Các quốc gia cần tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế

Chia sẻ
(VOV5)- Hội thảo quốc tế về “Quy chế pháp lý của Đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiễn ở Biển Đông".
(VOV5)- Ngày 17/8, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Trường đại học Phạm Văn Đồng và Đại học Nha Trang đã tổ chức Hội thảo quốc tế về “Quy chế pháp lý của Đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiễn ở Biển Đông".

Các quốc gia cần tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế - ảnh 1
Hội thảo quốc tế về biển Đông


Gần 100 nhà khoa học trong và ngoài nước, nêu lên những  minh chứng khoa học, lý lẽ thuyết phục góp phần khẳng định  mạnh mẽ những quy chế pháp lý quốc tế về Biển Đông và chủ quyền toàn vẹn của Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam. Tại hội thảo, các đại biểu đều chung nhận định: Tòa Trọng tài quốc tế ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc là một phán quyết chuẩn mực, có tính lịch sử, khẳng định sự đúng đắn của các quy tắc pháp lý về biển.


Tiến sỹ Erik Franckx, thành viên Toà thường trực PCA, Trưởng Khoa Luật Quốc tế và Châu Âu, Đại học Vrije, Vương quốc Bỉ cho rằng Trung Quốc luôn tự cho rằng có quyền không chấp nhận các phán quyết quốc tế, dựa trên nền tảng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, là không không phù hợp với quy chế hoạt động của một nước là thành viên của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc. Các phán quyết của tòa quốc tế cũng đã có hiệu ứng tốt, tạo ra khuôn khổ pháp lý để đàm phán giữa các nước liên quan. Tiến sỹ Erik Franckx cho biết: "Ngay cả các cường quốc cũng không thể đi ngược lại phán quyết của tòa trọng tài. Đặc biệt là với trách nhiệm là một thành viên của Hội đồng Bảo an, là một nước lớn, phải khẳng định được vai trò của mình đối với cộng đồng quốc tế, nếu họ không làm được điều đó thì sẽ rất khó để giữ được địa vị đối với các đồng minh cũng như các nước khác trong cộng đồng quốc tế."


Thời gian qua, việc Trung Quốc tiến hành bồi đắp quy mô lớn, xây dựng các đảo nhân tạo và đẩy mạnh hoạt động quân sự hoá trên các đảo nhân tạo đã tạo ra một bầu không khí căng thẳng trong khu vực. Trong bối cảnh đó, phán quyết ngày 12/7 vừa qua của Tòa trọng tài đã góp phần làm rõ cơ sở pháp lý yêu sách cũng như các hoạt động trên biển của các bên tranh chấp, do đó, nhiều học giả cho rằng, khu vực Biển Đông sẽ có nhiều cơ hội để giải quyết các tranh chấp còn tồn tại cũng như mở ra cơ hội mới cho việc hợp tác. Ông Nguyễn Qúy Bính, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc, cho biết: "Biển Đông liên quan đến hàng hải và hàng không quốc tế, vùng biển tự do đi lại, những tranh chấp không giải quyết được tốt sẽ làm leo thang xung đột. Như vậy sẽ ảnh hưởng rất to lớn đến môi trường toàn bộ khu vực, kể cả Trung Quốc. Có nhiều nước liên quan trực tiếp thì phải đàm phán đa phương rồi. Nó ảnh hưởng đến lợi ích không chỉ các nước ven biển Đông mà cả của các nước lớn. Theo tôi, quốc tế hóa thì tốt và lợi cho những nước nhỏ tuân thủ luật pháp quốc tế."


Tiến sỹ Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ nhấn mạnh: Quy chế pháp lý của các thực thể ở Biển Đông theo quy định luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 là không thể chối bỏ được.

Feedback