Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Mùa thu năm 1945 đã đi vào lịch sử dân tộc như dấu mốc chói lọi nhất. 75 năm qua, đất nước đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Đất nước hội nhập quốc tế rộng mở, thế nước đi lên. Việt Nam không chỉ là ngọn cờ đầu của phong trào giải phóng dân tộc mà còn là hình mẫu của đổi mới, phát triển, hòa bình, tiến bộ, thịnh vượng trong con mắt bạn bè quốc tế.
Nếu như quá khứ Việt Nam đã để lại dấu ấn với bạn bè quốc tế bởi khát vọng hòa bình mãnh liệt cho dân tộc mình, thì hiện tại, thế giới lại được chứng kiến Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ, năng động trong phát triển kinh tế, trở thành điểm sáng tăng trưởng kinh tế trong khu vực. Ông Ousmane Dione, cựu Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, nhận định:Tỷ lệ giảm nghèo của Việt Nam vào thời điểm này đã giảm xuống dưới 10% và tỷ lệ cực nghèo cũng đã giảm mạnh xuống dưới 3%, ít hơn cả tỷ lệ chuẩn của quốc tế. Điều này phản ánh sự thành công của một quốc gia đối với công cuộc giảm đói nghèo
Từ một nước nghèo nàn, có cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội lạc hậu, trình độ thấp vươn lên trở thành một nước đang phát triển, có thu nhập trung bình. Ông Thomas Rath, Giám đốc Qũy phát triển nông thôn quốc tế, đánh giá: Việt Nam đã có bước nhảy vọt ấn tượng về chuyển đổi kinh tế. Việt Nam không chỉ còn đơn thuần là một quốc gia có tỷ trọng nông nghiệp lớn và giá trị nông nghiệp cũng rất cao. VN sẽ có những thành tựu lớn hơn và sẽ là hình mẫu về phát triển nông thôn cũng như kinh tế nói chung.
Ngày 07/06/2019, Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu gần như tuyệt đối (192/193 phiếu). Nguồn: TTXVN
|
Công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng từng bước làm cho Việt Nam trở thành bộ phận hữu cơ của khu vực và thế giới. Việt Nam ngày nay đã trở thành một đối tác quan trọng của nhiều quốc gia, trong đó bao gồm cả các cường quốc. Đại sứ Ấn Độ Pranay Verma: Việt Nam là đối tác thân thiết của Ấn Độ trong quan hệ hợp tác chính trị, kinh tế và an ninh nhiều mặt và là một mắt xích chính trong cam kết của Ấn Độ với ASEAN. Việt Nam rõ ràng là một đối tác không thể thiếu trong Tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương, dựa trên các giá trị và lợi ích chung trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và sự thịnh vượng của khu vực.
Từ mối quan hệ cựu thù, Mỹ giờ đây cũng coi Việt Nam là một đối tác quan trọng ở khu vực Đông Nam Á. Hai bên không chỉ tìm thấy rất nhiều tiếng nói chung trong hợp tác song phương, mà còn đồng điệu, chia sẻ với nhau quan điểm về các vấn đề đa phương. Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink: Không có giới hạn cho những gì Việt Nam và Hoa Kỳ có thể cùng hợp tác. Tôi rất lạc quan về tương lai phát triển kinh tế của Việt Nam. Sở dĩ tôi lại lạc quan như vậy là vì tôi đã nhìn thấy một đất nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, là lãnh đạo trong khu vực. Chúng tôi cho rằng Việt Nam là một đối tác lớn và chúng ta sẽ tiếp tục tạo ra những đóng góp quan trọng cho khu vực và thế giới.
Từ một đất nước không có tên trên bản đồ thế giới, Việt Nam được bạn bè quốc tế tin tưởng, hai lần bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tham gia thảo luận, quyết nghị các vấn đề về hòa bình và an ninh quốc tế…