Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Vợ chồng anh Lê Xuân Hà và chị Lê Thị Ưng đã xây dựng trang trại Hón Mũ, nơi con người sống thuận theo tự nhiên.
Năm 2013, sau gần 4 năm phiêu bạt kiếm sống thành phố không được như ý, anh Lê Xuân Hà trở về làm nông dân trên mảnh đất 10 ha của bố mẹ khai hoang trước đây ở quê dưới núi Hón Mũ, xã Tân Thành. Khi đó nơi đây là đồi trọc, Hà bắt tay vào trồng cây keo tai tượng, tre, vầu nứa… Cưới vợ, sinh con, anh mời mẹ về ở cùng. Hai phụ nữ trong nhà lo trồng rau, chăn nuôi, còn anh cùng một vài công nhân người quanh vùng khai hoang trồng rừng, mở trang trại Hón Mũ.
Trang trại Hón Mũ. Ảnh: etime.danviet.vn |
Anh Lê Xuân Hà bộc bạch: “Tôi không sống cô độc như thế được. Tôi bắt đầu xây dựng một ngôi làng trên chính mảnh đất của mình, mình bắt đầu xây dựng nông trại Hón Mũ này. Tôi khai hoang đất làm nhà ở, làm vườn, tự cung tự cấp phi thương mại. Sau khi xây dựng thì một thời gian sau cũng có người đến”.
Một ngày mới ở Hón Mũ bắt đầu, đàn gà lục tục kiếm ăn, ong thả sức hút mật, còn Mắm và Muối - tên hai người con của vợ chồng trẻ Lê Xuân Hà, Lê Thị Ưng, một bạn 7 tuổi, một bạn 5 tuổi - thì đang bận rộn xuống suối bắt tép về cho bữa trưa. Lê Xuân Hà thì bắt đầu ngày mới bằng một bài sáo yêu thích bên bờ suối.
Trang trại Hón Mũ không phải là địa điểm du lịch nhưng vẫn thu hút một số du khách thích khám phá thiên nhiên, những người thích đi “phượt”. Khách tự trồng rau, tự nấu nướng, tự chặt tre dựng nhà nếu muốn ở lâu dài. Hầu hết thực phẩm, đồ tiêu dùng đều được sản xuất tại chỗ. Gội đầu bằng bồ kết, tắm nước lá cây cỏ, kem đánh răng chế từ chanh muối với lá trầu không, rau, lúa tự trồng. Số tiền khách mang theo người thường để trước lúc về mua tinh dầu sả, đồ thủ công lưu niệm của nông trại về thành phố làm quà.
Trong quá trình tham quan, sống trải nghiệm chủ và khách có thể cùng tập thiền, tọa đàm về sức khỏe, thiên nhiên. Có nhiều người từ thành phố, ban đầu vì là tò mò sau đó thích thú mô hình sống xanh, luyện kỹ năng tồn tại đã đến làm nhà và ở lại, người ở lâu nhất tới 2 năm rưỡi. Trang trại có 7 nhà tranh thì 4 nhà là do khách tự dựng.
Sản phẩm ống hút tre được tiêu thụ rộng rãi qua các trang mạng xã hội và xuất khẩu sang Pháp, Đức, Nhật Bản qua các đại lý thu mua. Ảnh: Zing |
Xung quanh Hón Mũ là các bản làng của đồng bào dân tộc Thái, Mường, vì vậy gia đình anh Hà học hỏi được kinh nghiệm trồng tre nứa và mở xưởng đan lát đồ thủ công mỹ nghệ. Chị Lê Thị Ưng cho biết: “Kiếm ngành nghề khác để tự làm kinh tế. Chọn hướng làm thủ công có thể tự sản xuất tại quê hương, như đồ gỗ, mây tre đan. Chỗ em có nguồn nguyên liệu tre nứa rất nhiều, không bán cho nhà máy với giá 30.000 nghìn nữa và mình chế tác và bán được với giá hàng triệu đồng. Đi gom nguyên liệu ở các bản gần đây, ngồi nhà làm đồ này thôi, đan rất đẹp”
Sản phẩm thủ công Hón Mũ nhiều lần tham dự Hội chợ của tỉnh, huyện và nhận được phản hồi tốt từ khách hàng. Hiện tại mỗi tháng xưởng sản xuất 50.000-100.000 ống, doanh thu khoảng 50 triệu. Sản phẩm ống hút tre được tiêu thụ rộng rãi qua các trang mạng xã hội và xuất khẩu sang Pháp, Đức, Nhật Bản qua các đại lý thu mua. Trung bình một năm xưởng sản xuất cung cấp 3 triệu sản phẩm ra thị trường. Ống hút tre được huyện Thường Xuân lựa chọn thành sản phẩm OCOP của địa phương.
Ông Vi Nguyên Huynh, Phó phòng Nông nghiệp huyện Thường Xuân, cho biết: “Sản phảm thân thiện với môi trường, có chiều hướng phát triển thay cho sản phẩm nhựa gây độc hại cho con người. Huyện hỗ trợ chính sách kích cầu để phát triển sản phẩm này”
Khi xưởng sản xuất ống hút tre đi vào hoạt động ổn định, công việc được Lê Xuân Hà bàn giao cho anh trai Lê Xuân Hải quản lý, để bản thân chuyên tâm vào việc xây dựng nông trại như ý định ấp ủ ban đầu. Từng bị người đời coi là kẻ gàn dở, nhưng tới nay trang trại của vợ chồng anh Hà trở thành mô hình thân thiện với môi trường và sinh lợi kinh tế, nên được người dân ở địa phương học hỏi làm theo.
Trang trại Hón Mũ đã trở thành một hệ sinh thái rừng, sinh sôi và phát triển từng ngày. Bạn mới đến, bạn cũ đi, bạn cũ lại dẫn theo bạn mới đến khám phá. Trang trại Hón Mũ là nơi sẻ chia, trò chuyện của những ai sống gần gũi với thiên nhiên.