Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Khoảng 5 năm trước, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, có tỷ lệ hộ nghèo chiếm khoảng 34% và được xem là xã nghèo nhất tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, ngày nay với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, người dân xã Khánh Lâm đang ngày càng khá giả. Vùng đất nghèo nay như được khoác chiếc áo mới và đang tất bật hoàn thiện các tiêu chí để chuẩn bị đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới.
Gia đình ông Lê Văn An về định cư tại xã Khánh Lâm từ năm 2003. Gia đình ông có 7 ha đất rừng. Theo quy định, ông được thực hiện chuyển đổi 30% diện tích để sản xuất nông nghiệp. Thời điểm đó, gia đình ông An chỉ trồng lúa, mỗi vụ được mùa mới được 10 giạ lúa/công nên rất khó khăn. Sau đó, ông An chuyển qua trồng cây ăn quả, dưới ao thả nuôi cá. Ban đầu ông thử nghiệm diện tích khoảng 0,5 ha, với khoảng 200 gốc bưởi, xoài. Sau 3 năm, mỗi cây bưởi cho thu hoạch có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa.
Gia đình ông Lê Van An vươn lên nhờ đa canh. |
Từ đó, ông Lê Văn An nhân rộng mô hình ra toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của gia đình. Ngoài ra, gia đình ông An còn tận dụng các khoảng đất trống dưới tán cây ăn trái trồng các loại rau màu. Khoản thu từ rau màu giúp gia đình ông trang trải trong cuộc sống hằng ngày. Còn khoản thu hơn 100 triệu đồng/năm từ cây ăn trái và cá đồng giúp gia đình ông không chỉ thoát cảnh nghèo mà ngày càng khá giả.
Ông Lê Văn An cho biết: " Làm thử 5 công tầm nhỏ, kể cả vườn và mương. Mỗi năm thu trên 30 triệu vườn trái cây, cá nuôi mỗi năm kiếm thêm vài chục triệu. Kinh tế như vậy là cao nên tiến hành mở rộng, làm hết diện tích đất nông nghiệp. Cây ăn trái thì hiệu quả rất cao, so với lúa thì hiệu quả gấp cả chục lần."
Nhận thấy hiệu quả của mô hình, chính quyền địa phương đã có những hỗ trợ về vốn và khuyến khích người dân địa phương nhân rộng. Gia đình anh Nguyễn Văn Tình là một trong những hộ được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế. Ban đầu anh Tình học hỏi trồng thử nghiệm trồng rau. Thấy đầu ra ổn định anh Tình đã quyết định vay vốn ngân hàng để đầu tư mô hình trồng rau sạch trên diện tích hơn 1 ha. Cùng với đầu tư nhà lưới diện tích khoảng 400 m2 trồng rau sạch, diện tích còn lại anh kết hợp trồng cây ăn trái và nuôi cá đồng.
Anh Nguyễn Văn Tình mạnh dạn đầu tư làm nhà lưới trồng rau. |
Mô hình đã phát huy được hiệu quả và đang giúp cuộc sống gia đình anh Nguyễn Văn Tình khởi sắc. "Tôi thấy vùng đất mình có phèn nên dùng lân, vôi và phân bò kết hợp xử lý, rồi trồng thì thấy được. Bà con mà biết kỹ thuật chăm sóc thì rau rất tốt. Trước tôi trồng thử, có mối giao bán thì thấy cũng đỡ. Một luống rau chỉ mười mấy mét vuông nhưng tôi thu bán được 600 ngàn đồng."
Từ sự cố gắng của chính quyền và người dân trong phát triển sản xuất mà hiện thu nhập bình quân đầu người của xã Khánh Lâm đã đạt 45 triệu đồng/người/năm. Vào năm 2016, xã có khoảng 1.100 hộ nghèo thì nay chỉ còn khoảng 200 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ chưa đến 6%. Đặc biệt, Khánh Lâm là một trong những địa phương có hệ thống giao thông nông thôn hoàn thiện nhất huyện U Minh.
Bộ mặt nông thôn ở đất rừng U Minh đã có nhiều thay đổi. |
Ông Huỳnh Thanh Luol, Phó Chủ tịch xã Khánh Lâm, cho biết có được thành công đó là nhờ công tác tập trung phát triển kinh tế hiệu quả. Khi đời sống người dân đã khá giả thì bà con sẵn sàng đóng góp vào các công tác xã hội: "Hằng năm, xã tập trung cho công tác tuyên truyền, vận động bà con nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả trên địa bàn. Từ đó bà con vươn lên thoát nghèo. Chúng tôi tập trung chỉ đạo có trọng tâm như phải nhân rộng mô hình thế mạnh là nuôi cá đồng, trồng hoa màu, cây ăn trái. Qua đó, hằng năm tỷ lệ hộ nghèo đều giảm mạnh."
Trong công tác xây dựng nông thôn mới, xã Khánh Lâm đã đạt 15/19 tiêu chí. Theo kế hoạch, trong năm nay xã về đích nông thôn mới. Hiện xã Khánh Lâm đang tập trung hoàn thành các tiêu chí còn lại để trở thành xã thứ 4 của huyện U Minh về đích nông thôn mới.