Lễ hội xuống đồng 2017 diễn ra vào tháng 6 âm lịch, tại đình Cốc và sông Cửa Đình, thuộc phường Phong Cốc, Thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Đây là một sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc của người dân nơi đây. Sự kiện đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách về tham dự.
Nghe âm thanh tại đây:
Lễ hội xuống đồngcó từ lâu đời trong đời sống sinh hoạt của người dân thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Lễ hội năm nay có chủ đề “Về miền di sản văn hóa Quảng Yên”. Lễ hội xuất phát từ tục làm lễ “Hạ điền” và lễ “Thượng điền” của cư dân vùng Hà Nam, sau đó được người dân thị xã Quảng Yên lưu giữ từ hàng chục năm qua.
Tại lễ hội, khi tiếng chuông, tiếng trống vang lên, thì những kí ức về lễ hội lại ùa về trong lòng mỗi người dân. Bà Tô Thị Thu, Bí thư Đảng ủy phường Phong Cốc, nơi tổ chức lễ hội xuống đồng, cho biết: Đây là lễ hội truyền thống của người dân địa phương từ xa xưa. Lễ hội này có ý nghĩa đối với người dân trên đảo thường phải phụ thuộc vào thiên nhiên, thường thì vụ chiêm không có nước còn vụ màu thì ngập úng. Lễ hội này bắt nguồn từ những điều đó.
|
Lễ hội xuống đồng thường được tổ chức vào đầu tháng 6 âm lịch, là thời vụ cấy lúa mùa. Thời gian diễn ra lễ hội diễn ra trong hai ngày. Ngày chính hội, sau nghi lễ cúng Thần Nông và Thành hoàng tại đình (Lễ tế Thần Nông và Thành hoàng tại buổi khai mạc Lễ hội xuống đồng, cầu mong các thần phù hộ cho dân làng một mùa vụ tươi tốt, ấm no, nhà nhà hạnh phúc), ông chủ tế xuống ruộng trước cửa Đình cấy những cây lúa đầu tiên trước sự chứng kiến của dân làng. Ở giữa ruộng có cắm cây nêu, trên có cành phan để đuổi ma quỷ, có hình các sản vật nông nghiệp, như lúa, cá, tôm, lợn, gà... thể hiện cho sự mong ước một mùa màng tốt tươi.
|
Sau nghi lễ cấy này mọi gia đình trong làng mới được cấy lúa xuống ruộng nhà mình. Việc lựa chọn ông chủ tế để cấy những cây lúa đầu tiên cũng vô cùng quan trọng bà Tô Thị Thu cho biết thêm: Ông chủ tế phải là người không có tang trở, bố mẹ song toàn, và con cái phương trưởng thì mới được xuống đồng cấy cây lúa đầu tiên. Trước đây vùng đảo Hà Nam là vùng đảo thấp hơn so với mực nước biển, cho nên người dân phải chống chọi với thiên nhiên. Từ chỗ đó, muốn thể hiện lòng quyết tâm thì môn thể thao đua thuyền cũng là môn để giáo dục về truyền thống đoàn kết của cư dân trên đảo.
|
Bên cạnh phần lễ thì các hoạt động như thi bơi tại sông Cửa Đình, chương trình giao lưu văn nghệ “Chiếu chèo sân đình”, hát đúm, hò biển, các tiết mục diễn xướng dân gian tại sân đình Cốc, hội thi cấy, hội đua thuyền chải truyền thống...cũng thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và du khách. Ông Phạm Văn Thanh, phường Phong Cốc, chia sẻ người dân ở đây ai ai cũng háo hức mong chờ ngày hội này, mọi người ráo riết chuẩn bị thuyền, các dụng cụ cho hội thi, rồi mải miết tập luyện trước giờ thi: Chúng tôi giữ lại theo tập tục của địa phương, của ông cha chúng tôi để lại đã 582 năm nay. Chúng tôi vẫn giữ được cái thuần phong mỹ tục này. Tôi là người nối tiêp ông cha từ năm 17 tuổi, năm nay tôi đã 56 tuổi, mặc dù chúng tôi do điều kiện công việc nhưng chúng tôi bỏ tất cả công việc để duy trì lại lễ hội của đình làng. Để khôi phục và thu hút mọi du khách thập phương xa gần, con cháu làm ăn khắp mọi miền tổ quốc hướng về cội nguồn, hướng về làng Cốc thân yêu của chúng tôi.
|
Có hòa mình trong không khí lễ hội xuống đồng của người Quảng Yên, mới thấy hết được tình cảm của người dân nơi đây dành cho lễ hội của mình. Người cổ vũ thì hết lòng động viên, reo hò trong tiếng trống rộn ràng, để đón những chiếc thuyền đua về đích đầu tiên trong cuộc thi. Người thi đấu cũng chẳng phụ lòng người cổ vũ mà hăm hở khua chèo để về đích một cách nhanh nhất. Chị Bùi Thị Hới, người dân phường Phong Cốc tham gia bơi thuyền chải, chia sẻ: Chúng tôi là người nông dân, chúng tôi cảm thấy đình làng có một lễ hội truyền thống từ ông cha để lại đến bây giờ. Chúng tôi vẫn giữ được truyền thống này thì tôi thấy rất vui mừng.
Sau khi lễ hội kết thúc, cuộc sống của người dân Quảng Yên lại trở lại nhịp điệu thường ngày. Những lễ hội truyền thống như lễ hội xuống đồng tiếp tục được người dân Quảng Ninh bảo tồn, gìn giữ như một di sản quý báu, qua đó làm giàu thêm truyền thống lịch sử, văn hoá của vùng đất này.