Kon Tum đột phá trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP

Khoa Điềm
Chia sẻ
(VOV5) - Tính đến hết năm 2021, tỉnh Kon Tum đã xây dựng được 146 sản phẩm OCOP xếp hạng từ 3 đến 5 sao. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP, năm 2021 tỉnh Kon Tum xây dựng được 58 sản phẩm, nâng tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh lên 146 sản phẩm và đều đạt từ 3 đến 5 sao. Không những vậy ngay bối cảnh khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các chủ thể của sản phẩm OCOP, ngành chức năng tỉnh Kon Tum đã có nhiều sáng tạo trong kết nối, tiêu thụ đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng tăng được giá trị góp phần cải thiện cuộc sống người dân nông thôn.
Kon Tum đột phá trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP - ảnh 1Một cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP ở thành phố Kon Tum.

Xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, nổi tiếng với sản phẩm OCOP măng le rừng sấy khô. Năm 2021, người dân trong xã khai thác, chế biến được khoảng 12 tấn măng le khô bán ra thị trường. Ngay trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, sản phẩm OCOP măng le khô của xã Đăk Pxi vẫn được người tiêu dùng đón nhận. Tại các siêu thị, sản phẩm này được bán với giá 300.000 đồng/kg và dịp trước Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ mạnh nhất.

Theo anh A Sáo, làng Kon Pao Kla, nhờ tham gia làm sản phẩm OCOP nâng cao được giá trị, người dân trong xã có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống từ đó càng thêm chăm chút cho sản phẩm của mình: “Bắt đầu từ tháng 7 bà con lên rừng thu hoạch măng le. Bà con tự chế biến làm sản phẩm măng le khô. Để có sản phẩm sạch, đẹp, bán xuất khẩu ngay sau khi lấy được măng le cần nhanh chóng gọt bỏ hết vỏ và phải luộc ngay. Rồi vớt ra ngâm với nước lạnh, rửa sạch, chẻ thành miếng phơi nắng hoặc sấy bằng than. Trước khi đóng gói sản phẩm còn phải loại những miếng măng xấu, lựa chọn những miếng ngon nhất thì người mua mới thích, ăn mới ngon. Bà con có thu nhập từ măng le nên càng ham làm, càng có trách nhiệm”.

Năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh của tỉnh Kon Tum vẫn xây dựng được 58 sản phẩm OCOP với nguyên liệu chế biến sẵn có tại địa phương. Trong đó nổi bật là nhóm sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh, cà phê, sâm dây, trái cây…

Kon Tum đột phá trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP - ảnh 2Giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện Đăk Hà. Ảnh: VOV

Chị Hồ Thị Kim Oanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại- Sản xuất và Dịch vụ Lâm Thịnh, ở huyện Đăk Tô cho biết: “Công ty mới tham gia vào chương trình OCOP. Khi mà ra thị trường về sức cạnh tranh thương mại so với các nhãn hàng khác họ có tính thương mại lâu rồi thì so ra mình còn thua kém rất xa. Sau 2 năm tham gia vào chương trình OCOP mẫu mã đã được nâng cấp rất nhiều. Về tính thương mại tăng lên ít nhất là 50% về sức cạnh tranh, về mẫu mã bao bì rồi chất lượng sản phẩm. Khi mình lên các sàn thương mại điện tử Shopee mình cũng không thua kém các sản phẩm khác”.

Tính đến hết năm 2021, tỉnh Kon Tum đã xây dựng được 146 sản phẩm OCOP xếp hạng từ 3 đến 5 sao. Để khẳng định thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, việc kết nối thị trường tiêu thụ được quan tâm chú trọng. Ngay trên địa bàn tỉnh đã có 2 cửa hàng trưng bày giới thiệu, bán sản phẩm OCOP ở thành phố Kon Tum và huyện Đăk Hà đi vào hoạt động. Tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 nhận thấy hình thức bán hàng này bị hạn chế, các chủ thể của sản phẩm OCOP nhanh chóng chuyển hướng sang hình thức kinh doanh trên sàn thương mại điện tử như kênh mua sắm Lazada, Shopee, Sendo, Tiki.

Bà Lương Thị Mỹ Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên, khẳng định doanh nghiệp đã thành công nhờ chuyển hướng kịp thời: “Không có thực hiện được các hoạt động xúc tiến thương mại cho nên doanh nghiệp phải tìm hướng đi cho mình. Doanh nghiệp đã tham gia các sàn điện tử như Tiki, Shoppe. Chỉ có các kênh này mới tồn tại được. Sàn điện tử thì cực kỳ hiệu quả”.

Ông Nguyễn Quang Hòa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh COVID-19, đồng hành cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để tiêu thụ sản phẩm OCOP, đơn vị đã thực hiện tốt vai trò kết nối thị trường, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Nhờ vậy không chỉ giảm đến mức thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh mà còn thúc đẩy được hình thức giao dịch thương mại điện tử: “Trong điều kiện COVID, Sở Nông nghiệp cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập tổ công tác chỉ đạo sản xuất và kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Mình cũng giới thiệu toàn bộ sản phẩm OCOP của mình ra Bộ Nông nghiệp và đẩy mạnh lên các kênh thương mại điện tử sàn giao dịch điện tử, sàn giao dịch điện tử. Trên cơ sở đó người ta đưa tin lên thì mình cũng giới thiệu lại cho các đơn vị của mình để tiêu thụ vừa trước mắt vừa lâu dài. Còn đối với siêu thị thì giới thiệu toàn bộ sản phẩm OCOP của mình đã có đạt chuẩn”.

Cùng với việc xây dựng được các sản phẩm OCOP mang đặc trưng riêng, chất lượng đảm bảo, việc các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh của tỉnh Kon Tum năm vừa qua tích cực chuyển hướng sang kinh doanh thương mại điện tử đã tạo được bước đột phá tiêu thụ sản phẩm ngay giữa dịch bệnh COVID-19.
Người nông dân không bị ứ đọng sản phẩm nông nghiệp, có thu nhập Tết này vẫn đảm bảo no ấm sung túc. Ngay trước thềm năm mới 2022 tỉnh có thêm 8 xã đạt chuẩn nâng tổng số xã nông thôn mới của tỉnh lên 36 xã đạt kế hoạch đề ra

Feedback