Thông tin đường dây nóng hỗ trợ phòng chống dịch; vẻ đẹp của mũi Kê Gà

Chia sẻ
(VOV5) - Chương trình nhận được thư của thính giả muốn được thông tin về tình hình phòng chống dịch ở Việt Nam, đường dây nóng hỗ trợ công dân trong nước và nước ngoài

Tuần qua, chương trình nhận được thư của thính giả muốn được thông tin về tình hình phòng chống dịch ở Việt Nam, đường dây nóng hỗ trợ công dân trong nước và nước ngoài liên quan tới dịch COVID-19 và một số nội dung khác được quan tâm.

Nghe âm thanh tại đây:

Quý vị và các bạn thân mến,

Dịch COVID-19 tiếp tục là mối quan tâm của dư luận và cũng là nội dung mà thính giả theo dõi và chia sẻ thông tin  trong các lá thư gửi về chương trình.

Thính giả  từ Pháp, Campuchia, Pakistan và nhiều nơi khác đánh giá Đài Tiếng nói Việt Nam và các phương tiện truyền thông đã kịp thời thông tin và cập nhật thường xuyên về tình hình dịch bệnh, nhờ đó, giúp bạn bè các nước và người dân hiểu được về tình hình và các biện pháp để kiểm soát dịch. Truyền thông tại Việt Nam được đẩy mạnh giúp cho người dân có nhận thức đúng về dịch bệnh và các biện pháp phòng ngừa. Các thính giả cũng nhắc tới Ghen Cô Vy với sự thích thú vì truyền cảm hứng, lan tỏa  những điều tốt đẹp để cộng đồng chủ động phòng chống dịch. Trên trang mạng những ngày qua, các phóng viên thường trú, cộng tác viên từ Mỹ, Nga, Sec, Ba Lan,  Australia, Hàn Quốc, Đức, Hungary, Lào…luôn cập nhật tình hình dịch tại các nước và các hoạt động của người Việt để đối phó với dịch.

Nhiều thính giả hỏi về đường dây bảo hộ công dân Việt Nam, chúng tôi xin thông tin như sau: số tổng đài để công dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài có thể liên hệ để giải quyết mọi thắc mắc là 0084.462.844.844.

Công dân Việt Nam ở nước ngoài cũng có thể liên hệ với đại sứ quán Việt Nam tại nơi mình sinh sống để nhờ hỗ trợ.

Còn tại Việt Nam, để cập nhật mọi tình hình liên quan tới COVID-19, có thể gọi đường dây nóng của Bộ y tế 19009095 hoặc 19003228.

Quý thính giả thân mến,

Thính giả Jacques Augustine, ở Pháp, hỏi ở Việt Nam, các bệnh viện có bị quá tải bệnh nhân Covid-19 như ở Pháp trong giai đoạn này không? Việc mua khẩu trang ở Việt Nam có dễ không? Chương trình xin thông tin:

Do khống chế tốt, không để dịch bệnh lây lan nên số lượng bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Việt Nam so với các nước rất ít. Vì vậy, tình trạng quá tải bệnh nhân được điều trị ở các bệnh viện của Việt Nam không có.  Còn với khẩu trang, khi bắt đầu dịch, do tâm lý lo lắng nên người dân mua nhiều và dự trữ dẫn đến khan hiếm. Nhưng tình trạng này kéo dài không lâu vì các doanh nghiệp, các nhà sản xuất tư nhân cũng đã kịp thời sản xuất, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tự may khẩu trang cũng là cách mà nhiều người Việt đang áp dụng để cung cấp cho gia đình, giảm chi phí cũng như cung cấp cho thị trường. Đây cũng là hình thức mà người Việt ở các nước đang thực hiện. 

Nhiều thính giả từ các nước đánh giá cao công tác phòng chống COVID-19 của Việt Nam, hỏi vì sao Việt Nam ở gần Trung Quốc mà lại khống chế dịch rất tốt và bài học kinh nghiệm phòng dịch của Việt Nam?

Chương trình xin được cung cấp một số thông tin để trả lời câu hỏi của bạn: Là quốc gia có phần biên giới dài tiếp giáp với Trung Quốc, Việt Nam trở thành một trong những tâm điểm có nguy cơ lây nhiễm rất lớn. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm đối phó với dịch Covid -19. Việt Nam đã kịp thời có giải pháp ngăn chặn sự  lây lan như ngưng toàn bộ các chuyến bay đến và từ Trung Quốc, ngưng cấp visa cho du khách Trung Quốc cũng như những du khách ngoại quốc nào đã ở Trung Quốc trong hai tuần trước đó. Việt Nam thành lập các trung tâm cách ly tại các địa phương dành cho những công dân Việt từ Trung Quốc trở về, đồng thời thực hiện tốt các biện pháp bảo hộ công dân từ Vũ Hán và các nước khác trở về. Bài học kinh nghiệm trong phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua chính là phát hiện sớm trường hợp bị lây nhiễm để khoanh vùng, cách ly kịp thời. 

