạc Việt Nam rất phong phú và đa dạng với nhiều loại nhạc cụ, trong đó một số nhạc cụ dân tộc của Việt Nam được thế giới biết đến và yêu thích. Đàn nguyệt còn được gọi là đàn kìm, là loại đàn được sử dụng rộng rãi trong dòng nhạc dân gian cũng như cung đình cổ truyền của người Việt. Đàn nguyệt có mặt cả trong những buổi hòa tấu trang nghiêm, những buổi hát văn lôi cuốn cũng như những cuộc hòa tấu thính phóng trang nhã.
Đàn tranh có hình hộp dài, khung đàn hình thang dài khoảng 110 đến 120 cm. Dây đàn bằng kim loại với các kích cỡ dây khác nhau. Khi biểu diễn, nghệ nhân hay đeo 3 móng vào ngón cái, trỏ, giữa để gẩy. Đàn Tranh thường được dùng để độc tấu, hòa tấu, đệm cho ngâm thơ, hát, trong các dàn nhạc tài tử, dàn Nhã nhạc, phường Bát Âm và các dàn nhạc dân tộc tổng hợp. Đàn nhị có mặt ở Việt Nam từ rất lâu đời và đã trở nên gần gũi, thân quen với người dân Việt Nam. Đàn nhị đã đóng góp một vai trò vô cùng quan trọng và không thể thiếu trong các dàn nhạc dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay.
Đàn Bầu còn có tên khác là độc Huyền Cầm vì có 1 dây. Âm thanh của Đàn Bầu ngọt ngào, sâu lắng, đậm tình người. Không chỉ người Việt Nam, mà bất cứ ai khi nghe tiếng đàn bầu thì chắc hẳn sẽ bị cuốn hút bởi những giai đoạn ngân nga, ngọt ngào, quyến rũ đến khó có thể nói thành lời. Đàn Nhị có hai dây vì nhị là hai. Đàn Tam có 3 dây. Đàn tam có âm sắc không giống với các đàn khảy dây khác như: đàn tỳ bà, đàn nguyệt hay đàn tứ. Các loại đàn này được dùng trong các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của người Việt.
Về câu hỏi của thính giả thông tin về bộ gõ của các dân tộc thiểu số Việt Nam, chương trình giới thiệu về đàn đá và cồng chiêng:
Đàn đá là một trong những nhạc cụ thuộc bộ gõ cổ xưa nhất tại Việt Nam. Nhạc cụ này đã góp phần làm phong phú thêm nền âm nhạc truyền thống, cũng như đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa và tinh thần của một số dân tộc ở nước ta cách đây hàng ngàn năm. Thuật ngữ “Lithophone” là từ ghép giữa hai từ “Lithos (đá) và “Phone” (âm thanh) trong tiếng Hy Lạp. Vì vậy, chúng ta có thể hiểu Lithophone là “hòn đá tạo ra âm thanh”. Ngày nay, từ này được dùng để chỉ một loại nhạc cụ làm bằng đá. Các nhà khảo cổ đã phát hiện nhạc cụ Lithophone ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Con người đã biết cách sử dụng chúng từ 4000 đến 10000 năm trước. Tại Việt Nam, nhạc cụ Lithophone còn có tên gọi khác là Đàn đá. Năm 2005, UNESCO đã xếp Đàn đá vào danh sách các nhạc cụ trong “Không gian văn hóa công chiêng Tây Nguyên”.
Cồng, chiêng là nhạc cụ dân tộc thuộc bộ gõ, được làm bằng đồng thau, hình trò như chiếc nón quai thao, đường kính từ 20 cm (loại nhỏ) cho đến 60cm (loại to), ở giữa có hoặc không có núm. Người Gia Rai, Ê Đê và Hre gọi cả cồng lẫn chiêng là “chinh”, còn người Triêng gọi cồng là “chiêng goog" (loại có núm), gọi chiêng là chênh hân (không có núm). Nhìn chung, còn khá nhiều cách gọi và phân biệt giữa hai nhạc cụ có núm và không núm này.