Sẵn sàng đối thoại để thu hẹp những khác biệt về nhân quyền

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Dân chủ, nhân quyền của Việt Nam phải phù hợp, hài hoà với sự phát triển chung của xã hội, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ngày 20/3 vừa qua, công bố Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022, cho rằng: “Một số quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, đã vi phạm nhân quyền có hệ thống”. Việc đánh giá này là phiến diện, có tính quy kết, không phản ánh đúng thực tế và bản chất của vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. Trong khuôn khổ mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, Việt Nam sẵn sàng đối thoại với Hoa Kỳ để thu hẹp những khác biệt trong việc nhìn nhận vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.

Sẵn sàng đối thoại để thu hẹp những khác biệt về nhân quyền  - ảnh 1Ảnh minh họa - Nguồn: tuyengiao.vn

Những thông tin trong Báo cáo nhân quyền thường niên 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bị ảnh hưởng bởi quan điểm, định kiến cá nhân, không dựa trên các sự kiện, dữ liệu và chứng cứ khách quan, khoa học, mang tính tổng thể. Báo cáo nhắc đến một số cá nhân cụ thể, trên thực tế là những đối tượng chống đối, lợi dụng vỏ bọc “dân chủ”, “nhân quyền” để chống phá đất nước, xâm phạm đến an ninh quốc gia và trật tự xã hội của Việt Nam, từ đó quy kết Việt Nam tiến hành các hoạt động bắt giữ tuỳ tiện, xét xử không công bằng, đàn áp xuyên quốc gia, can thiệp bất hợp pháp vào các quyền riêng tư, không tôn trọng các quyền tự do ngôn luận, thiếu tự do Internet…

Cần khách quan, trung thực, đúng đắn khi đánh giá về nhân quyền Việt Nam

Những gì mà Báo cáo nhân quyền thường niên 2022 đề cập cho thấy dường như các giá trị dân chủ, nhân quyền mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hướng đến chỉ nhằm phục vụ một số cá nhân trong xã hội. Rõ ràng đó là sự đánh giá sai lệch về bản chất của vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. Các giá trị dân chủ, nhân quyền mà Việt Nam hướng đến không thể là dân chủ quá trớn, lợi dụng dân chủ, nhân quyền để xâm phạm chủ quyền, lợi ích quốc gia, lợi ích tập thể, cá nhân và làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự. Dân chủ, nhân quyền của Việt Nam phải phù hợp, hài hoà với sự phát triển chung của xã hội, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc.

Theo các chuyên gia, để đánh giá tình hình nhân quyền tại Việt Nam một cách khách quan, trung thực, đúng đắn, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cần dựa trên các thông tin và dữ liệu có nguồn gốc đáng tin cậy và mang tính tổng quan. Theo đó, việc khảo sát, thu thập số liệu, dẫn chứng phải bám sát thực tiễn và có sự xác thực của cơ quan chức năng Việt Nam. Chính các cơ quan quản lý nhà nước mới có thông tin, tài liệu đầy đủ và xác thực. Để đánh giá khách quan, cũng cần có những tiêu chí rõ ràng, minh bạch về thông tin, thông tin được thẩm định và đánh giá trước khi công bố. Hiện nay, khi chưa có một tiêu chí cụ thể, rõ ràng nào để đánh giá về tình hình nhân quyền ở mọi quốc gia, Bộ Ngoại giao Hoa kỳ không nên tuỳ tiện đưa ra những quan điểm, thông số riêng và bằng các nguồn tin không chính thống để đánh giá về tình hình nhân quyền của các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Về vấn đề này, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ: "Việt Nam lấy làm tiếc vì Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022 của Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tiễn tại Việt Nam. Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở, trên tinh thần xây dựng  với Mỹ về những vấn đề còn có nhiều khác biệt để tăng cường hiểu biết và đóng góp vào sự phát triển của quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ".

Trên thực tế, chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Về mặt pháp lý, Điều 3, Hiến pháp 2013 đã quy định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Trên cơ sở Hiến pháp, Việt Nam đã đưa ra nhiều đạo luật mới nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền con người như Luật Tín ngưỡng Tôn giáo năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018, Luật Báo chí năm 2016…Các luật này có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo các quyền cơ bản cho công dân, bảo vệ tự do ngôn luận, tín ngưỡng, tôn giáo và quyền riêng tư. Trong thực tiễn, dù đời sống xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng quyền con người luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo đảm một cách phù hợp với tình hình đất nước. Với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”, Việt Nam đã phát huy sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, xoá đói, giảm nghèo và phát triển con người theo đúng các cam kết quốc tế. Thành quả về bảo đảm quyền con người của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Việt Nam sẵn sàng đối thoại về những khác biệt trong vấn đề nhân quyền

Sau khi bình thường hoá và thiết lập quan hệ ngoại giao, từ năm 1995 đến nay, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đẩy mạnh hợp tác song phương trên cơ sở tin cậy, tôn trọng lẫn nhau. Hiện nay, mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia phát triển một cách toàn diện trên nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, an ninh, văn hoá, giao lưu nhân dân… Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn sẵn sàng đối thoại, trao đổi thẳng thắn và cởi mở trên tinh thần xây dựng với Hoa Kỳ về những vấn đề còn khác biệt nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ: "Sau 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, quan hệ Việt Nam Hoa Kỳ đã phát triển sâu rộng hiệu quả và thực chất trên cả 3 bình diện song phương, khu vực và quốc tế. Hai nước duy trì tiếp xúc, đối thoại ,trao đổi đoàn ở các ngành, các cấp và nhất là các chuyến thăm cấp cao. Trên cơ sở phát triển hiện nay, chúng tôi rất mong muốn và sẵn sàng hợp tác với chính quyền của Tổng thống Joe Biden thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới".

Một trong những rào cản chính trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ là những khác biệt về quan điểm khi đánh giá các vấn đề nhân quyền, dân chủ, dân tộc, tôn giáo… Tuy nhiên, trong thời gian qua, hai nước đã nỗ lực hợp tác và giải quyết những rào cản này bằng cách tăng cường đàm phán và trao đổi thông tin. Vượt qua rào cản về định kiến nhân quyền trên tinh thần bình đẳng và hợp tác để tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia là điều cả hai nước luôn hướng tới. Do đó, khắc phục những phiến diện, một chiều, không chính xác khi đánh giá về vấn đề nhân quyền của Việt Nam trong các Báo cáo nhân quyền thường niên là việc Bộ Ngoại giao Hoa kỳ cần làm, thể hiện những nỗ lực mới nhằm xóa bỏ, thu hẹp những rào cản, đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai.

Feedback