Họ không chỉ bị thu hút bởi kiến trúc ngôi làng cổ có nhà sàn đá độc đáo mà còn muốn tìm hiểu về văn hóa, nếp sống sinh hoạt của những con người dân tộc Tày ở đây, khi ngôi làng “Tây” này đang từng ngày thay da đổi thịt với mô hình du lịch homestay.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Quang cảnh làng Khuổi Ky. |
Ngôi làng trải rộng khoảng 1ha, với 14 nóc nhà trong thế lưng tựa vào núi, mặt hướng về dòng suối Khuổi Ky. Nhà sàn đá được thiết kế có 2 mái, lợp bằng ngói âm dương. Du khách đi qua những chiếc cổng bằng đá được trang trí bằng những chậu hoa rừng, bước lên từng bậc thang đá, sẽ bị mê hoặc bởi nội thất căn nhà xuất hiện với những cột gỗ thẳng hàng, trần và sàn nhà đều được làm bằng gỗ.
Nắm được lợi thế của mình, người dân Khuổi Ky đang đầu tư cho du lịch cộng đồng (homestay). Hiện nay, người dân làng Khuổi Ky phát triển mô hình du lịch trải nghiệm, từng đợt khách du lịch ghé thăm được trải nghiệm sinh hoạt theo văn hóa người Tày trong nhà sàn đá.
Anh Triệu Ích Xí, xóm Hhuổi Ky, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, là hộ dân đi đầu trong mô hình kinh tế homestay tại địa phương, chia sẻ: Mô hình homestay được xây dựng trên nền nhà sàn đá có sẵn, để đáp ứng nhu cầu mở homestay, gia đình đã sửa sang lại: “Khi tôi sinh ra đã thấy có nhà sàn đá rồi. Nghe các cụ kể lại là nhà đá thoáng về mùa hè ấm áp về mua đông. Mùa hè nắng nực cũng không đến bên trong vì tường đá dầy và mua đông thì ấm. Trên nền nhà đã có 5 gian mình đảo lại ngói, làm lại sàn, trà lại sàn, dọn dẹp nhà sách sẽ, mua đệm mua chăn màn mới.”
Phòng ngủ cộng đồng tại nhà sàn homestay Khuổi Ky. - Ảnh: khomestay.com.vn |
Vẻ đẹp, nét cổ kính tại làng đá Khuổi Ky và lòng hiếu khách của người dân nơi đây truyền tai từ người này đến người khác, các khách du lịch tìm đến Khuổi Ky để khám phá và trải nghiệm. Từ đây, nguồn thu từ dịch vụ du lịch giúp đời sống của người dân thêm no đủ. Anh Triệu Ích Xí chia sẻ: “Hiện nay chúng tôi vẫn trồng ngô, trồng lúa. Nhà mình mở du lịch cũng có khách ngày có 1, 2 khách nên kinh tế gia đình cũng khá giả hơn. Trước trồng ngô trồng lúa chỉ đủ ăn. Muốn con đi học thì phải bán ngô lúa đi. Nhưng mở du lịch có được tiền từ khách lưu trú nên cũng đỡ về kinh tế hơn. Từ khi làm du lịch gia đình cũng khá giả hơn, cũng mua săm được đồ đạc thiết bị trong gia đình như tủ lạnh, ti vi, xe máy chú ngày xưa thì không có.”
Làng Tày cổ Khuổi Ky, xã Đàm Thủy gần đây đã đầu tư phát triển dịch vụ lưu trú homestay cộng đồng có chất lượng. Các mô hình này thu hút được lượng khách đáng kể đến thăm, bao gồm cả khách trong nước và khách quốc tế. Điểm Khuổi Ky hiện có 10 nhà cung cấp dịch vụ homestay. Các homestay này có đủ các điều kiện vật chất để phục vụ như: nhà vệ sinh khép kín, bình nóng lạnh, chăn ga gối đệm tiêu chuẩn. Khách Việt hiện chiếm 60%, 40% còn lại là khách du lịch quốc tế.
Anh Triệu Ích Xí cho biết: Thường thường ở đây khách nước ngoài họ đi tuor kết hợp với nhiều đoàn dưới Hà Nội lên, mỗi tháng 1,2 lần. Khách gọi là “Tây ba lô” thì họ thường đến đều hơn: “Khách có nhiều nhu cầu về ăn nghỉ. Khách có thể đi nhà hàng ăn, hoặc có thể muốn ăn cùng gia đình thì buổi tối các hộ thường xào rau nấu cơm cho khách ăn theo nhà mình. Bây giờ dân tộc có nhiều món đặc sản như lạp xưởng, thịt gác bếp, thịt hun khói và nhiều loại rau củ quả… Mỗi người sẽ 100 ngìn/ 1 người / đệm”
Trước làng Khuổi Ky có dòng suối nước mát, du khách có thể tắm suối thoải mái vào mùa nóng. Mùa lạnh, các nhà trong làng đều có bình nước nóng lạnh và chỗ nấu ăn với bếp ga, tủ lạnh và một số đồ dùng cần thiết để khách có thể tự nấu ăn. Du khách còn có thể theo chân người dân tham gia các trải nghiệm cuộc sống sản xuất và lao động của người dân tộc Tày tại đây. Khách có thể được đi hái măng, đào củ hay đi làm đồng, bắt cá hoặc cùng chế biến những món ăn đặc trưng của người Tày, như món thịt heo hun khói, lạp xưởng gác bếp và các loại rau sạch trồng ở bìa rừng.
Một gia đình du khách nước ngoài đang thưởng thức những món ăn dân dã, đặc trưng của bản địa tại homestay. - Ảnh: Báo Tuổi trẻ |
Làng Khuổi Ky có 100% hộ là dân tộc Tày với phong tục, tập quán, nếp sống sinh hoạt, trang phục thuần chất bản địa. Chính vì vậy khi đến làng Khuổi Ky, du khách cũng sẽ cảm nhận được bản sắc văn hóa riêng biệt của người Tày miền Đông Cao Bằng. Đây cũng chính là chủ trương lớn của huyện Trùng Khánh trong thời gian tới.
Ông Đàm Văn Vũ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, cho biết: “Hiện nay huyện Trùng Khánh ngoài hơn 10 hộ homestay tại làng đá Khuổi Ky thì còn có một số xã cũng bắt đầu phát triển. Có 1 HTX Thanh niên cũng đang đầu tư để phát triển du lịch cộng đồng. Thực hiện đề án phát triển trên địa bàn huyện, trong đó có mô hình phát triển homestay, còn có sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện, ngoài ra còn có 1 số dự án phi chính phủ tập trung hỗ trợ, như dự án phát triển nông thôn, dự án VE 036. Hiện nay có 3 hộ được dự án hỗ trợ ngay tại làng Khuổi Ky. Bước đầu đang thực hiện triển khai cũng mang lại hiệu quả có thu nhập cho các hộ mở homestay theo dự án hỗ trợ.”
Năm 2008, làng Khuổi Ky được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là “Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người”. Từ đây, ngôi làng càng thu hút nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Nhờ biết tận dụng lợi thế thiên nhiên tươi đẹp, bề dày văn hóa để phát triển mô hình du lịch cộng đồng, người dân ở đây có thêm thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.