(VOV5)- Hơn 1 tháng kể từ khi Tòa trọng tài thường trực của Liên hợp quốc (PCA) ra phán quyết về việc Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, điều mà dư luận quan tâm là khả năng hiện thực hóa phán quyết này. Dù giai đoạn thực thi phán quyết còn là cả chặng đường dài, gian nan nhưng dư luận quốc tế đều nhất trí cho rằng PCA là công cụ pháp lý giúp giải quyết những vấn đề thực tiễn trên Biển Đông trong thời gian tới.
|
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario trình bày trong phiên khai mạc Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye. (Ảnh: PCA) |
Trước hết, có thể khẳng định quá trình thành lập vụ kiện, tiến trình tranh tụng từ năm 2013 khi Philippines nộp hồ sơ lên Tòa trọng tài thường trực là hoàn toàn phù hợp với các quy định của Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982 (UNCLOS 1982). Theo đó, giá trị pháp lý của PCA được cộng đồng quốc tế thừa nhận, mang tính ràng buộc đối với các đương sự trực tiếp của vụ kiện, cho dù đơn phương hay từ chối tham gia vụ kiện.
Nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình
Việc Philippines khởi kiện Trung Quốc không phải là hành động làm phức tạp tình hình mà được coi là một nỗ lực tìm kiếm biện pháp giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng với tinh thần hòa bình, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết các tranh chấp quốc tế. Vụ kiện góp phần đề cao giá trị và ý nghĩa của luật pháp quốc tế và hiệu quả của vụ kiện sẽ là minh chứng cho nỗ lực của cộng đồng quốc tế và khu vực. Một khi đã quyết định cùng nhau thảo luận và thống nhất để ban hành được một hệ thống quy chuẩn quốc tế, các bên đều có nghĩa vụ phải điều chỉnh hành vi của mình trong các vấn đề liên quan tới phân định ranh giới trên biển.
Đây là lần đầu tiên, một phán quyết của một thiết chế quốc tế có thẩm quyền liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông được tuyên. Phán quyết này đã tạo ra cách hiểu chung về những điều khoản còn chưa cụ thể, chưa rõ của Công ước Luật Biển 1982, mà các bên trong vụ kiện có liên quan, luận giải và đưa ra kết luận về các cấu trúc ở quần đảo Trường Sa. Bởi một khi các điểu khoản được giải thích rõ thì đấy là những căn cứ pháp lý sau này có thể áp dụng vào các vụ việc khác tương tự, để từ đó các bên điều chỉnh hành vi của mình.
Tính khả thi của PCA
Theo các chuyên gia phân tích, PCA hoàn toàn có cơ sở để đi vào thực tiễn. Thứ nhất, PCA hoạt động theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Phán quyết của tòa mang tính chuyên môn và phải được tuân thủ. Tòa không phân xử tranh chấp lãnh thổ nhưng xác định tính hợp pháp của hành động và trong một số trường hợp xác nhận quyền lãnh thổ của các quốc gia hàng hải khác nhau. Thứ hai, với tư cách là quốc gia thành viên của UNCLOS 1982, cả Trung Quốc, Philippines và các nước liên quan đều có nghĩa vụ phải tôn trọng các phán quyết của PCA. Một quốc gia đơn lẻ không thể thành công trong duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực, khi phủ quyết chính các điều khoản mà mình đã phê chuẩn. Cuối cùng, với vai trò là nước lớn trong khu vực, nhiều năm qua, Trung Quốc luôn nỗ lực tuyên truyền về thuyết “phát triển hòa bình”. Bởi vậy, không có lý do gì mà Trung Quốc lại đi ngược lại với đường lối mà nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo nước này quyết tâm theo đuổi.
|
Bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. (Ảnh: CSIS) |
Trên thực tế đến nay, hơn một tháng kể từ khi Tòa Trọng tài Thường trực công bố phán quyết cuối cùng về vụ kiện, ngoài những tuyên bố gay gắt lặp lại phán quyết này là "vô giá trị và không có hiệu lực ràng buộc”, giới phân tích cho rằng không có sự leo thang trong các phát ngôn của Bắc Kinh. 2 năm trước, cộng đồng quốc tế đã từng được chứng kiến những thay đổi trong hành vi của Bắc Kinh ở Biển Đông từ vụ việc tiến hành khoan dầu ở vùng biển ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. Sự phản đối rộng khắp mà Trung Quốc phải hứng chịu sau đó và tác động hệ quả đối với hoạt động ngoại giao khu vực của nước này dường như ít nhiều khiến Trung Quốc thận trọng hơn trong cách hành xử. Từ đó đến nay, không có bất kỳ vụ việc tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế mà các nước có liên quan trong khu vực tuyên bố chủ quyền.
PCA mở ra cơ hội đàm phán
Trong mọi trường hợp, đàm phán vẫn là chìa khóa giúp giải quyết căng thẳng. Nhận thức như vậy nên trên thực tế, mới đây, cả Philippines và Trung Quốc đều đang thể hiện thiện chí mong muốn sẵn sàng đàm phán sau PCA. Ngay trong bài phát biểu tại lễ nhậm chức, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bày tỏ hy vọng có thể "hạ cánh mềm" trong tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông. Tại cuộc gặp mới đây giữa hai nhà ngoại Manila và Bắc Kinh là cựu Tổng thống Philippines Ramos và cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh, hai bên đều không hề nhắc đến vấn đề chủ quyền đối với nhiều khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông như bãi cạn Scarborough, đá Vành Khăn hay vụ kiện tranh chấp Biển Đông, nhấn mạnh các cuộc thảo luận không chính thức cần đối thoại để xây dựng lòng tin, giảm căng thẳng nhằm mở đường cho hợp tác nói chung.
Theo các nhà phân tích, sẽ là ngây thơ nếu cho rằng sau khi Tòa án Hague đưa ra phán quyết về Biển Đông, tình hình trong khu vực sẽ ổn định lại hoàn toàn. Tuy nhiên, phán quyết chắc chắn đã tạo một cơ hội để các bên ngồi lại với nhau, hạ nhiệt căng thẳng. PCA có thể giúp các bên điều chỉnh hành vi, không thể hành động đơn phương bất chấp luật pháp quốc tế.