Chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu

Thành Chung
Chia sẻ
(VOV5) -  Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế quan trọng và đóng góp vào các quá trình đàm phán quốc tế về khí hậu.
(VOV5) -  Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế quan trọng và đóng góp vào các quá trình đàm phán quốc tế về khí hậu.


Hôm nay (30/11), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP-21), tại Paris, Pháp. Tham dự Hội nghị, Việt Nam tiếp tục khẳng định với thế giới cam kết chính trị mạnh mẽ của mình, đó là tiếp tục chủ động, có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế chung tay nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu bằng những hành động cụ thể cả ở tầm quốc gia và quốc tế.


Chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Paris dự Hội nghị COP 21.


Trước những tác hại ngày càng khốc liệt của biến đổi khí hậu đối với nhân loại, COP 21 được tổ chức với quy mô là một trong những hội nghị toàn cầu lớn nhất trong năm 2015 với sự tham dự của khoảng 50 nghìn đại biểu đến từ 185 nước trên khắp thế giới. Mục tiêu chính của COP 21 là thông qua một khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới về biến đổi khí hậu cho giai đoạn sau năm 2020, gọi là Thỏa thuận Paris 2015 với sự cam kết của các nước cắt giảm lượng khí thải nhằm hạn chế tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2 độ C vào cuối thế kỷ 21.

Nếu Thỏa thuận Paris 2015 được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên trong suốt hơn 20 năm đàm phán về khí hậu trong khuôn khổ Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế mới đạt được một thỏa thuận mang tính ràng buộc với sự tham gia của tất cả các quốc gia thải lượng khí gây hiệu ứng nhà kính lớn, kể cả các nước phát triển và đang phát triển.

Đi đầu trong thực hiện Báo cáo quốc gia về cam kết giảm phát thải khí nhà kính

Là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam luôn nhận thức được những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đến sự phát triển bền vững ở Việt Nam cũng như trên thế giới, Vì vậy, từ lâu, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm xây dựng và thực hiện các chương trình, chính sách quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế quan trọng và đóng góp vào các quá trình đàm phán quốc tế về khí hậu.

Tại Hội nghị lần này, Việt Nam là một trong 150 nước trước hội nghị COP 21 đã chủ động đưa ra mức cam kết quốc gia để cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực giảm phát thải nhà kính, nhằm đảm bảo mục tiêu giữ nhiệt độ trái đất vào năm 2100 tăng không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây cũng là một trong những nội dung chính của khuôn khổ pháp lý mới về biến đổi khí hậu. Thời gian vừa qua, các bộ, ngành, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ của Việt Nam, các tổ chức quốc tế và đối tác phát triển đã tích cực phối hợp chặt chẽ để hoàn thành bản báo cáo này. Báo cáo của Việt Nam gồm 2 hợp phần: Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, gồm các hoạt động sẽ được thực hiện bằng nguồn lực trong nước và những hoạt động có thể được thực hiện nếu nhận được hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, trong đó, Việt Nam cam kết vào năm 2030 sẽ giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với Kịch bản phát triển thông thường bằng nguồn lực trong nước và 25% nếu nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế; Thích ứng với biến đổi khí hậu, gồm các hoạt động đang được thực hiện, những thiếu hụt trong thể chế, chính sách, tài chính, nguồn nhân lực và công nghệ, các biện pháp thích ứng cho giai đoạn 2021-2030. Cùng với đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp cấp cao của COP 21, khẳng định với thế giới cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đã, đang và tiếp tục chủ động, có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế chung tay nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu bằng những hành động cụ thể cả ở tầm quốc gia và quốc tế.

Tích cực cùng cộng đồng quốc tế chung tay nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu

Bên cạnh tham dự các hoạt động chính tại COP 21, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có các cuộc tiếp xúc song phương với các nhà lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy cơ hội hợp tác, hỗ trợ trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. Đây là điều rất cần thiết trong bối cảnh Việt Nam là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng chủ trì Đối thoại cấp cao về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long với sự tham gia của của lãnh đạo các quốc gia trong khu vực, các nước đối tác và ngân hàng thế giới. 

Việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị là nhằm triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tham gia vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời thúc đẩy các cơ hội hợp tác giữa Việt Nam với các nước và các đối tác quốc tế, nhất là trong lĩnh vực biến đổi khí hậu.

Feedback