Hôm nay (19/5), Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) chính thức khai mạc tại Hiroshima, Nhật Bản. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, nhưng cũng chính là lúc các thành viên G7 thể hiện vai trò trung tâm trong giải quyết vấn đề của khu vực và thế giới.
Hội nghị thượng đỉnh G7 chính thức khai mạc tại Hiroshima, Nhật Bản, ngày 19/5/2023 - Ảnh: NHK |
Nhóm 7 nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này là Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Mỹ. G7 hiện chiếm khoảng 47% tổng sản phẩm (GDP) thế giới và Hội nghị thượng đỉnh G7 thường niên là diễn đàn quan trọng, giúp các nước phát triển hàng đầu tìm kiếm sự đồng thuận và thống nhất quan điểm, lập trường về các vấn đề khu vực và quốc tế.
Hiroshima-nơi cam kết về một thế giới không vũ khí hạt nhân
Một trong những nội dung quan trọng được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này là chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy không phải là nội dung nghị sự quan trọng nhất, nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt đối với Nhật Bản. Mặc dù Nhật Bản đến nay vẫn chưa ký vào Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân của Liên Hợp Quốc và các cường quốc hạt nhân đều không tham gia Hiệp ước này, nhưng Nhật Bản luôn khẳng định lập trường hướng tới một thế giới không hạt nhân, mong muốn đạt được những tiến bộ thực tế và ổn định về giải giáp hạt nhân trong khi vẫn duy trì và tăng cường khả năng răn đe để đối phó với các mối đe dọa.
Là quốc gia duy nhất phải hứng chịu một cuộc tấn công hạt nhân vào năm 1945 tại Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản luôn nỗ lực tìm cách thúc đẩy cộng đồng quốc tế giải trừ hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Vì vậy, không chỉ tại Hội nghị G7 lần này mà nhiều diễn đàn quốc tế tổ chức tại Nhật Bản, chính quyền Tokyo đều mời các nhà lãnh đạo, đặc biệt là Mỹ, tới dâng hoa tưởng niệm tại Hiroshima và Nagasaki như một cam kết rằng vũ khí hạt nhân không thể gây hiểm họa thêm một lần nào nữa.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức tại Nhật Bản vào năm 2016 đã trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đến đặt vòng hoa tưởng niệm tại Công viên hòa bình Hiroshima. Dự kiến, các nhà lãnh đạo G7 lần này cũng thực hiện nghi thức tương tự như một minh chứng cho sự không cần thiết của vũ khí hạt nhân. Là nước chủ nhà Hội nghị G7 năm nay, Nhật Bản hy vọng vấn đề vũ khí hạt nhân sẽ được thảo luận nghiêm túc, hướng tới đạt được đồng thuận của các thành viên G7 cùng cam kết thực hiện chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo đó, dự kiến một văn kiện về tầm quan trọng của hành động thúc đẩy không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân sẽ được công bố. Các hành động này cũng bao gồm nỗ lực để duy trì lịch sử không sử dụng vũ khí hạt nhân, giảm số lượng vũ khí hạt nhân và thúc giục các cường quốc hạt nhân minh bạch hơn về năng lực hạt nhân của mình…
Thượng đỉnh G7 thảo luận việc giải quyết các thách thức mà thế giới đang phải đối mặt
Ngoài chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân, xung đột Nga-Ukraine là một trong những nội dung thảo luận của Hội nghị G7 lần này. Nhật Bản đã chuẩn bị rất kỹ nội dung này ngay từ nhiều tháng trước và đã được thông qua bước đầu tại Hội nghị Ngoại trưởng G7 diễn ra vào trung tuần tháng 4 tại Nagano, Nhật Bản. Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra, Mỹ, Nhật Bản và các đồng minh đã đưa ra khoảng 11.000 lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, tác động chủ yếu theo 5 cách, gồm: tài chính, thương mại, công nghệ, năng lượng và giới tinh hoa Nga, đưa Nga trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử phải hứng chịu số lệnh trừng phạt cao kỷ lục. Nhật Bản hy vọng G7 và các đối tác sẽ tìm ra giải pháp giảm thiểu xung đột.
Lãnh đạo các nước G7 ký sổ lưu bút khi tham quan Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, ngày 19/5/2023 - Ảnh: Reuters
|
Vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, an ninh y tế toàn cầu và bình đẳng giới… cũng là những chủ đề thảo luận tại Hội nghị lần này. Hội nghị G7 hy vọng sẽ đưa ra được Tuyên bố chung bao hàm các nội dung quan trọng này.
Năm nay, các nhà lãnh đạo của Australia, Brazil, Comoros, Quần đảo Cook, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Việt Nam, cùng các nhà lãnh đạo của các tổ chức quốc tế, được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng. Điều này cho thấy nước chủ nhà Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận các nước đang phát triển và là đối tác. Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng thảo luận về việc hợp tác xử lý đa khủng hoảng (tập trung vào vấn đề lương thực, y tế, phát triển, bình đẳng giới); Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững (khí hậu, môi trường, năng lượng); Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng (các vấn đề hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và hợp tác đa phương).
Những nội dung được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G7 và Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng cho thấy mong muốn của Nhật Bản và các nước tham gia trong việc phải cùng nhau tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Hội nghị cũng sẽ là minh chứng cho tầm quan trọng của hợp tác đa phương trong việc giải quyết các thách thức chung.