Công Lương- làng thương vợ

Tô Tuấn
Chia sẻ
(VOV5) - Tại ngôi làng này, phụ nữ không bao giờ phải chân lấm tay bùn, bởi toàn bộ công việc đồng áng đều do đàn ông đảm nhiệm
Công Lương- làng thương vợ - ảnh 1 Phụ nữ làng Công Lương thảnh thơi vì công việc đồng áng nặng nhọc đã có chồng gánh vác. Ảnh: - Đ.H/dantri.com.vn

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Khi nhắc đến Huế, người ta không chỉ nhắc đến di sản nghệ thuật kiến trúc kinh đô cổ, mà còn nói đến vẻ đẹp văn hóa, phong cách ứng xử con người Huế. Trong các câu chuyện về Huế xưa có kể về những ngôi làng sống dựa vào nông nghiệp ven kinh thành, nhưng ở đó, phụ nữ không bao giờ phải chân lấm tay bùn, bởi toàn bộ công việc đồng áng đều do đàn ông đảm nhiệm. Có lẽ đó là ngôi làng duy nhất, mà đàn ông dành nhiều tình thương cho những người phụ nữ của mình, mà theo cách nói địa phương, gọi là “ Làng thương vợ”.

Đến thành phố Huế hỏi thăm “làng thương vợ” ở đâu, hầu như chẳng ai biết. Nhưng hỏi thăm làng cổ Công Lương, thì chỉ vài người cao tuổi còn nhớ đó là ngôi làng nhỏ ở đâu đó, phải đi qua cầu Tràng Tiền rồi xuôi về phía biển Thuận An.  Còn chuyện phụ nữ ở làng Công Lương cả đời chẳng phải ra đồng thì chẳng mấy ai tin.

Từ xưa tới nay trên khắp các dải đất hình chữ S của Việt Nam, không có làng xã nào mà chỉ đàn ông đi làm, còn đàn bà ở nhà. Với nhiều người đó là chuyện lạ, bởi từ lâu trên những cánh đồng lúa vàng, luôn thấp thoáng bóng hình người phụ nữ tay cầy, tay cấy…và khung cảnh ấy gần như trở thành biểu tượng truyền thống của phụ nữ Việt Nam trung hậu, đảm đang…Vậy mà ở làng Công Lương, thuộc xã Thủy Vân, cách thành phố Huế chừng 7 km, chuyện phụ nữ cả đời chẳng phải ra đồng lại là chuyện rất đỗi bình thường và tồn tại từ hàng trăm năm nay.                                   

Làng Công Lương ngày nay vẫn mang dáng vẻ ngôi làng cổ kinh trầm mặc, thanh bình. Bên bến sông đầu làng, những người phụ nữ vừa giặt giũ, vừa trò chuyện vui vẻ thảnh thơi. Đường vào làng luôn vắng vẻ, thỉnh thoảng gặp vài phụ nữ mua bán trao đổi, trẻ con chơi đùa trong các con ngõ vắng. Thế nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng đàn ông. Con đường ra đằng sau làng trông ra cánh đồng lúa chín, những người đàn ông trong làng đang khẩn trương gặt, chở lúa về làng.

Ông Lê Văn Trì, người cao tuổi trong làng giờ cũng chẳng rõ phong tục này có từ bao giờ, chỉ biết có từ xa xưa, khi mới thành lập làng. "Phong tục này của làng có từ lâu rồi… Từ xưa tới nay, có từ hàng trăm năm nay, không biết ở đâu có như vậy, nhưng ở làng tôi là rứa".

Gặp gỡ những người đàn ông đang làm việc ngoài cánh đồng mọi câu hỏi về nguồn gốc phong tục đàn ông đi làm ngoài đồng và phụ nữ chỉ ở nhà lo nội trợ chăm sóc con cái đều  được trả lời gần giống nhau. Theo họ, phong tục này được chấp nhận như một điều hiển nhiên, gần như một quy tắc, điều ước chung mà tất cả đàn ông, đàn bà sinh ra trong ngôi làng này đều nhất mực phải tuân theo.

Ông Trương Hữu Tri, Trưởng thôn Công Lương giải thích: làm đồng là công việc không những cần sức khỏe mà còn phải khéo léo chăm chút, tần tảo sớm hôm, đàn ông ở đây đã quen với việc đồng áng này từ lâu rồi. Ông Trương Hữu Tri, chia sẻ: "Đặc điểm thôn Công Lương ở đây, làm ruộng, làm nông nghiệp là chủ yếu., phụ nữ không tham gia làm nông nghiệp, mà chủ yếu là nam thanh niên và nông dân. Bởi không phải làm việc ngoài đồng, nên phụ nữ ở đây, nhiều khi đem thức ăn hay nước uống cho chồng con, thậm chí còn không biết ruộng lúa của gia đình mình ở đâu"

Với người dân ở đây, cái tâm và tình người là vô cùng quan trọng. Trong cuộc sống, dù làm bất cứ việc gì cũng bằng tấm lòng thành thực, không vụ lợi mới đáng quý. Cái quan trọng là tình cảm, là tấm lòng gửi đến người nhận.Những người đàn ông ở làng Công Lượng tự nguyện nhận những công việc đầy khó nhọc về mình, dành tình cảm, tình thương cho những người phụ nữ của họ đã trở thành truyền thống quý báu, làm nên thương hiệu “làng thương vợ.

Bà Lê Thị Gái lấy chồng, làm dâu ở làng Công Lương đã hơn 30 năm nay, chia sẻ: "Đàn ông ở đây rất thương vợ… Theo phong tục ở đây, đàn ông ra đồng làm việc còn  đàn bà chỉ ở nhà làm công việc nội trợ, chăm sóc con cái, đàn bà không làm việc ngoài đồng, chỉ làm phụ giúp thôi"

Làm ruộng ở đây chỉ toàn nam giới, đàn bà chủ yếu chỉ làm phụ giúp, phụ nữ chủ yếu làm các công việc nội trợ, chăm sóc cn cái…Đó là sự thật, sự thật làm nền thương hiệu “ Làng thương vợ”. Công Lương- ngôi làn nhỏ bé khiêm nhường ở bên bến sông ven thành phố Huế, cuộc sống cứ tồn tại lặng lẽ như thế hàng thế kỷ qua và ẩn dấu trong đó những phong tục tập quán, lối ứng xử văn hóa đẹp mà ít nơi đâu có được.

Feedback