Ngày 20/6, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) tại Geneva hoan nghênh nỗ lực của Cao ủy Nhân quyền LHQ cũng như của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR) trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, khẳng định Việt Nam cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cao ủy Nhân quyền LHQ và OHCHR để giải quyết các vấn đề nhân quyền.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai (áo xanh) cùng cán bộ Phái đoàn Việt Nam tại Geneva. Ảnh: TTXVN |
Phát biểu tại phiên đối thoại với Cao ủy Nhân quyền LHQ về Báo cáo về tình hình nhân quyền hằng năm, ở Geneva, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nêu rõ Việt Nam quyết tâm đảm bảo người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền con người; đồng thời nhấn mạnh Việt Nam ưu tiên tập trung củng cố pháp quyền, minh bạch, an ninh và an toàn xã hội cũng như tiến hành các cải cách cần thiết về pháp lý và kinh tế nhằm hỗ trợ cho quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 và phát triển bao trùm, bền vững.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai khẳng định Việt Nam cam kết thúc đẩy đối thoại thực chất và hợp tác hiệu quả với tất cả các quốc gia thành viên và các cơ chế nhân quyền của LHQ; ủng hộ các nguyên tắc cơ bản về phổ quát, công bằng, khách quan, không chọn lựa và không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia; đối thoại và hợp tác thực chất cũng như tuân thủ các nguyên tắc nêu trên là cách thức hiệu quả nhất để thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền.
Tại khóa họp 53 của Hội đồng Nhân quyền từ ngày 19/6 đến 14/7, Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh sự tham gia trên cương vị thành viên nhiệm kỳ 2023-2025. Theo đó, Việt Nam cùng Bangladesh và Philippines sẽ đồng tổ chức phiên thảo luận chuyên đề về biến đổi khí hậu và quyền con người với chủ đề “Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với việc hiện thực hóa đầy đủ quyền lương thực”; giới thiệu dự thảo Nghị quyết năm 2023 về biến đổi khí hậu và quyền con người, với chủ đề “Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sinh kế và ảnh hưởng của những tác động này đối với quyền con người”.
Bên cạnh đó, đoàn Việt Nam sẽ chủ trì, phối hợp với một số đối tác tiến hành tổ chức thảo luận chuyên đề về chống bạo lực, phân biệt đối xử và quấy rối dựa trên cơ sở giới tính tại nơi làm việc.