Bán đảo Triều Tiên lại dậy sóng

Quang Dũng
Chia sẻ
(VOV5) - "Các diễn biến kéo dài từ năm ngoái đến nay cho thấy Triều Tiên đã từ bỏ cách tiếp cận trước đây trong quan hệ với Hàn Quốc và Mỹ và chuyển sang hướng cứng rắn hơn."

Các vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên và việc Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản tổ chức các cuộc tập trận với quy mô ngày càng lớn hơn, đang làm dấy lên lo ngại căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có thể vượt tầm kiểm soát. Theo các chuyên gia, tình hình hiện nay đòi hỏi tất cả các bên phải hành xử hết sức thận trọng.

Hôm 14/01, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên (Triều Tiên) phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung nhiên liệu rắn ra vùng biển phía Tây nước này. Cuộc thử nghiệm đánh dấu bước tiến công nghệ quân sự mới của Triều Tiên và là động thái tiếp theo trong chuỗi sự kiện đẩy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tăng cao.

Leo thang chạy đua vũ trang

Các dữ liệu được Triều Tiên công bố và sau đó được các quan chức quân sự Hàn Quốc, Nhật Bản xác nhận cho thấy tên lửa được Triều Tiên phóng hôm 14/01 là tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) mang đầu đạn lướt siêu vượt âm, sử dụng nhiên liệu rắn. Tên lửa này đã bay khoảng 1.000km trước khi rơi xuống biển nhưng tầm bắn thực tế ước tính từ 3.000 tới 5.500km.

Bán đảo Triều Tiên lại dậy sóng - ảnh 1Người dân theo dõi bản tin truyền hình về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên tại Seoul, Hàn Quốc ngày 18/12/2023. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo chuyên gia quân sự Mỹ, Tyler Rogoway, vụ thử đánh dấu bước tiến bộ mới nhất trong công nghệ tên lửa của Triều Tiên. Tên lửa sử dụng động cơ nhiên liệu rắn, rút ngắn đáng kể thời gian chuẩn bị trước khi phóng, không đòi hỏi nhiều cơ sở hạ tầng phụ trợ và có thể được triển khai linh động hơn, có khả năng che giấu tốt hơn trước các biện pháp trinh sát điện tử và vệ tinh từ đối thủ.

Việc tên lửa mang đầu đạn lướt siêu vượt âm, tức có khả năng đạt tốc độ trên 5 lần tốc độ âm thanh (Mach 5), cũng khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa rất khó đánh chặn.

Chuyên gia Shin Seung-Ki thuộc Viện phân tích quốc phòng Hàn Quốc (KIDA), nhận xét: “Từ góc độ của Hàn Quốc và Mỹ thì có sự quan ngại về năng lực của Triều Tiên trong việc nhanh chóng triển khai tên lửa và tấn công các cơ sở quân sự, các mục tiêu lớn của Hàn Quốc và Mỹ. Đặc biệt, có thách thức lớn trong việc đánh chặn tên lửa siêu thanh bởi chúng có khả năng bay né các hệ thống phòng thủ ở độ cao thấp tốt hơn so với tên lửa đạn đạo truyền thống”.

Về phía Triều Tiên, vụ thử tên lửa thể hiện quyết tâm của nước này trong việc phát triển năng lực quân sự nhằm đáp trả sức ép lớn từ phía Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Vụ thử tên lửa hôm 14/01 cũng tiếp nối một loạt các động thái trước đó, như: Triều Tiên và Hàn Quốc tập trận bắn đạn thật ở các đảo tiền tiêu (05-07/01); Hàn Quốc-Mỹ-Nhật tập trận không quân, hải quân (tháng 10 năm ngoái, tháng 1 năm nay); Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwa-song 18 (tháng 12 năm ngoái), Mỹ điều máy bay và tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân đến Hàn Quốc… khiến cuộc chạy đua vũ trang trên bán đảo Triều Tiên liên tục leo thang.

