Cù lao Thới Sơn còn gọi là cồn Thái Sơn hay cồn Lân, nằm ở hạ lưu sông Tiền, thuộc xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Điều làm nên sự hấp dẫn và quyến rũ của Thới Sơn không chỉ ở chỗ đây là vùng đất của các loại trái cây thơm ngon, mà còn là một địa điểm du lịch miệt vườn lý tưởng cuối tuần. Người dân ở Thới Sơn nhiều năm nay tham gia cung cấp các loại hình du lịch sinh thái cho du khách nước ngoài.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Ngay từ năm 1998, cù lao Thới Sơn đã là điểm dừng chân không thể thiếu trong các tour du lịch sông Mê Kông. Đến nay, Thới Sơn vẫn là điểm du lịch có “thương hiệu” của miền Tây Nam bộ. Hôm nay, anh Hình Thanh Khoa, hướng dẫn viên của công ty VietNam Adventure, đưa một đoàn khách nước ngoài đến Thới Sơn.
Du khách thăm vườn nhà ông Tám Cho.( Thu Hoa/VOV5) |
Là vùng đất của cây trái miệt vườn, Thới Sơn không có những ồn ào náo nhiệt của phố phường đô thị. Chỉ có những nét duyên quê của những chiếc ghe xuôi theo kênh, rạch, những cây dừa nước đong đưa, những cây thủy liễu nghiêng mình theo gió. Vào đến Cù Lao, sau những tản bộ trên con đường bằng đá uốn lượn quanh co là có thể hít thở không khí trong lành từ những vườn cây trái sum xuê. Không khí nơi đây mang lại sự yên ả đến trong lành.
Những ngôi nhà của người dân Thới Sơn vẫn giữ được nét cổ kính, xưa cũ. Điển hình như nhà của ông Tám Cho. Nhà có nhiều cột gỗ, mái nhà có chín cây đòn tay bố trí theo thuật phong thủy: Kiên - Trừ - Mãn - Bình - Ðịnh - Chấp - Phá - Nguy - Thành. Trong nhà, cách bài trí cũng theo phong cách cổ xưa với chiếc tủ thờ, tràng kỷ cùng đôi liễn chạm câu đối sơn son thếp vàng… Xung quanh nhà là vườn bonsai được trồng tỉa công phu. Gia chủ phối hợp với các công ty du lịch ở thành phố Hồ Chí Minh đón khách nước ngoài thăm nhà, thăm vườn. Trong thời gian khoảng 30 phút dừng chân tại đây, khách được dùng trà, trái cây và nghe hát đờn ca tài tử.
Thử trà mật ong vườn nhà ông Lê Hoàng Sơn. ( Thu Hoa/VOV5) |
Đi hết vườn của nhà ông Tám Cho, lại băng qua những vườn cây trái xum xuê, băng qua một con đường đầy nắng để đến nhà vườn của ông Lê Hoàng Sơn. Ông Lê Hoàng Sơn có vườn lan khoảng 2700 m2, với khoảng 10 ngàn cây lan. Ông Lê Hoàng Sơn kể: “Ngày xưa ở đây cũng là vườn nhãn xuồng cơm vàng. Rồi con gái kêu tôi chuyển hướng sang trồng lan đi. Đầu tiên mình trồng lan rồi thì mình cũng cắt cành bán nhưng không thấy khả quan nên gia đình tính lại, chuyển sang làm du lịch. Bước đầu mình phải chịu lỗ khoảng 3 năm. Bắt đầu từ thời điểm này mới có khách tương đối. Thời điểm đông khách khoảng từ tháng 9 năm nay đến tháng 4 năm sau. Vườn cây trái lúc đó cũng đẹp. Nếu đã tham gia các tour du lịch thì mình phải chăm sóc vườn để lan có bông”
Ông Lê Hoàng Sơn, chủ vườn Lan Thảo Nguyên. ( Thu Hoa/VOV5) |
Vườn lan của ông Lê Hoàng Sơn đến nay đã 4 năm tuổi. Cùng với vườn lan, ông còn có một cơ sở sản xuất mật ong rừng tên gọi là Lan Thảo Nguyên. Khách đến vườn ông, được ngắm lan, chụp hình lưu niệm, lại còn được nếm thử mật ong rừng. Ông Lê Hoàng Sơn còn có thể giới thiệu cả về vùng đất cù lao: “Cù lao Thới Sơn diện tích hơn 1 ngàn ha, trong đó khoảng 500 ha đất canh tác. Người dân cù lao Thới Sơn chủ yếu trồng nhãn, nhãn xuồng cơm vàng, nhãn quế và làm long nhãn. Nhãn bây giờ người dân có thể xử lý để nhãn ra trái quanh năm nên rất thuận tiện cho vấn đề nuôi ong. Vì nuôi ong phải di chuyển, vùng nào có hoa thì phải di chuyển ong đến vùng đó nên có hoa nhãn quanh năm thì có thể nuôi ong cố định ở vườn. “
Ông Lê Hoàng Sơn đã sống ở Cù lao Thới Sơn hơn nửa đời người. Theo thời gian, ông thấy đời sống của người dân nơi đây tốt hơn nhiều do làm du lịch sinh thái. Trên Cù lao có nhiều hộ gia đình dùng vườn cây trái để nuôi ong và kinh doanh du lịch giống như ông Lê Hoàng Sơn. Đó là chưa kể nhiều gia đình còn tham gia cung cấp dịch vụ cho du lịch sinh thái như chèo đò, làm quà lưu niệm thủ công mỹ nghệ. Ước tính, du lịch sinh thái nhà vườn ở Cù lao Thới Sơn chiếm 50% lượng khách du lịch đến Tiền Giang. Người dân nơi đây mỗi ngày đón từ 1.500 - 3.000 lượt khách tham quan và tận hưởng phong cảnh miệt vườn.