Gìn giữ hòa bình, ổn định ở Biển Đông

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Yêu cầu tất cả các quốc gia trong khu vực phải tôn trọng những nguyên tắc như tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế và các chuẩn mực quốc tế.

Duy trì hoà bình, ổn định và tự do hàng hải, hàng không, đề cao thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia như được xác lập tại UNCLOS 1982 là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước và cộng đồng quốc tế. Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các nước và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu này. Trước những diễn biến căng thẳng gần đây ở Biển Đông, Giáo sư, TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng trường Đại học KHXH và NV quốc gia đã có một số ý kiến chia sẻ xoay quanh vấn đề này.

Gìn giữ hòa bình, ổn định ở Biển Đông - ảnh 1Giáo sư, TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng trường Đại học KHXH và NV quốc gia. (nguồn: Đại học KHXH và NV quốc gia) 

PV: Trong tuyên bố mới đây, Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng các hành động của Trung Quốc gần đây ở Biển Đông đã đi ngược với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nơi các nước dù lớn hay nhỏ đều được đảm bảo về chủ quyền, không bị chèn ép và được theo đuổi tăng trưởng kinh tế đi cùng với các quy định và quy tắc quốc tế được chấp nhận. Ông nhận định như thế nào về tuyên bố này?

GSTS Phạm Quang Minh: Tình hình ở Biển Đông đang có những biểu hiện, hành động làm cho tình hình phức tạp căng thẳng hơn. Như chúng ta đã biết quan điểm về một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do rộng mở bao hàm những nội dung. Một là đảm bảo khu vực này phải được tự do, đặc biệt là tự do hàng hải. Hai là một khu vực phải dựa trên pháp luật, tôn trọng pháp luật, đặc biệt là Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc 1982. Ba là đảm bảo một sự thịnh vượng cho khu vực, trong đó có cả khu vực biển Đông. Chính những nguyên tắc của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng liên quan trực tiếp tới tình hình biển Đông. Điều đó yêu cầu tất cả các quốc gia trong khu vực phải tôn trọng những nguyên tắc như tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế và các chuẩn mực quốc tế.

PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của cộng đồng quốc tế trong việc gây sức ép một quốc gia phải tuân theo luật pháp quốc tế?

GSTS Phạm Quang Minh: Trong một thế giới toàn cầu hóa và trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau như ngày nay thì một quốc gia, cho dù lớn, cũng không thể tách mình ra khỏi xu hướng của quốc tế. Trong công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước, Việt Nam phải tranh thủ tiếng nói của cộng đồng quốc tế, phải sử dụng nền ngoại giao của mình để đạt được mục đích giải quyết hòa bình các mâu thuẫn. Đây là quan điểm đã được khẳng định từ năm 1988 khi Việt Nam có chiến lược ngoại giao an ninh mới. Đó là chiến lược tôi cho rằng đến nay vẫn còn nguyên giá trị gồm 3 nội hàm, trụ cột, đó là một nền kinh tế mạnh, một nền quốc phòng vừa đủ mạnh và một nền ngoại giao rộng mở. Trong đó, tôi cho rằng trụ cột thứ 3 là công cụ sắc bén để thế giới hiểu về Việt Nam, chia sẻ những giá trị và quan điểm của Việt Nam đó là giải quyết tranh chấp bằng hòa bình, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực. Đấy là những nguyên tắc bất di bất dịch và đây là thời điểm mà chúng ta cần phải sử dụng công cụ ngoại giao trong vấn đề bảo vệ chủ quyền đất nước.

PV: Thưa GS, đối với Việt Nam, việc giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác ở khu vực Biển Đông có ý nghĩa và tầm quan trọng như thế nào?

GSTS Phạm Quang Minh: Không có hòa bình thì không thể có phát triển. Đây là quan điểm mà Việt Nam đã khẳng định từ rất sớm, từ sau 1975 sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, chúng ta đã khẳng định cần một môi trường hòa bình để phát triển. Bài học lịch sử đã chứng minh, từ kháng chiến chống Pháp, Mỹ, bảo vệ biên giới tây nam, chiến tranh phía bắc những năm 70 của thế kỷ trước cho thấy, không có hòa bình thì không thể phát triển được. Chính vì vậy, vào những năm 80 của thế kỷ trước chúng ta đã khẳng định ưu tiên đầu tiên trong chính sách đối ngoại Việt Nam là phải tạo dựng một môi trường hòa bình. Và suốt từ những năm 80 cho đến nay, không chỉ có Việt Nam và cả ASEAN, đã giữ cho môi trường khu vực này được hòa bình, sau sự kiện Campuchia được giải quyết năm 1991. Khu vực ASEAN đã trở thành một khu vực tương đối hòa bình. Thành công đó không chỉ của Việt Nam mà của cả khu vực. Đây là một khu vực tự do, hòa bình, điều này rất cần cho tất cả các thành viên. Việt Nam chung tay cùng các thành viên của ASEAN để gìn giữ hòa bình của khu vực

PV: Vai trò của các nước lớn trong việc gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định ở Biển Đông là như thế nào, thưa ông?

GSTS Phạm Quang Minh: Biển Đông là tuyến đường giao thương nhộn nhịp của thế giới, nơi mà các quốc gia có lợi ích đan xen. Các nước lớn, một mặt đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hợp tác kinh tế, mặt khác họ cũng là những nước có chi phí quốc phòng cao. Như Mỹ mỗi năm hơn 600 tỷ, Trung Quốc trên 200 tỷ, Nhật Bản tuy chỉ chiếm 1% GDP nhưng cũng khoảng dao động từ 45-50 tỷ USD. Đây là nhưng quốc gia có tiềm lực quốc phòng rất mạnh nên mọi cử chỉ hành động của các quốc gia này liên quan đến an ninh đều ảnh hưởng tới cả các quốc gia trong khu vực.

Nhấn mạnh không chỉ tầm quan trọng của không chỉ các nước lớn mà cả những nước vừa và nhỏ. Thời của các nước lớn làm mưa làm gió đã qua rồi đó là thời chiến tranh lạnh.Từ thời chiến tranh lạnh này đến nay, ví dụ như sự hiện diện của ASEAN, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn hòa bình và an ninh khu vực. Bằng chứng là ASEAN là tổ chức đã đưa rất nhiều sáng kiến, có thể kể đến diễn đàn an ninh ARF, Thượng đỉnh cấp cao Đông Á EAS, ADMM+…cho thấy ASEAN rất chủ động tích cực và các nước lớn thì đều tham gia vào các cơ chế mà ASEAN đưa ra.

Điều quan trọng ASEAN chính là tổ chức có khả năng đưa ra nhiều sáng kiến, liên tục đưa ra sáng kiến và chính những sáng kiến này là chuẩn mực, tôi không nói là luật pháp, mà chỉ là chuẩn mực khiến các nước lớn cũng phải tham gia. Điều đó cho thấy tiếng nói của các nước vừa và nhỏ ngày nay thực sự đã ảnh hưởng lớn tới kiến tạo nền hòa bình và giữ gìn an ninh khu vực.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Feedback