Công ước LHQ về phòng chống tội phạm mạng

Quang Dũng
Chia sẻ
(VOV5) - Dự thảo Công ước quốc tế về phòng chống tội phạm mạng chính thức được gần 200 quốc gia, trong đó có cả Mỹ, bỏ phiếu thông qua.

Ngày 8/8, Ủy ban chuyên trách của Liên hợp quốc (LHQ), gồm đại diện các nước thành viên của tổ chức này, đã thông qua dự thảo Công ước LHQ về phòng chống tội phạm mạng. Theo các chuyên gia, đây là bước tiến lớn thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc phòng chống tội phạm công nghệ xuyên quốc gia, nhưng cũng gây ra một số tranh cãi liên quan đến tự do cá nhân.

Công ước LHQ về phòng chống tội phạm mạng - ảnh 1Theo kế hoạch ban đầu, tiến trình xây dựng Công ước dự kiến kết thúc trong tháng 2 năm nay, sau 7 phiên họp của Ủy ban chuyên trách. Ảnh minh họa: UN

Ý tưởng về việc xây dựng một Công ước quốc tế về phòng chống tội phạm mạng được Liên bang Nga đưa ra từ năm 2017 và nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia thành viên LHQ, bất chấp sự phản đối trong giai đoạn đầu của Mỹ và các nước châu Âu.

Năm 2021, LHQ chính thức lập ra một Ủy ban phụ trách điều phối các cuộc thảo luận, đàm phán giữa các nước thành viên cũng như với các đối tác dân sự khác để xây dựng Dự thảo Công ước.

Sau 3 năm đàm phán, trong đó có giai đoạn bị trì hoãn vì đại dịch Covid-19, hôm 08/08, Dự thảo Công ước quốc tế về phòng chống tội phạm mạng chính thức được gần 200 quốc gia, trong đó có cả Mỹ, bỏ phiếu thông qua. Dự kiến, Dự thảo sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ vào cuối năm nay và nếu được thông qua sẽ trở thành Công ước quốc tế đầu tiên điều chỉnh các hoạt động ngày càng phức tạp trong lĩnh vực mạng. Theo Giám đốc điều hành Văn phòng LHQ về chống Ma túy và tội phạm (UNODC), bà Ghada Waly, đây có thể xem là bước tiến lịch sử trong hợp tác đa phương phòng chống tội phạm trong bối cảnh các mối đe dọa trên không gian mạng đang ngày càng gia tăng. 

Công ước LHQ về phòng chống tội phạm mạng - ảnh 2Giám đốc điều hành Văn phòng LHQ về chống Ma túy và tội phạm (UNODC), bà Ghada Waly. Ảnh tư liệu: the nationale.ae 

Dự thảo Công ước đặt ra khuôn khổ pháp lý toàn diện cho các nước thành viên tiến hành hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội trên không gian mạng, trong đó có nhiều loại tội phạm hiện gây nhức nhối, như: tấn công hệ thống máy tính, lừa đảo trực tuyến, phát tán trái phép hình ảnh nhạy cảm, xâm hại trẻ em, rửa tiền…

Cơ quan thực thi pháp luật các quốc gia có thể thực hiện các hoạt động hợp tác thông qua kênh 24/7, bảo đảm phản ứng nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng nhu cầu phòng chống hiệu quả tội phạm mạng. Một trong các nội dung đáng chú ý của dự thảo Công ước là cơ chế hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ hướng tới nhu cầu của các nước đang phát triển. Do tính chất không biên giới của tội phạm mạng, quy định nói trên được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực khoa học công nghệ của các nước đang phát triển để ứng phó hiệu quả hơn với mối đe dọa từ tội phạm mạng, qua đó góp phần tạo ra môi trường mạng toàn cầu lành mạnh, an toàn hơn.

Tuy nhận được sự ủng hộ rộng rãi của đa số các quốc gia thành viên LHQ và dự kiến sẽ sớm được chính thức thông qua nhưng Dự thảo Công ước cũng vấp phải một số ý kiến gây tranh cãi. Theo chuyên gia Ian Tennant, đến từ Sáng kiến Toàn cầu chống lại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (GIATOC), nhiều điều khoản trong dự thảo liên quan đến các hành vi được đánh giá là phạm tội, hay việc phát tán các bằng chứng phạm tội….chưa được quy định rõ nên có thể gây ra sự xung đột trong việc thực thi Công ước, cũng như gây ra sự phản đối từ một số lĩnh vực nghề nghiệp.

Là một bên tham gia các cuộc đàm phán xây dựng Dự thảo Công ước trong những năm qua, đại diện nhiều tập đoàn công nghệ lớn cũng bày tỏ một số e ngại đối với các chi tiết chưa được làm sáng tỏ trong Công ước. Theo Nick Ashton-Hart, người phát ngôn của Cybersecurity Tech Accord, một nhóm bao gồm 158 công ty công nghệ, Dự thảo Công ước cho phép 2 quốc gia hợp tác với nhau xử lý bất cứ tội nghiêm trọng nào có yếu tố liên quan đến công nghệ, do đó, có thể ảnh hưởng đến lợi ích của các công ty công nghệ. Đại diện nhiều tập đoàn công nghệ lớn, như: Amazon, Microsoft, Google (Alphabet)… cũng cho rằng các công ty công nghệ cần được trao tiếng nói lớn hơn trong trình tự xử lý các loại tội phạm quy định trong Công ước.

Trên thực tế, nhằm giảm bớt các lo ngại từ phía các tổ chức nhân quyền hay các tập đoàn công nghệ, LHQ cũng đã dành nhiều thời gian hơn cho các bên thảo luận về các điều khoản gây tranh cãi. Theo kế hoạch ban đầu, tiến trình xây dựng Công ước dự kiến kết thúc trong tháng 2 năm nay, sau 7 phiên họp của Ủy ban chuyên trách. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận đã kéo dài tới tháng 8 để các quốc gia có thêm thời gian trao đổi, thỏa thuận các nội dung chủ chốt, như: phạm vi áp dụng của Công ước, bảo vệ quyền con người, cơ chế xây dựng Nghị định thư bổ sung.

Do đó, Dự thảo Công ước được xem là văn bản đáp ứng tốt nhất có thể các yêu cầu từ tất cả các bên, tạo được sự cân bằng nhất định giữa việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm trên không gian mạng với việc bảo vệ các quyền tự do cá nhân, tự do ngôn luận. Việc chính quyền Mỹ ủng hộ và ký thông qua Dự thảo Công ước cũng được xem là dấu hiệu cho thấy các bên đã vượt qua được những trở ngại lớn nhất để đạt được đồng thuận xây dựng Công ước.

Feedback