Dư luận quốc tế lên án các hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông

Chia sẻ
(VOV5) - Bài viết nêu rõ hành động của Trung Quốc tại Biển Đông đã bị nhiều quốc gia và tổ chức phi chính phủ lên án. 

Trang Eurasia Review mới đây đăng bài của một nhà báo kỳ cựu Indonesia phản đối những hành động phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông, đặc biệt tại khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam. Bài báo khẳng định những động thái mới của Trung Quốc trên Biển Đông đã vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà chính quốc gia này đã ký kết và là nguyên nhân làm cho tình hình Biển Đông xấu đi. Tác giả cũng đánh giá cao việc Việt Nam thẳng thắn yêu cầu Trung Quốc rút ngay các tàu của họ ra khỏi khu vực bãi Tư Chính.

Dư luận quốc tế lên án các hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông - ảnh 1 Nhà giàn DK1 nằm trên thềm lục địa phía Nam của Việt Nam. Ảnh: Thành Chung/TTXVN

Bài viết nêu rõ hành động của Trung Quốc tại Biển Đông đã bị nhiều quốc gia và tổ chức phi chính phủ lên án. Mỹ đã chỉ trích các hành động đơn phương, mang tính khiêu khích của Trung Quốc. Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Pháp, Đức, Anh, Canada, Australia và một số quốc gia khác cũng chỉ trích các hành động đơn phương của Trung Quốc tại Biển Đông và kêu gọi bảo vệ một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế. Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế (IADL) cũng chỉ trích Trung Quốc vi phạm các quyền hợp pháp của Việt Nam ở khu vực Bãi Tư Chính. Trong  thông cáo ngày 6/8, IADL khẳng định các hành vi của Trung Quốc đã vi phạm rõ rệt các quyền của Việt Nam được ghi trong UNCLOS và “yêu cầu Trung Quốc nhanh chóng chấm dứt các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, ngừng các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, làm gia tăng căng thẳng giữa các bên liên quan và tập trung vào việc xây dựng lòng tin để duy trì an ninh, hòa bình và ổn định ở Biển Đông nói riêng và khu vực nói chung”.

Theo tác giả bài viết, việc đầu tiên và quan trọng nhất mà ASEAN và cộng đồng quốc tế cần làm để ngăn chặn Trung Quốc là lên án các hành động khiêu khích đơn phương của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước Đông Nam Á. Tác giả cho rằng ASEAN cần đoàn kết, tạo ra nhận thức chung trong khối về vấn đề Biển Đông. Ngoài ra, ASEAN cần xúc tiến việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) để giảm căng thẳng và tránh xung đột, đồng thời nhanh chóng tiến đến một Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, ràng buộc về mặt pháp lý, dựa trên UNCLOS và các quy tắc quốc tế khác.

Đánh giá các động thái đơn phương của Trung Quốc tại Biển Đông, Tiến sĩ Gerhard Will, chuyên gia về Biển Đông thuộc Quỹ Khoa học và Chính trị Đức (SWP), cho rằng trong những tuần qua, Trung Quốc đã có thêm những động thái vi phạm luật pháp quốc tế tại Biển Đông. Việc EU ngày 28/8 ra tuyên bố về Biển Đông và ba nước Đức, Anh, Pháp cùng ra tuyên bố chung ngày 29/8 là những động thái rất đáng chú ý. Theo ông, khác với việc trước kia Biển Đông chỉ là một trong nhiều vấn đề trong một bản tuyên bố chung, lần này EU đã ra một tuyên bố chỉ đề cập đến tình hình Biển Đông, điều đó cho thấy châu Âu đã nhìn nhận vấn đề này theo một chuẩn mực mới, đó là đưa Biển Đông trở thành  vấn đề quốc tế. Theo Tiến sĩ Gerhard Will, mục đích của động thái này nhằm nhấn mạnh rằng Biển Đông không chỉ liên quan tới lợi ích khu vực mà còn bao gồm cả lợi ích quốc tế. Ngoài ra, việc châu Âu ra tuyên bố chung về Biển Đông còn chứng tỏ rằng cộng đồng quốc tế mong muốn giải quyết vấn đề này theo luật pháp quốc tế.

Feedback