Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Có thể kể đến là Tết trồng cây để bảo vệ môi trường sinh thái. Đó là lễ hội xuống đồng để cầu cho mùa màng tươi tốt. Những lễ hội này đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt, được giữ gìn, vun đắp và người dân đồng lòng hưởng ứng.
Lễ hội xuống đồng truyền thống người dân Trung Thành- Phổ Yên (Thái Nguyên). -Ảnh: Báo Thái Nguyên |
Lễ hội xuống đồng vừa được tổ chức tại xóm Thanh Hoa, xã Trung Thành, huyện Phổ Yên (Thái Nguyên), ngay những ngày đầu xuân Canh Tý. Lễ hội mang đậm bản sắc của nền văn minh lúa nước Việt Nam.
Phần thi cấy, thi cày, có sự tham gia của hơn 20 đội thi đến từ các xã trên địa bàn thị xã, không chỉ đòi hỏi sự nhanh tay mà còn yêu cầu đường cày thẳng, đảm bảo kỹ thuật. Theo quan niệm của người nông dân Việt Nam, chọn ngày khai xuân xuống đồng không chỉ để kịp thời vụ, mà còn có ý nghĩa văn hóa gắn liền với tập quán canh tác khai xuân đúng ngày tốt sẽ cho vụ mùa bội thu.
Điều đặc biệt ở hội xuống đồng đầu xuân năm nay là cùng với việc thi cấy, thi cày truyền thống thì ngành nông nghiệp Phổ Yên - Thái Nguyên cũng đưa cơ giới vào các khâu làm đất, gieo cấy, với hy vọng giải phóng sức lao động, mang lại năng suất cao hơn cho vụ mùa. Chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên), Bùi Văn Lương cho biết:"Năm nay chúng tôi đẩy mạnh và có chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật và cũng hy vọng, lễ hội cũng động viên bà con nông dân, có một mùa màng bội thu."
Quảng Ninh phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" nhân dịp đầu năm mới 2020 - Ảnh: quangninh.gov.vn |
Cùng với lễ hội xuống đồng đầu xuân, những ngày qua, Tết trồng cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động từ mùa Xuân năm 1960, lan tỏa ở các làng, xã. Ngay từ cuối tháng Chạp, các đội trồng cây ở nhiều làng, xã đã chọn những trục đường, tuyến kênh mương, khu đất trống…để trồng cây dịp đầu Xuân. Tiếp đó, phân công người đào hố, ủ mùn, cắt cử người đánh sẵn bầu cây, hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây để lựa chọn các chủng loại cây phù hợp với từng loại đất ở từng vùng… Để bắt đầu từ ngày mùng 4, mùng 5 Tết, người dân tham gia trồng cây. Nhờ đó, ở nhiều làng quê, cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây bóng mát bao phủ nhiều trục đường, bờ kênh mương, trường học, trạm xá...
Ông Đinh Ngọc Chiến, Phó chủ tịch UBND thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh), địa phương vừa tổ chức Tết trồng cây, cho biết: "Tết trồng cây đầu xuân được thành phố Cẩm Phả duy trì rất nhiều năm nay. Đặc biệt là cứ mỗi dịp nghỉ Tết xong thì thành phố phối hợp với ngành than trên địa bàn để tiến hành đồng loạt ra quân trồng cây đầu năm. Đây là 1 trong những ý nghĩa rất lớn ngoài việc chúng ta bảo vệ môi trường môi trường, giữ gìn cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp, còn là thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh hưởng ứng Tết trồng cây."
Tết trồng cây, lễ hội xuống đồng đã trở thành nét đẹp truyền thống văn hóa đầu xuân của nhiều làng quê Việt Nam, đem lại lợi ích về kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững. Vì vậy, mùa xuân còn được gọi là mùa gieo trồng của làng Việt.