Việt Nam tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế chung tay nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu

Thành Chung- Thùy Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định cam kết từ nay đến năm 2020, Việt Nam tiếp tục tích cực triển khai Chiến lược, chương trình, kế hoạch về ứng phó với biến đổi khí hậu trên nhiều lĩnh vực với các biện pháp thiết thực.

(VOV5) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định cam kết từ nay đến năm 2020, Việt Nam tiếp tục tích cực triển khai Chiến lược, chương trình, kế hoạch về ứng phó với biến đổi khí hậu trên nhiều lĩnh vực với các biện pháp thiết thực.

Sáng nay, 1/12, theo giờ Việt Nam, tại Trung tâm Hội nghị Bourget, ở thủ đô Paris,Pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu ( COP 21).

Việt Nam tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế chung tay nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Nhật Bắc


Phát biểu trước 150 Nguyên thủ, Người đứng đầu Chính phủ các quốc gia trên thế giới và lãnh đạo các tổ chức quốc tế đại diện cho 196 thành viên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không chỉ khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế chung tay nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: triển khai thành công chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đòi hỏi các quốc gia phải có quyết tâm chính trị mạnh mẽ và hợp tác chặt chẽ trong thực hiện nghiêm túc, đầy đủ hiệu quả. Thỏa thuận khí hậu toàn cầu sau năm 2020. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định cam kết từ nay đến năm 2020 trong điều kiện khó khăn về nguồn lực nhưng Việt Nam tiếp tục tích cực triển khai Chiến lược, chương trình, kế hoạch về ứng phó với biến đổi khí hậu trên nhiều lĩnh vực với các biện pháp thiết thực. Việt Nam sẽ đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu giai đoạn 2016 - 2020.

Đối với giai đoạn sau năm 2020, Thủ tướng nêu rõ: mặc dù là một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn, chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn cam kết giảm 8% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ xem xét định kỳ, điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của mình. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Việc triển khai thành công Chương trình Nghị sự 2030 đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm chính trị mạnh mẽ và hợp tác chặt chẽ trong việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả Thỏa thuận khí hậu toàn cầu sau năm 2020. Thay mặt Chính phủ và Nhân dân Việt Nam, tôi trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, giúp đỡ quý báu của  các quốc gia, các tổ chức quốc tế dành cho phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam nói chung và ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng. Chúng tôi sẽ thực hiện tốt trách nhiệm và các cam kết quốc gia của mình”.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte và Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Laura Tusk, đồng chủ trì phiên Đối thoại cấp cao “ Việt nam chung tay cùng các đối tác quốc tế ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long”. Phát biểu mở đầu phiên Đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Nếu không có giải pháp ứng phó phù hợp thì dự báo đến cuối thế kỷ này, nếu nước biển dâng cao 1 mét sẽ gây ngập lụt tới 40% diện tích và ảnh hưởng tới sinh kế của gần 55% dân số Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Đây còn là nơi xuất khẩu khoảng 1/5 tổng lượng gạo thương mại quốc tế trên toàn cầu, cung cấp gạo cho hàng triệu người tại nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới. Về giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực và các đối tác liên quan, đặc biệt là Ủy hội sông Mekong quốc tế, để khai thác và sử sụng bền vững nguồn tài nguyên nước cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ của các quốc gia, tổ chức quốc tế dành cho Việt Nam nói chung và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng trong các hoạt động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Chính phủ Việt Nam luôn trân trọng và quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ quốc tế. Trong Đối thoại hôm nay, chúng tôi mong nhân được các đề xuất về giải pháp, phương thức hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Laura Tusk nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam đã chứng tỏ với cộng đồng thế giới thấy rõ sự cam kết mạnh mẽ cũng như quyết tâm đề ra các biện pháp hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đề nghị Việt Nam với vai trò là quốc gia đi đầu trong khu vực về ứng phó với biến đổi khí hậu tăng cường hành động mạnh mẽ hơn đồng thời khẳng định Hà Lan sẵn sàng làm tất cả để hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này. Kết thúc phiên Đối thoại, các bên đã ra Tuyên bố chung giữa Việt Nam, Hà Lan và Ngân hàng Thế giới về việc ủng hộ và kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong khuôn khổ chuyến tham dự Hội nghị COP21, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có cuộc hội đàm với Thủ tướng Pháp Manuel Valls. Tại đây, hai Thủ tướng nhất trí tiếp tục triển khai mạnh mẽ các nội hàm của quan hệ Đối tác chiến lược và đã thống nhất nhiều biện pháp cụ thể để tăng cường hợp tác Việt - Pháp trong thời gian tới. Về chính trị, hai bên nhất trí tăng cường tiếp xúc ở các cấp, nhất là cấp cao; nâng cao vai trò của các cơ chế chỉ đạo, định hướng hợp tác trên các lĩnh vực như Ủy ban hỗn hợp hợp tác quốc phòng và Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế; phối hợp tổ chức thành công Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 10 vào tháng 9/2016 tại Việt Nam. Về kinh tế, hai bên nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác trong các dự án trọng điểm về giao thông vận tải, năng lượng, hàng không vũ trụ, nông nghiệp, dược phẩm… Thủ tướng Manuel Valls nêu rõ Pháp rất quan tâm đến yêu cầu của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất trí hai bên cần hỗ trợ lẫn nhau trong nỗ lực đạt mục tiêu giảm phát khí thải nhà kính; sẵn sàng khuyến khích doanh nghiệp Pháp tham gia tích cực vào các dự án “phát triển xanh” tại Việt Nam.

Thủ tướng Manuel Valls cam kết Pháp tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với EU, nhất là về kinh tế và thương mại; sẽ hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA). Thủ tướng Pháp ủng hộ Việt và EU sớm ký chính thức, khẩn trương phê duyệt và triển khai Hiệp định Thương mại tự do, nhằm góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại-đầu tư Việt Nam - Pháp. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng làm cầu nối giúp Pháp tăng cường quan hệ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và với ASEAN.

Hai bên cũng nhất trí cho rằng mọi tranh chấp ở Biển Đông cần phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải và hàng không vì lợi ích của khu vực và của cả cộng đồng quốc tế.

Feedback