Các thính giả cũng muốn biết về thiệt hại du lịch ở Việt Nam do Covid gây ra?

Chỉ trong một thời gian rất ngắn, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lên tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế trong đó ngành du lịch bị ảnh hưởng khá nặng nề.  Toàn bộ các tour du lịch bị hủy. Dịch bệnh  khiến du khách lo sợ không dám đi tour trong nước và nước ngoài khiến ngành du lịch thất thu. Ngành du lịch Việt Nam đứng trước nguy cơ một năm sụt giảm mạnh về lượng khách và doanh thu. Hàng triệu lao động trong ngành du lịch có nguy cơ bị giảm thu nhập thậm chí bị cắt giảm do thiếu việc. Theo thống kê, du lịch thiệt hại khoảng 7 tỷ đôla. 

Ngoài chủ để dịch COVID-19, một số nội dung khác cũng luôn được thính giả quan tâm như thính giả Rohman Refaja, ở Indonesia, hỏi vùng nào ở Việt Nam trồng nhiều cà phê Arabica.

Ca phê Arabica được trồng chủ yếu một số vùng như: Đà Lạt với loại cà phê Arabica Cầu Đất. Được mệnh danh là nữ hoàng cà phê  Việt Nam với vị chua thanh, đắng nhẹ. Vùng đất càng cao thì chất lượng cà phê càng ngon.  Thứ hai là cà phê Arabica Khe Sanh, Quảng Trị. Độ cao vùng đất ở đây từ 350 đến 500 met so với mực nước biển, tạo cho cà phê có những hương vị đặc trưng và thương hiệu riêng. Người tiêu dùng cũng chuyển sang thưởng thức cà phê nguyên chất và không pha trộn. Còn một khu vực cũng nổi tiếng với loại cà phê này là Tây Bắc Việt Nam, chủ yếu là ở hai tỉnh Sơn Là và Điện Biên có thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp.

 

Để kết thúc chuyên mục này hôm nay, trong mối quan tâm về dịch bệnh, hãy cùng thư giãn và thưởng thức vẻ đẹp của một địa danh tại Việt Nam, đó là Mũi Kê Gà. Đây cũng là điểm đến mà nhiều thính giả mong muốn tìm hiểu

Bình Thuận nổi tiếng với Mũi Né, thế nhưng với những người ưa khám phá những điều mới lạ sẽ tìm đến Mũi Kê Gà, một địa điểm tuyệt đẹp và còn hoang sơ. Vùng biển ở Mũi Kê Gà có ngọn hải đăng cổ sừng sững với biển trời, cách thành phố Phan Thiết, Bình Thuận khoảng 20 km. Để sang ngọn hải đăng nằm trên Mũi Điện, bạn nhớ phải đến trước 17h vì sau thời gian này, cano sẽ chỉ đón khách về, không chở khách sang. Và cũng nên đến đây vào buổi chiều để tận mắt ngắm khoảnh khắc mặt trời lặn đẹp hơn cả trong phim. Nếu có dịp tới Việt Nam, hãy dành chút thời gian tới với địa danh này.

Cám ơn quý vị thính giả đã đón nghe chương trình và gửi thư, bài vở cho  chúng tôi theo địa chỉ: Chương trình phát thanh Dành cho đồng bào VN ở xa Tổ quốc, Ban Đối ngoại, Đài TNVN, 45 Bà Triệu, Hà Nội.

Điện thoại: 84. 243. 8 252 070.

Hộp thư điện tử: vietkieuvov@gmail.com      vovworld@vov.org.vn

Chương trình cũng được phát trực tuyến qua trang web www.vovworld.vn vào lúc: 10h-11h (giờ Hà Nội) tức từ 03h đến 04h (giờ quốc tế) và vào lúc 22-23h (giờ Hà Nội), tức là từ 15h đến 16h (giờ quốc tế). Để tiện theo dõi các chương trình của chúng tôi từ điện thoại di động, quý thính giả có thể tải ứng dụng vov media xuống điện thoại di động; sử dụng hệ điều hành android hoặc IOS và chọn nghe VOV5. Hẹn gặp quý vị và các bạn trong những cánh thư sau.

Feedback