Ankit Panda, chuyên gia tại Quỹ Hòa bình quốc tế Carnegie, nhận định các diễn biến kéo dài từ năm ngoái đến nay cho thấy Triều Tiên đã từ bỏ cách tiếp cận trước đây trong quan hệ với Hàn Quốc và Mỹ và chuyển sang hướng cứng rắn hơn. Ở phía đối diện, Hàn Quốc-Mỹ-Nhật cũng đáp trả bằng một sự cứng rắn tương tự. Việc 3 quốc gia này liên tục tập trận, thậm chí thảo luận khả năng triển khai vũ khí hạt nhân đến bán đảo Triều Tiên… là dấu hiệu về sự cứng rắn này. Chuyên gia Shin Jong-Woo, từ Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Hàn Quốc, thì cho rằng tình hình hiện nay khiến Nhật Bản không còn lí do để từ chối khởi động cơ chế đồng cảnh báo tên lửa theo giời gian thực giữa Mỹ-Hàn Quốc-Nhật Bản và hợp tác quân sự giữa 3 nước sẽ tiến lên cấp độ mới.

Viễn cảnh chính trị bế tắc

Đi cùng với các động thái leo thang vũ trang từ cả hai phía là sự đổ vỡ của các cơ chế chính trị nhằm kiểm soát khủng hoảng trên bán đảo. Hôm 15/01, Triều Tiên tuyên bố từ bỏ các nỗ lực hòa giải và thống nhất với Hàn Quốc. Trước đó, Triều Tiên đã xóa bỏ các cơ quan chịu trách nhiệm thúc đẩy hòa giải và thống nhất với Hàn Quốc, cắt đứt mọi liên lạc liên Triều.

Giáo sư Yang Moo-jin, Trường Đại học nghiên cứu Triều Tiên (Hàn Quốc), phân tích: “Nhìn vào thực tế là Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã thu nạp toàn bộ các cơ quan liên quan đến Hàn Quốc, bao gồm cả Mặt trận thống nhất, thì có vẻ như Triều Tiên giờ đây xem mối quan hệ liên Triều ở cấp độ dưới của mối quan hệ Triều Tiên-Mỹ. Ở góc độ này, Hàn Quốc buộc phải lo ngại rằng số phận của bán đảo Triều Tiên sẽ bị bỏ mặc cho Triều Tiên và Mỹ”.

Giải thích cho sự thay đổi lớn từ phía Triều Tiên, chuyên gia Hong Min, nhà phân tích tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, cho rằng hiện nay Triều Tiên không còn coi Hàn Quốc là bên trung gian hữu ích để đạt được những nhượng bộ từ Mỹ.

Sự thay đổi cách tiếp cận mang tính bước ngoặt từ lãnh đạo Triều Tiên, cộng thêm quan điểm cứng rắn từ lãnh đạo Hàn Quốc và các tính toán phức tạp trong quan hệ Mỹ-Nhật-Hàn hay giữa Triều Tiên với Nga và Trung Quốc khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên rơi vào trạng thái được đánh giá là rủi ro nhất trong nhiều năm qua.

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chỉ có thể giải quyết triệt để khi toàn bộ các nước lớn, đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc, Nga, gạt bỏ được chia rẽ, tìm được tiếng nói chung, qua đó thúc đẩy đối thoại thực chất trên bán đảo Triều Tiên.

Bán đảo Triều Tiên lại dậy sóng - ảnh 2Ông Khaled Khiari. Nguồn: Reuters

Khaled Khiari, trợ lý Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ), Vụ Các vấn đề chính trị và gìn giữ hòa bình, kêu gọi: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các thành viên Hội đồng bảo an LHQ đoàn kết và sử dụng tất cả các công cụ đối thoại, ngoại giao, đàm phán, đồng thời tuân thủ toàn bộ các Nghị quyết của HĐBA LHQ để thúc đẩy vấn đề trên bán đảo Triều Tiên”.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đang trải qua các biến động địa chính trị lớn nhất trong vài thập kỷ, cạnh tranh nước lớn diễn ra quyết liệt, các chuyên gia ít tin tưởng vào khả năng sớm có cơ chế đối thoại hiệu quả mới trên bán đảo Triều Tiên. Theo Ankit Panda, trong năm diễn ra bầu cử Tổng thống Mỹ, các tính toán của các bên trên bán đảo Triều Tiên có thể càng khiến tình hình căng thẳng hơn, dù tất cả đều không muốn xung đột bùng phát.

Feedback