Xã Phú Tân, tỉnh Sóc Trăng, bảo tồn nghề đan đát gắn với phát triển du lịch

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Để thu hút du khách, địa phương mở tour du lịch làng nghề kết hợp tham quan các chùa Khmer, như: Chùa Phật nổi, chùa bốn mặt, chùa Bửu Tâm, chùa Champa… ở xã Phú Tân.

Nghề đan đát ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng có bề dày lịch sử hơn 100 năm. Đồng bào Khmer ở xã Phú Tân đang bảo tồn nghề truyền thống của cha ông gắn với phát triển du lịch, đưa xã Phú Tân trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách gần xa.

Xã Phú Tân, tỉnh Sóc Trăng, bảo tồn nghề đan đát gắn với phát triển du lịch - ảnh 1Sản phẩm mây tre đan của Hợp tác xã mây tre đan Đất Phương Nam. Ảnh: Ngọc Anh

 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 
Từ những vật liệu, như: mây, tre, trúc, nứa… qua đôi bàn tay khéo léo, người dân xã Phú Tân đã tạo ra những sản phẩm phong phú, đa dạng sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, như: rổ, rá, thúng, xà ngom (dụng cụ chủ yếu dùng để bắt cá rô), xà neng (dụng cụ dùng để xúc lúa, bắt cá, hái rau)… Bà Lâm Thị Phên, người dân xã Phú Tân, cho biết: “Nghề đan đát của chúng tôi là nghề truyền thống của ông cha để lại. Nhà tôi làm nghề này 3 đời rồi, từ ông ngoại đến cha tôi, rồi đến tôi. Hồi nhỏ, 10 tuổi tôi đã biết làm. Chúng tôi rất tự hào bởi vì làng của chúng tôi là một trong những làng nghề nổi tiếng ở tỉnh Sóc Trăng. Tôi mong muốn truyền lại nghề này cho con cháu tôi”.

Trước đây, các hộ dân trong xã Phú Tân làm nghề manh mún nhưng nay họ đã liên kết lại với nhau hình thành các tổ, hợp tác xã, vừa sản xuất, kinh doanh kết hợp phát triển du lịch, dịch vụ. Các hợp tác xã cung cấp nguyên liệu và thu mua bao tiêu sản phẩm cho bà con. Bà Trương Thị Bạch Thủy, Giám đốc Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết, cho biết: “Hiện tại, hợp tác xã có trên 700 sản phẩm. Sản phẩm cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Đối với xuất khẩu, đa phần là hàng tiêu dùng, sọt đựng quần áo phục vụ cho nhà hàng, khách sạn. Chúng tôi còn cung cấp nguyên liệu xây dựng bằng mây tre cho các homestay, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch”.

Xã Phú Tân, tỉnh Sóc Trăng, bảo tồn nghề đan đát gắn với phát triển du lịch - ảnh 2Người dân xã Phú Tân làm nghề. Ảnh: Ngọc Anh

Những sản phẩm đan đát của xã Phú Tân không những đã có mặt ở nhiều địa phương trong cả nước mà còn được xuất khẩu. Anh Nguyễn Văn Huynh, Giám đốc Hợp tác xã mây tre đan Đất Phương Nam, cho biết: “Chúng tôi làm gia công cho một công ty để xuất khẩu đi Nhật Bản, Trung Quốc, Canada, Thái Lan… Trong nước thì bán ở Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ. Bán lẻ, bán buôn, bán combo cũng có. Ngoài sản phẩm du lịch, chúng tôi còn làm những sản phẩm trang trí nội thất gia đình. Chúng tôi tham gia xây dựng hoặc thiết kế nhà hàng, khách sạn, những công trình nhà bằng tre”.

Sản phẩm đan đát xã Phú Tân ngày càng phong phú. Đặc biệt, những dụng cụ lao động truyền thống của người nông dân được bà con thu nhỏ lại để làm quà tặng du lịch, như: nhữn chiếc ghe ngo nhỏ, khay đựng trầu thành các mặt hàng thủ công mỹ nghệ được du khách rất ưng ý, mua khá nhiều. Chị Quách Tiểu Phụng, du khách đến tham quan xã Phú Tân, bày tỏ: “Mình thấy sản phẩm rất tinh xảo và đẹp. Đây là nghề truyền thống cần phải lưu giữ, phát triển được. Sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài là du khách rất thích”.

Xã Phú Tân, tỉnh Sóc Trăng, bảo tồn nghề đan đát gắn với phát triển du lịch - ảnh 3Lãnh đạo địa phương tham quan Hợp tác xã mây tre đan Đất Phương Nam. Ảnh: Ngọc Anh

Để thu hút du khách, địa phương mở tour du lịch làng nghề kết hợp tham quan các chùa Khmer, như: Chùa Phật nổi, chùa bốn mặt, chùa Bửu Tâm, chùa Champa… ở xã Phú Tân.

Ngày nay, đến xã Phú Tân, du khách không chỉ được tìm hiểu, trải nghiệm nghề đan tre nứa thủ công mà còn được chiêm ngưỡng không gian nghệ thuật đặc sắc với đầy đủ những mặt hàng mây, tre. Nhờ bảo tồn, phát huy nghề đan đát truyền thống gắn với phát triển du lịch, sản phẩm đan đát xã Phú Tân ngày càng được nhiều người biết đến và trở thành nét độc đáo của đồng bào Khmer nơi đây.

Feedback