Nằm trong chuỗi các hoạt động Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ V năm 2021 đang tổ chức tại Vĩnh Long, ngày 8/1 diễn ra Hội thảo khoa học có chủ đề “Sản phẩm OCOP & Phát triển ngành hàng Lúa gạo: Động lực quan trọng để phát triển nông thôn mới”.
Ông Nguyễn Khắc Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Hội nông dân Việt Nam. Ảnh: VOV |
Sau thời gian triển khai thực hiện, đến nay cả nước có gần 4,8 nghìn sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên. Trong đó, Đồng bằng sông Hồng dẫn đầu cả nước với gần 1,8 sản phẩm (chiếm hơn 37%). Hội đồng OCOP quốc gia đang tổ chức đánh giá, phân hạng cho 43 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao được các địa phương đăng ký. Đặc biệt, đã có 35 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch được công nhận là sản phẩm OCOP. Các sản phẩm OCOP thực sự đã trở thành động lực góp phần xây dựng và phát triển vùng nông thôn Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu và bà con nông dân cho rằng Chương trình OCOP là chương trình mới, liên quan đến nhiều lĩnh vực. Do đó, giai đoạn đầu triển khai, một số địa phương còn nhiều lúng túng trong cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất, chưa quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các làng nghề truyền thống. Các đại biểu cho rằng những vướng mắc trên cần được thảo luận sâu để xây dựng Chương trình OCOP ngày càng hoàn hảo hơn trong thời gian tới.
“Mỗi xã một sản phẩm” (One commune, one product) là mô hình được học tập từ phong trào “Mỗi làng một sản phẩm của của Nhật Bản” (One village, one product), phong trào này được triển khai ở Nhật bản từ thập niên 70 của thế kỷ trước và đã mang lại nhiều lợi ích người dân. Đến nay, đã có hơn 40 nước học theo và đã triển khai rất thành công góp phần mang lại đời sống ấm no cho người dân vùng nông thôn. OCOP là giải pháp phát triển kinh tế từ các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, truyền thống văn hóa, danh thắng các địa phương nhằm nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn.