Làng nghề thêu ren Văn Lâm, Ninh Bình

Tô Tuấn
Chia sẻ
(VOV5) - Những người thợ Văn Lâm đã làm ra những sản phẩm thêu ren mang vẻ đẹp độc đáo, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Làng nghề thêu ren Văn Lâm, Ninh Bình - ảnh 1 Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Trong các làng nghề thêu  truyền thống ở Việt Nam, làng Văn Lâm thuộc xã Ninh Hải, tỉnh Ninh Bình là một trong những nơi hội tụ những tinh hoa của nghề thêu ren ở Việt Nam. Với sự sáng tạo, thừa kế nghề di sản của cha ông, những người thợ làng Văn Lâm đã làm ra những sản phẩm thêu ren mang vẻ đẹp độc đáo, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Nằm ngay cạnh khu vực quần thể danh thắng, di sản văn hóa thiên nhiên thế giới Tràng An, làng Văn Lâm có nghề thêu truyền thống lâu đời và nổi danh khắp cả nước. Những di tích lịch sử còn lưu giữ  trong làng cho thấy: nghề thêu đã có ở đây  hơn 700 năm, trước đây, dân làng Văn Lâm chuyên thêu các loại trang phục,  phục vụ nghi thức, nghi lễ đời sống văn hóa tâm linh của các triều đại phong kiến. Đến năm 1910, dưới thời Thực dân Pháp, có 2 người làng Văn Lâm là cụ Đinh Ngọc Hênh và Đinh Ngọc Xoan đã học được nghề thêu ren của người Pháp. Khi đã học được nghề, các cụ về truyền dạy lại cho dân làng. Kể từ đó làng Văn Lâm có thêm  nghề nghề thêu ren dua và cũng nhờ đó tạo bước chuyển cho làng nghề. Với đôi bàn tay khéo léo tài hoa, nghề ren Văn Lâm mau chóng phát đạt và trở thành một trong những làng nghề làm ren dua đẹp nhất Việt Nam.

Ông Vũ Thanh Lâm, nghệ nhân thêu quê ở làng Văn Lâm, kể: "Nghề thêu của làng Văn Lâm được các cụ để lại  qua nhiều thế hệ. Trải qua nhiều giai đoan thăng trầm,  nghề thêu vẫn được duy trì và làm ra các sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài. Đến nay, nghề thêu được chú trọng và phát triển mạnh mẽ. Sản phẩm thêu của làng Văn Lâm đã đi khắp các nước trên thế giới , nhất là khu vực châu Âu và khu vực Đông Bắc Á".

Bằng những sợi chỉ mảnh mai, cùng những miếng vải rộng, hẹp, đủ mọi mầu sắc, với đôi bàn tay vàng, người thêu ren làng Văn Lâm đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật. Đường nét thêu ren rất tinh xảo, uyển chuyển, mềm mại, thanh tú, nhưng lại sống động, mịn màng như những nét vẽ. Bà Đinh Thị Loan là một trong số ít thợ giỏi vẫn giữ được các kỹ thuật, bí quyết thêu từ thời cha ông để lại tâm sự: "Gia đình tôi đã có 3 đời làm nghề thêu, các con tôi giờ đều làm nghề. Những chi tiết cổ  rồi kỹ thuật mà các cụ để lại như thêu đâm xôi, thâu nối đầu, thêu bó hạt…là  cách thêu hầu như chi có ở Văn Lâm. Thêu màu thì phải xô chỉ làm sao cho mịn , trong phối màu hài hòa những vẫn phải mịn mặt chỉ. Còn thêu cài răng lược thì mình phải đi đường kim sao cho đứng cách".

Nếu như bà Loan nổi tiếng về kỹ thuật thêu màu thì nghệ nhân Hồng Yến lại nổi danh về kỹ thuật thêu ren với hàng trăm mẫu ren dua. Bà cũng là người đi tiên phong trong việc kết hợp thêu ren với thêu màu để đưa vào các sản phẩm thời trang như: các loại  váy, áo, túi xách, giày dép…Nhờ đó, sản phẩm thêu của làng nghề phát triển rất phong phú, đó là những tấm ga trải giường, mặt gối, bộ khăn ăn, rèm cửa, áo ki-mô-nô, áo hanbok, khăn tay, tranh, ảnh... với những chi tiết thêu mượt mà, óng ánh như điểm bạc,những phần thêu dua của Văn Lâm luôn mềm mại duyên dáng. Với sự đa dạng về mẫu mã, chất lượng và uy tín, hàng thêu Văn Lâm ngày một nâng lên, tạo được lòng tin với khách hàng Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Italia, Anh, Mỹ.. Các sản phẩm thêu ren của Văn Lâm còn có mặt ở các Hội chợ, các điểm du lịch trong khắp cả nước, luôn được khách hàng trong nước và quốc tế ưa chuộng.

Chị Đinh Thị Mai quê gốc làng Văn Lâm hiện có cửa hàng giới thiệu sản phẩm thêu ren trên phố Hàng Gai, Hà Nội, cho biết: "Người Việt Nam mình học thêu ren của người Pháp, nhưng giờ kỹ thuật thêu của người Việt phát triển vượt bậc với nhiều mẫu mã, cải cách phong phú. Nhiều khách phương Tây đến đây đặt hàng, đến khi nhận hàng hàng đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy sản phẩm thêu còn đẹp hơn cả mẫu mà họ đưa đến. Nhận những lời khen từ khách hàng, tôi cũng tự hào về con người, quê hương của mình".

Hiện nay, làng nghề Thêu Văn Lâm có 9 doanh nghiệp, hàng chục tổ hợp sản xuất và trên 700 hộ gia đình làm nghề thêu, hàng năm đạt doanh thu 80-90 tỷ đồng từ nghề thêu. Văn Lâm đang kết hợp hài hòa giữa phát triển làng nghề và du lịch để thúc đẩy làng nghề phát triển một cách bền vững. Dọc hai bên đường vào Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động là các cửa hàng san sát bày bán các sản phẩm như khăn tay, áo, tranh… Những người phụ nữ Văn Lâm vẫn miệt mài bên những khung thêu không chỉ làm giàu cho gia đình, mà còn thả hồn vào những sản phẩm văn hóa độc đáo mang cả hình ảnh, con người, non nước của vùng quê di sản.

Feedback